3. CON TRẺ KHÔNG CÓ CHÍ HƯỚNG THÌ PHẢI LÀM SAO?
Tạo ra hoàn cảnh huân tập tốt
Con trẻ không có chí hướng thì người làm cha mẹ như chúng ta phải suy ngẫm lại: ở trong tâm của con trẻ, chúng ta có biểu hiện ra thái độ có chí hướng không? Bởi vì muốn bồi dưỡng chí hướng cho con trẻ thì phải ở trong hoàn cảnh lập chí của cha mẹ và người lớn mà huân tập. Khi tôi học cấp 3 tôi rất sợ môn Văn, bởi vì hồi học cấp 2, có một lần Thầy giáo phát một bài văn viết cho chúng tôi làm tham khảo. Lúc thầy giáo giới thiệu bài văn này thì nói:
– Tác giả bài văn này là học sinh lớp 9 của thầy viết, bạn ấy tên là Thái Dung Thanh, con cái được được dạy ra ở trong cùng một gia đình, sao mà trình độ ngữ văn chênh lệch như vậy chứ?
Tôi nghe lời nói này của Thầy rồi, thật là chẳng còn mặt mũi gì nữa, bởi vì Thái Dung Thanh là chị gái thứ hai của tôi. Thầy nói như vậy đã kích động rất lớn đối với nội tâm của tôi, từ đó cứ mỗi khi học môn Văn thì tôi đều không ngẩng đầu lên. Cho nên người làm thầy cô không được dùng những từ ngữ sắc bén để đối xử với học sinh, nếu không thì sẽ làm tổn thương đến lòng tự tin của các em.
Từ lúc tôi học cấp 2 trở đi thì vẫn luôn không có niềm tin với môn văn. Lên đến Cấp 3, có một lần thầy giáo gọi đích danh tôi trên lớp, thầy nói:
– Thái Lễ Húc, em đứng dậy, cứ học môn văn là em lại ngủ gật, thầy sẽ ghi em là bỏ giờ.
Đúng là trong quá trình đi học, môn ngữ văn của tôi luôn là không tốt, nhưng trong lúc học tập cổ văn thì tôi lại có ấn tượng đặc biệt sâu sắc với hai thiên văn chương, chính là “Nhạc Dương Lâu Ký” của Phạm Trọng Yêm và “Xuất Sư Biểu” của Khổng Minh. Khi tôi đọc đến câu nổi tiếng thiên cổ của Phạm Trọng Yêm “Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ” [1], vốn dĩ tôi còn đang không tỉnh táo lắm, đột nhiên lập tức cảm thấy được một màn quang minh trước mắt, nhưng ánh quang minh này chỉ có khoảng thời gian mấy chục giây thì biến mất. Khi tôi lại đọc đến câu “cúc cung tận tuỵ, đến chết mới thôi” [2] trong “Xuất Sư Biểu” của Khổng Minh thì trước mắt lại phóng ánh quang minh, nhưng cũng chỉ có mấy chục giây lại chẳng thấy nữa. Mặc dù ánh quang minh không còn nữa, nhưng từ đó tôi rất hoan hỉ với học vấn của Thánh Hiền, cho nên hơn mười năm sau, khi tôi lại được học tập lại những lời dạy của Thánh Hiền, thật sự là pháp hỉ sung mãn. Do đó, khi trẻ nhỏ không có chí hướng thì người làm cha mẹ, làm thầy cô giáo nhất định phải tạo ra cơ hội, để cho con cái huân tập phong phạm (khuôn phép) của Thánh Hiền thì trẻ nhỏ mới có được cái chí hướng lớn lao.
Tôi nghĩ, nếu từ nhỏ Thầy giáo đã nói với tôi những câu chuyện của Phạm Trọng Yêm, những câu chuyện của Khổng Minh thì thành tựu của tôi hôm nay nhất định phải khác hơn nữa. Chúng tôi đều là đang theo chủ nghĩa học vị, lớn lên dưới nền giáo dục bó cứng như vậy, càng đi học tâm lượng càng nhỏ hẹp. Tôi hồi tưởng lại quá trình bắt đầu đi học, nhìn thấy các bạn học thi được điểm số cao hơn tôi thì nội tâm tôi không thoải mái, dưới môi trường cạnh tranh như thế khiến cho hoài bão trong lòng chúng tôi biến thành nhỏ bé rồi.
Ở Thâm Quyến có một số trẻ nhỏ từ bé đã đọc tụng kinh điển, các em cứ huân tập ở trong vòng hoài bão của Thánh Hiền như vậy. Một ngày nọ, thầy giáo hỏi một số em nhỏ rằng:
– Nếu như các con có một 100 triệu tệ, các con muốn làm việc gì?
Đầu tiên, bọn trẻ nói rằng:
– Con muốn xây một ngôi trường, để cho nhiều người hơn có thể nhận được giáo huấn của Thánh Hiền.
Thứ hai, bọn trẻ nói:
– Con muốn xây một bệnh viện, có thể để cho những người bệnh khổ nhận được sự điều trị tốt.
Thứ ba, bọn trẻ nói rằng:
– Con muốn thành lập một đài truyền hình, có thể phát sóng chương trình giáo dục tốt đẹp để ảnh hưởng đến nhiều người hơn.
Thứ tư, bọn trẻ nói:
– Sau này con muốn làm thầy Thái.
Bởi vì lúc đó đứa bé này mới có hơn 6 tuổi, khi tôi đến Thâm Quyến giảng dạy thì nó thường đến nghe. Có một người mẹ sau khi nghe thấy chí hướng của con, cũng không biểu hiện quá hào hứng mà là lập tức hỏi đứa bé:
– Con nhất định phải có 100 triệu nhân dân tệ mới có thể làm ra được những việc đó không?
Để cho con trẻ tư duy suy nghĩ, có phải là nhất định phải đợi đến lúc có tiền mới có thể làm hay không. Tiếp theo người mẹ lại nói:
– Mẹ hỏi con, Thầy Thái có 100 triệu không?
Đứa bé đã rõ ràng rồi, rất nhiều việc bây giờ bạn cảm thấy có thể làm thì phải lập tức đi làm. Cho nên chúng ta hướng dẫn con cái lập chí, tuyệt đối không phải là để cho chúng lập chí hướng quá xa xôi. Chúng ta sẽ nói với chúng: ngay bây giờ con có thể lập chí làm một người con Hiếu thảo, ngay bây giờ lập chí làm một học sinh tốt, ngay bây giờ lập chí làm một công dân tốt, những điều này đều là để cho con cái có một mục tiêu cuộc đời thì chúng sẽ tích cực học tập.
Con của các bạn có chí hướng như vậy không? Tại sao những đứa bé này lại có chí hướng như vậy? Là do sự hun đúc của môi trường, sự giáo dục của môi trường. Bởi vì cha mẹ các em để cho những gì con cái tiếp xúc được, đều là các trưởng bối cùng các bạn nhỏ được học tập học vấn của Thánh Hiền, các em rất tự nhiên mà có chí hướng này. Giáo dục có ngôn giáo, thân giáo, còn có cả sự hun đúc của môi trường cũng rất quan trọng.
Học tập kinh điển của Thánh Hiền để dẫn dắt con trẻ thấy người hiền nên sửa mình
Có câu “Khởi đầu đúng là thành công đuợc một nửa“, học tập trước hết xem trọng lập chí, gọi là “học quý lập chí“. Ở Hải Khẩu, khi chúng tôi tổ chức khoá trình cho giáo viên, buổi học đầu tiên chúng tôi và tất cả thầy cô giáo cùng nhau lập được một chí hướng, đó là “Vì Thánh hiền xưa mà kế thừa tuyệt học, vì muôn đời sau mà khai mở thái bình” [3]. Chúng ta vẫn thường đang cầu nguyện cho thế giới hoà bình, thế giới hoà bình là kết quả, trước hết phải gieo nhân gì? Trước tiên phải gieo xuống hạt giống tư tưởng nhân ái vào trong tâm mỗi người. Chúng ta phải truyền thừa tư tưởng nhân ái của Thánh Hiền, trí huệ của Thánh Hiền cho đời sau. “Khai mở thái bình” là kết quả, “kế thừa tuyệt học” là gieo nhân; vì Thánh Hiền xưa kế thừa tuyệt học thì mới có thể “kế thừa tổ tiên, mở lối đời sau” [4], muốn kế thừa tổ tiên thì chính mình phải học cho tốt trước.
Có một thầy giáo dạy lớp 5, thầy ấy có sứ mệnh “kế thừa tuyệt học“. Mỗi ngày ngoài việc dạy học ra, Thầy còn sắp xếp 3 giờ đồng hồ để thâm nhập kinh điển của Thánh Hiền. Buổi sáng mỗi ngày thầy đến lớp rất sớm, đọc tụng “Đệ Tử Quy”, “Hiếu Kinh”. Học trò của thầy vừa bước vào cửa, vốn dĩ còn đang xách đồ ăn sáng chuẩn bị ngồi vào từ từ ăn, khi nhìn thấy thầy giáo ngồi ngay ngắn đọc kinh thì các học trò lập tức ngồi vào chỗ ngồi của mình, lấy sách kinh ra bắt đầu đọc tụng cùng với thầy giáo. Giáo dục quan trọng nhất chính là lấy thân làm gương, bởi sự dụng tâm của thầy nên thành tích của lớp các em và cả sự lễ phép đều có sự tiến bộ rất lớn. Hiệu trưởng xem thấy rồi thì hỏi thầy:
– Thầy dạy lớp của Thầy như thế nào, làm sao mà dạy tốt được như thế?
Thầy giáo nói với Hiệu trưởng:
– Bởi vì tôi mời hàng trăm cổ Thánh tiên Hiền đến để dạy những bạn nhỏ của chúng ta.
Người xưa có một bộ sách gọi là “Những câu chuyện giáo dục đức hạnh” [5], trong đó có hơn 700 câu chuyện của các vị Thánh triết nhân, chia ra tám phần, chính là “Bát Đức“, y cứ theo “Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ” mà biên soạn ra. Mỗi ngày thầy giảng cho học sinh hai – ba câu chuyện giáo dục đức hạnh, sau khi những đứa bé này xem rồi thì biết “thấy người tốt nên sửa mình” [6]. Sau đó lại lấy “Đệ Tử Quy” để làm nội quy của lớp, học sinh phạm lỗi thì không cần Thầy giáo nói ra, tự mình sẽ biết mình sai ở câu nào. Ví dụ như trong lớp mà chạy nhảy đụng vào bàn ghế, học trò sẽ nói gì? “Rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc“, “chớ làm vội, vội sai nhiều“. Khi trẻ nhỏ có hành vi không tốt xuất hiện thì sẽ nghĩ đến “lỗi vô ý, gọi là sai; lỗi cố ý, gọi là tội; biết sửa lỗi, không còn lỗi; nếu che dấu, lỗi chồng thêm“. Cho nên, trẻ nhỏ biết dũng cảm nhận lỗi, dũng cảm sửa lỗi thì sẽ không đùn đẩy, sẽ không che dấu, cũng sẽ nghĩ đến “đức tổn thương, cha mẹ tủi“.
Bởi vì lớp của thầy giữ được thành tích tốt như vậy, lại được sự khẳng định và xem trọng của Hiệu trưởng như thế nên sau này đã thỉnh mời các thầy cô ở trung tâm chúng tôi đến diễn giảng hai lần cho toàn bộ thầy cô giáo trong trường. Chúng tôi cũng phát tặng “Đệ Tử Quy” cho trường của họ. Cho nên, một nguời lập định chí hướng muốn vì Thánh Hiền xưa mà kế tuyệt học thì sức ảnh hưởng của họ sẽ không ngừng mở rộng, tự mình phải yêu cầu có thể “nếu có một ngày mới, phải giữ cho ngày ngày đều mới, mới rồi lại phải mới nữa” [7]. Vị thầy này tiếp xúc với chúng tôi được thời gian nửa năm thì thầy bắt đầu cùng tôi đến Trung Quốc Đại Lục để diễn giảng, cống hiến những kinh nghiệm của thầy để cho những thầy cô và các bậc phụ huynh ở những nơi khác.
Khi thế hệ sau của chúng ta gặp phải vấn đề mà đều có thể đề khởi được giáo huấn của “Đệ Tử Quy“, thì nhất định cả đời này của chúng sẽ trải qua được rất trọn vẹn, rất vững vàng, cũng sẽ có sức ảnh hưởng rất lớn. “Vì Thánh Hiền xưa kế thừa tuyệt học” chắc chắn không phải là việc viễn vông, chỉ cần chúng ta có một niệm tâm chân thành này, hơn nữa phải thật sự phát ra thì có thể lập chí làm được “vì Thánh Hiền xưa kế thừa tuyệt học”. Đây không phải là một câu khẩu hiệu, mà phải bắt đầu làm từ chính mình, như vậy mới có thể dẫn dắt con trẻ học tập và thực hiện. Chúng ta mọi nơi mọi lúc phải làm ra tấm gương cho con trẻ, cho nên trước hết chúng ta có thể lập chí làm một tấm gương tốt cho các con.
Ngoài việc đó ra, ở trong gia đình thì chúng ta phải lập chí làm cha mẹ tốt, ở công ty thì phải lập chí làm một người lãnh đạo tốt, làm một đồng nghiệp tốt, ở trong xã hội thì phải lập chí làm một công dân tốt. Có một thầy giáo ngồi trên xe bus, nhìn thấy một vị trưởng bối lên xe, thầy lập tức đứng dậy nhường chỗ ngồi. Kết quả ngay sau đó có bốn người nhường chỗ, thầy nhìn thấy rất là cảm động, nước mắt như chực rơi xuống, do đó Thầy ấy ấn chứng được mỗi một người đều có bản tính thiện lương. Khi chúng ta có chí hướng này, muốn đi cải thiện phong khí xã hội, tin rằng mỗi lời nói, mỗi hành động của các bạn đều sẽ cẩn thận từng li từng tí, sẽ khắc chế bản thân. Đạo đức, học vấn của chúng ta cũng bởi lập chí mà không ngừng được nâng cao.
Chúng tôi ở Thâm Quyến, đối diện đều là những trẻ 5, 6 tuổi, chúng tôi hỏi các em: đọc sách rồi phải làm gì? Đáp án của các em đều rất tiêu chuẩn: “Phải làm Thánh nhân!”, các em nói không làm Thánh Nhân thì sao còn phải đọc sách? Lúc các em ở bên ngoài Trường mẫu giáo, cả đoạn đường đều giành đi trước sợ đi sau, để làm gì vậy? Để nhặt rác. Các em vừa nhìn thấy rác thì giống như là thấy bảo bối vậy, cảm thấy mình có thể cống hiến cho xã hội. Đúng lúc đó ở trên đường gặp được một nhóm các anh học sinh cấp hai vừa tan lớp, những anh học sinh cấp hai này đang cầm kem trên tay, vừa ăn vừa vứt rác. Đột nhiên khi các anh chị đó nhìn thấy nhóm các em nhỏ đang nhặt rác, vốn dĩ muốn vứt rác đột nhiên dừng lại, sau đó có một anh cấp hai nói với các bạn học khác:
– Chúng ta đừng vứt nữa, những em nhỏ này đều đang nhặt rác kìa.
Trong lòng những em nhỏ này cảm thấy rằng, hoá ra một lời nói, một hành động của mình đều có thể ảnh hưởng đến xã hội, cho nên mình lập chí phải “học vi nhân sư, hành vi thế phạm“. Chí hướng tựa như như mục tiêu của cuộc đời, có một điểm cuối cùng, chí hướng lập đúng thì cả đời này mới không uổng phí đến đây một lần.
[1] Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc 「先天下之憂而憂,後天下之樂而樂」
[2] Cúc cung tận tuỵ, tử nhi hậu dĩ 「鞠躬盡瘁,死而後已」
[3] Vì vãng thánh kế tuyệt học, Vì vạn thế khai thái bình 「為往聖繼絕學,為萬世開太平」
[4] Thừa tiên khải hậu 承先敗後
[5] Đức dục cố sự 德育故事
[6] Kiến hiền tư tề 見賢思齊
[7] Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân 「苟日新, 日日新,又日新」