6. GIÁO DỤC CON TRẺ PHẢI NÊN BẮT TAY TỪ ĐÂU?
Việc quan trọng nhất không gì bằng dạy con [1]
Đời người cũng phải lựa chọn nặng, nhẹ, nhanh, chậm, sự việc nào phải làm trước, sụ việc làm làm sau. Chúng ta thường nói: “Việc quan trọng nhất không gì bằng dạy con”, sự việc quan trọng nhất đời người chính là dạy con cái thật tốt. Nếu như không dạy tốt con cái thì cả đời này của quý vị có được hạnh phúc không? Một người có phước báo hay không, đời người có thể trải qua được tự tại hay không, tuổi trung niên, tuổi xế chiều của họ phụ thuộc vào việc con cái có hiểu chuyện, có hiếu thuận hay không. Nếu nuôi dưỡng ra những đứa con không biết điều, nửa đời sau của chúng ta sẽ như thế nào? Rất khó trải qua! Không biết con cái hôm nay sẽ diễn cho ta xem vở kịch gì để cho ta thu nhặt tàn cuộc. Muốn giáo dục tốt con cái thì phải bày giáo dục ra trước mặt, đặt vào chỗ quan trọng, vậy thì bạn sẽ lựa chọn đúng nặng nhẹ, nhanh chậm.
Chỉ chú trọng điểm số, thói xấu sẽ rất nhiều
Khi tôi diễn giảng ở Malaysia, tôi có hỏi phụ huynh của các em nhỏ, thế nào gọi là giáo dục? Có vị phụ huynh vô cùng thật thà, anh ấy nói thi được 100 điểm. Anh ấy xứng đáng được khuyến khích, bởi vì không giả dối chút nào, anh đã nói ra những mong muốn trong tâm của mình. Tôi hướng dẫn học sinh cũng rất chú trọng vào việc câu thông với phụ huynh, mỗi lần toạ đàm với phụ huynh, tôi đều hỏi các bậc phụ huynh rằng:
– Các vị phụ huynh, các vị cảm thấy giáo dục con cái cả đời này, thái độ làm người làm việc quan trọng nhất, hay là nâng điểm số của chúng từ 98 điểm lên 100 điểm? Là cái trước quan trọng hay cái sau quan trọng?
Đến lúc này thì không còn phụ huynh nào nói cái sau quan trọng, bạn xem các bậc phụ huynh có thông minh không? Nghe ra rất thông minh! Tôi lại hỏi:
– Thế đa số phụ huynh đang làm là cho cái trước, hay là đang làm cho cái sau?
Là cái sau! “Lần này con thi được mấy điểm? Lấy ra cho mẹ xem nào!”. Trong đầu đều là điểm số.
Chúng ta phải suy nghĩ lại: chúng ta nói với con cái làm người thì lời nói việc làm phải nhất quán. Vì sao rõ ràng chúng ta cảm thấy thái độ làm người làm việc quan trọng, nhưng kết quả lại xem trọng điểm số? Thật ra không thể trách các bậc phụ huynh, bởi vì chính bản thân họ còn không nhận ra rằng làm người làm việc có sự ảnh hưởng rất lớn về lâu dài đối với cuộc đời con cái. Mà 100 điểm thì ngay lập tức có thể nhìn thấy được, hơn nữa còn có thể lấy ra để nói: “Con trai tôi ba môn, bốn môn đều được 100 điểm“. Chúng ta phải bình lặng mà suy xét: hôm nay chúng ta đẩy con cái vào con đường điểm số này, xin hỏi các em sẽ đi đến nhân sinh thế nào, có thể thấy được không? Chúng ta đẩy con cái đi về nơi nào? Là danh lợi.
Tôi cũng là sản phẩm ở dưới chủ nghĩa học vị, quý vị có thấy ra không? Tôi nhớ khi tôi học cấp hai làm bài thi được 98 điểm, hại tôi khóc suốt nửa ngày, tại sao vậy? Bởi vì lúc đó muốn xếp vào lớp chọn (lớp đặc biệt), thiếu có 2 điểm, nếu tôi không được xếp vào lớp thì làm sao? Cuộc đời mình không thể bị huỷ hoại được! Có nghiêm trọng như vậy không? Vì sao tôi lại cảm thấy điều này nghiêm trọng như vậy? Tôi mới học cấp 2 mà tâm sợ được sợ mất đã nghiêm trọng như vậy! Một đứa trẻ sợ được sợ mất thì cả đời này có được hạnh phúc không? Thường bị các loại phiền não khổ sở quấy nhiễu. Chủ nghĩa học vị chính là chỉ nghĩ đến phải nâng điểm số của mình lên, phải đẩy người khác xuống. Cho nên, đáng lẽ tôi phải nên có hoài bão của Phạm Trọng Yêm, “Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ” [2], kết cục lại bị chủ nghĩa học vị ảnh hưởng, chỉ nghĩ đến việc phải đánh bại người khác.
Tôi hồi tưởng lúc bắt đầu học Trung học, vừa được trả điểm bài thi là phải nhìn xem người khác được mấy điểm, nếu điểm cao hơn tôi thì nội tâm tôi sẽ không dễ chịu cho lắm. Tâm lượng nhỏ hẹp, nhân cách như vậy có hạnh phúc không? Chúng ta phải suy nghĩ thật sâu sắc. Tôi nhớ sau khi tốt nghiệp Đại học, có một ngày đang đi mua sắm tôi gặp một bạn học hồi cấp 2, trong ấn tượng của tôi, mỗi lần anh ấy thi đều là đứng đầu lớp. Sau khi anh ấy tốt nghiệp Đại học, bởi vì lâu ngày vùi đầu trong sách vở cho nên anh ấy rất thiếu năng lực chung sống với người khác. Vừa nói đến kinh nghiệm ra ngoài xã hội làm việc, anh liền phát run, anh nói vì sao mà đáng sợ đến như vậy? Anh ấy rất sợ chung sống với mọi người. Năng lực chung sống với người khác của anh ấy cực kỳ thấp, cũng như vậy, anh ấy cũng không hình thành tấm lòng bao dung người khác, đương nhiên cuộc đời như vậy không thể nào có được hạnh phúc.
Học vị cao có khẳng định sẽ hữu dụng không?
Chúng ta đẩy con cái đi trên con đường chủ nghĩa học vị, hiện nay rất nhiều người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, xin hỏi tỷ lệ thất nghiệp hiện nay cao nhất là ở học vị nào? Hiện nay tốt nghiệp Trung học đều không thất nghiệp, vì sao vậy? Lao động, rửa bát, quét dọn, họ sẵn sàng làm, cho nên không bị thất nghiệp. Ngược lại người tốt nghiệp Đại học, nghiên cứu sinh, cảm giác những việc đó lương thấp quá, không sẵn lòng làm. Xin hỏi Đại học, thạc sĩ cho những người con này phát huy điều gì? Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp Đại học trở lên vô cùng nhiều, do vì họ không thể cúi mình lễ phép nên rất nhiều người đều thất nghiệp. Chúng ta hãy suy xét, từ trong hệ thống giáo dục bồi dưỡng ra được nhân tài mất 10 năm, họ ra trường rồi lại không dùng được, thật sự rất đáng tiếc, đây cũng là sự lãng phí tài nguyên giáo dục. Nếu bạn có bạn bè là chủ doanh nghiệp, hoặc là quản lý trong cơ quan nhà nước, bạn thử hỏi họ: “Hiện nay trong những người trẻ tuổi có nhân tài tốt không?” Họ sẽ nói với bạn: “Không tìm ra nhân tài!”. Guồng máy giáo dục cứ vậy mà sản xuất, kết cục những nhà doanh nghiệp cảm thấy không dùng được.
Nếu như các bậc cha mẹ đều nói với con cái: “Con chỉ cần lo thi cử là được rồi, các việc nhà khác đều không cần đụng vào, con cứ vậy thi cho đậu cho mẹ, tốt nghiệp Đại học đảm bảo con sẽ có cuộc sống hạnh phúc mĩ mãn“. Các bậc cha mẹ có dám cấp cho con cái tấm vé trọn gói như vậy không? Hiện tại không có, trước đây không có, tương lai cũng khẳng định là không có. Hôm nay chúng tốt nghiệp Đại học, nếu không biết làm người, không biết chung sống với người khác thì cơ hội tốt có đến đi chăng nữa cũng trôi qua trước mắt. Vì sao vậy? Không có lòng trách nhiệm, làm người làm việc thế nào, chung sống với người khác như thế nào, không có năng lực gánh vác, vậy thì cơ hội dù có tốt, có nhiều chăng nữa cũng sẽ trôi qua. Các bậc cha mẹ phải thật sự quay lại mà suy nghĩ, nếu con trẻ không có Đức hạnh, cho dù là tốt nghiệp Đại học, có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ, thì cũng không thể hiện được rằng con cái có tài năng và học vấn chân thật. Chúng ta hãy đi tìm hiểu một chút, những ông chủ và nhà doanh nghiệp thành công thật sự thì học vị của họ đều không phải là đỉnh cao.
Xã hội đang cần nhân tài như thế nào?
Nhà doanh nghiệp cảm thấy không tìm ra nhân tài, xin hỏi nhà doanh nghiệp cần nhân tài như thế nào? Vấn đề này không nhất định phải đi hỏi Tiến sĩ, trong lòng mỗi một người đều có đáp án, bởi vì chúng ta đi qua đời người, cũng nhìn thấy không ít thành công và thất bại của người khác.
Người thành công phải có những phẩm chất gì?
- Thành thật
- Lòng trách nhiệm
- Khiêm tốn
- Giữ chữ tín
- Lòng kiên trì.
Vậy phải nên biết, người có những phẩm chất như thế chính là nhân tài thực sự, xin hỏi chúng ta giáo dục con trẻ thành thật chưa? Rất nhiều bậc cha mẹ cảm thấy thành thật là quan trọng, nhưng trong tâm lại nghĩ, nếu quá thành thật, khi con đi ra ngoài bị người ta bắt nạt thì làm sao? Nếu rất khiêm tốn, con bị người ta chèn ép thì làm sao? Lòng tin là căn bản, nhất định bạn phải thật sự tin tưởng, có những phẩm chất làm người này thì cuộc đời của chúng mới thực sự thành công.
Chúng ta lại suy xét: ở trong gia đình, sự nghiệp, người rất có thành tựu, họ còn có những phẩm chất nào?
- Hiếu thuận
- Cần kiệm
- Tôn sư
- Anh em hoà mục
- Tôn kính trưởng bối
- Lễ nhượng
- Khiêm hư.
Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp lớn đa quốc gia, họ tuyển dụng nhân viên thì trước hết phải đào tạo một khoảng thời gian. Họ dạy nhân nhân những gì? Dạy thái độ làm người, làm việc. Sau khi dạy tốt rồi thì phải đi quan sát một thời gian, thấy có thể dùng được thì mới dùng đến. Cho nên người mà các doanh nghiệp tương lai cần chính là nhân tài thật sự biết làm người làm việc. Nếu từ nhỏ chúng ta dạy dỗ con trẻ một số nền tảng đức hạnh này, thật ra đã giúp cho cả đời con trẻ đứng vững không vấp ngã rồi vậy. Chúng ta quy hoạch cuộc đời của trẻ nhỏ thì phải nên tính toán lo nghĩ sâu xa, nếu chỉ có để cho chúng nỗ lực trong trong học nghiệp thôi mà lại lơ là đi việc học tập làm người làm việc, sau cùng chúng không có cách gì kinh doanh được cuộc đời cho viên mãn, đây là điều mà chúng ta cần phải chú ý.
Chữa triệu chứng có thể giải quyết vấn đề hay không?
Quản lý của phương Tây mấy chục năm qua rất chú trọng ở quản lý chất lượng, tức là chất lượng sản phẩm, gọi là “Kiểm soát chất lượng toàn diện“. Ví dụ hôm nay phải làm phải làm cái Micro này, tôi chỉ cần làm cái Micro cho tốt, để cho nó rất có sức cạnh tranh thì có thể gối cao đầu mà ngủ, sự tập trung đều ở chỗ làm thật tốt cái gì đó. Kết quả là mười, hai mươi năm gần đây xảy ra một số sự việc. Vào năm 1995, ở Ngân hàng Barings của Vương Quốc Anh, bởi do một nhân viên người Singapore lạm dụng công quỹ mà cơ nghiệp hơn 200 năm hoá thành mây khói. Tư duy của người phương Tây là xuất hiện vấn đề thì nhanh chóng giải quyết, đây gọi là “chữa triệu chứng“. Chữa triệu chứng có chữa được không? Không chữa được, giống như hôm nay cơ thể bạn bị ung thư, xử lý được không? Không xử lý được. Học vấn truyền thống của chúng ta không phải là trị lúc đã bị bệnh, mà là trị lúc chưa bị bệnh, lúc vẫn chưa bị bệnh thì đã phải dự phòng. Mà mặc dù khoa học kĩ thuật phương tây rất phát triển, nhưng họ chuyên môn xử lý triệu chứng. Ví dụ bị bung thư dạ dày thì lập tức cắt bỏ dạ dày; ung thư gan thì lập tức cắt bỏ gan. Cắt rồi sẽ không còn bị gì nữa chăng? Qua một, hai năm, những tế bào ung thư lại di căn, con người cũng phải đến lúc chết. Thật ra bạn không cần phải oán thù những tế bào ung thư, trên thân mỗi người đều có tế bào ung thư, bởi vì bạn phá hoại chúng nên chúng mới làm ầm ĩ lên như vậy. Phá hoại như thế nào? Trạng thái cơ thể của bạn, mười năm, mười lăm năm trước đã sớm bắt đầu bị chính bạn chà đạp rồi.
Muốn huỷ hoại thân thể này cũng thật không dễ, bởi vì chúng vô cùng tinh mật. Cho nên, cắt đi khối bệnh ung thư cũng không giải quyết được vấn đề căn bản, không chỉ không giải quyết được vấn đề căn bản, đồng thời còn xảy ra tác dụng phụ. Rất nhiều bệnh nhân ung thư sau khi đi tiếp nhận một số trị liệu thì những ngày sau đều rất khó chịu. Muốn xử lý tế bào ung thư, tôi lấy ví dụ: giống như xách một bao rác đặt ở trên đất, rất nhiều ruồi nhặng bay đến khiến bạn vô cùng tức giận, sao lại nhiều ruồi nhặng đến thế? Lập tức lấy thuốc diệt côn trùng ra phun chết chúng, vấn đề giải quyết rồi, bạn liền rời đi. Mười phút sau, ruồi nhặng lại đến nữa. Tư duy của con người hiện này chính là chữa triệu chứng, bạn trai này không tốt, đổi ngay; bạn gái này không tốt, đổi ngay. Có giải quyết được vấn đề không? Vấn đề không phải là bạn trai không tốt, cũng chẳng phải bạn gái không tốt, mà là ai không tốt? Chính mình không học được bao dung, không học được yêu thương che chở người khác, vấn đề căn bản này không được giải quyết thì có đổi bao nhiêu người đi nữa cũng không có tác dụng. Cho nên, giải quyết vấn đề phải giải quyết từ căn bản, không được theo kiểu đau đầu chữa đầu, đau chân chữa chân, bởi vì “triệu chứng” là vô cùng tận.
Dựa vào tiền sẽ không làm được Giáo dục đạo đức luân lý
Hiện nay người Phương Tây đã phát hiện ra, cũng hiểu rõ được nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự sinh tồn và phát triển của doanh nghiệp, chính là “đức hạnh” của nhân viên. Năm 2001, Doanh nghiệp lớn thứ bảy toàn cầu, Tập đoàn Enron (Enron Corporation), doanh số của doanh nghiệp mỗi năm khoảng 100 tỷ Đô-la. Chỉ vì hai quản lý cao cấp đã chiếm dụng công quỹ mà khiến doanh nghiệp lớn thứ bảy toàn cầu này cũng bị sụp đổ. Cho nên, các doanh nghiệp Đa quốc gia quan trọng của người phương Tây đều đang thúc đẩy quy trình TEM (Total Ethics Management – Quản lý luân lý Đạo đức toàn diện), lấy việc đề cao tố chất đạo đức của nhân viên. Người bây giờ có nhận thức vô cùng sai lầm: cảm thấy tiền bạc là vạn năng, chỉ cần có tiền thì có thể dạy tốt con cái, chỉ cần có tiền thì có thể giải quyết được vấn đề. Người ngoại quốc rất có khí phách. Năm 2002 nước Mĩ chú trọng nhấn mạnh về giáo dục luân lý đạo đức, đặc biệt ngân sách từ ban đầu là 250 triệu Đô la, sau đó điều chỉnh lên thành 750 triệu đô-la, tổng cộng cao gấp 3 lần ban đầu. Có tác dụng không? Đồng thời họ cũng làm một cuộc điều tra, nhắm vào hơn 8.000 học sinh Trung học về các câu hỏi tâm lý, 71% trẻ nhỏ nói làm đã từng làm việc xấu, 68% trẻ nhỏ nói đã từng đánh người, 35% trẻ nhỏ nói đã ăn trộm đồ ở siêu thị. Trong những bài trắc nghiệm này có một câu hỏi là: “Xin hỏi bạn cảm thấy đạo đức của mình có cao thượng không?“, câu trả lời của học sinh Trung học về đạo đức cao thượng, lên đến 90%! Xin hỏi bây giờ trẻ nhỏ trong thời đại này, tiêu chuẩn mà chúng y theo chính là tiêu chuẩn của ai? Là tiêu chuẩn của chính mình. Loại thái độ này của trẻ là học từ ai? Giả như người lãnh đạo quốc gia rất dễ dàng mà đem quân đội đi đánh các nước khác, đánh xong rồi về còn nói: “Này các bạn nhỏ, các em không được đánh lộn với người khác!” Các bạn nhỏ này có nghe lời hay không? Không nghe! Người ngoại quốc có nắm bắt được cốt lõi của giáo dục không? Giáo dục không phải là tiền nhiều rồi thì có thể có tác dụng, giáo dục cũng không phải là lý luận trên sách vở của bạn thật nhiều mới có tác dụng.
Từ nhỏ trước hết phải cắm xuống gốc rễ đức hạnh
Người phương Tây phát hiện ra Đức hạnh rất quan trọng, đều là sau khi vấn đề xảy ra rồi mới thấy rõ, hiện nay họ phải đi giải quyết. Xin hỏi họ biết được căn bản của đức hạnh nằm ở đâu không? Phải có thể trị được cái gốc đó thì mới có thể giải quyết được vấn đề. Cho nên hiện nay các doanh nghiệp lớn của họ cũng tiêu rất nhiều tiền để đào tạo, dùng lời của người xưa thì gọi là “lâm nguy mới ôm chân Phật“. Xin hỏi năng lực giao tiếp của một người, hành vi lễ phép của một người, liệu trong hai tháng có thể luyện thành không? Giả như họ vốn dĩ rất khô cứng chẳng biết cười, lập tức cho họ đi huấn luyện hai tháng để họ phải cười với mọi người. Tin rằng khách hàng vừa bước tới, nhìn thấy nụ cười của họ, toàn thân sẽ nổi da gà, bởi vì nụ cười đó rất không tự nhiên. Điều mà họ nghĩ đến đằng sau nụ cười đó chính là, tiền ở túi của ông phải đến chỗ của tôi, chứ không phải là sự tôn kính từ trong nội tâm đối với người.
Nền tảng Đức hạnh của Thánh Hiền cần bắt đầu cắm gốc từ khi nào? Từ nhỏ, từ trong tâm linh của trẻ thơ mới có thể cắm xuống được cái gốc Đức hạnh. Từ nhỏ không dạy thì như Tam Tự Kinh nói “nếu không dạy, tính dần đổi” [3], sau khi lớn lên mà muốn kéo chúng trở lại thì rất khó khăn. Trong “Kinh Dịch” có một câu nói quan trọng: “Mông dĩ dưỡng chánh, thánh công dã” [4], chữ “mông” này là đại biểu cho thuở sơ khai của trời đất, vạn vật đều còn rất yếu mềm, lúc này phải bảo hộ chúng cho tốt, phải nuôi dưỡng chúng cho tốt. Cho nên quẻ “mông” này triển khai ra chính là giáo dục trẻ nhỏ. Chính là khi con trẻ còn nhỏ thì phải bồi dưỡng cái chánh khí hạo nhiên của chúng, cho đến thái độ xử sự đối người chính xác, bồi dưỡng thật tốt các nền tảng làm Thánh Hiền cho chúng, đây là công đức thần thánh nhất. Nếu như quý vị nuôi ra được một Phạm Trọng Yêm thì là công đức thần thánh vậy! Hiện nay muốn bồi dưỡng ra một người như Phạm Trọng Yêm có dễ không? Quý vị bồi dưỡng con cái thành một người con rất hiếu thuận thì lập tức chúng đã là “điểm hồng trong rừng vạn sắc xanh” [5] rồi.
Ở Thâm Quyến có rất nhiều trẻ nhỏ cũng đang học giáo huấn của Thánh Hiền. Khi các em về đến quê hương, nhìn thấy tất cả trưởng bối đều cung kính cúi chào 90 độ, khiến cho những trưởng bối này sinh lòng kính phục, nhìn thấy rất hoan hỉ. Một lần nọ có đứa bé đang cùng ngồi cùng bàn ăn cơm với mọi người, tất cả trưởng bối nhìn vừa thấy thức ăn đưa lên bàn thì lập tức động thủ để gắp, đột nhiên nhìn thấy đứa bé này đầu cúi cúi, trong miệng cứ niệm niệm gì đó. Vốn dĩ họ định gắp thức ăn, đột nhiên đều dừng lại cả. Đợi đứa bé này niệm xong rồi mới hỏi nó:
– Con vừa mới niệm gì thế?
Đứa bé này nói với các trưởng bối cùng bàn:
– Dạ con vừa mới niệm lời cầu nguyện trước khi ăn: Con xin cảm ơn ân đức dưỡng dục của cha mẹ, con xin cảm ơn Thầy cô đã vất vả ân cần dạy dỗ, con xin cảm ơn bác nông dân đã chăm chỉ khó nhọc lao động, và tất cả mọi người đã cống hiến.
Những trưởng bối này cầm đũa nghe đứa trẻ giảng một bài, không chỉ thấy rất vui mà còn sinh tâm xấu hổ, chúng ta chỉ nghĩ đến ăn uống, mà tâm cảm ân của đứa bé này không lúc nào chẳng ở trong lòng. Đứa bé này có hạnh phúc không? Người sống trong tâm cảm ân thì đặc biệt hạnh phúc. Quý vị có thể thật sự dạy con cái điều thiện thì nhất định chúng sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người, nhất định chúng sẽ là Phạm Trọng Yêm thời hiện đại. Cho nên, làm cha mẹ phải định vị được “Nuôi dưỡng chánh khí từ ấu thơ, ấy là công đức thần thánh vậy”.
Khi con trẻ còn nhỏ mà đã cắm được gốc rễ vào trong trí huệ của bậc Thánh Hiền thì quý vị còn phải bận tâm đến việc chúng ra ngoài không có việc làm nữa không? Nếu quý vị còn phải bận tâm thì đó là lo bò trắng răng . Hoài bão lớn thì con đường nhân sinh sẽ càng đi càng rộng rãi; Hoài bão nhỏ thì cả cuộc đời sẽ sống trong sợ được sợ mất. Gần đây tôi nghe một người bạn nói có rất nhiều doanh nghiệp lớn đến một Đoàn thể chuyên môn thúc đẩy học thuyết nhà Nho để tìm nhân tài. Những nhà doanh nghiệp này nói: hiện nay người bên ngoài không nói Thành tín, không có lòng trách nhiệm, khi họ dùng người bên ngoài thì đều phải dùng tâm đề phòng lo sợ. Cho nên họ chủ động đến đoàn thể đang học tập học thuyết Thánh Hiền để tìm nhân tài. Nếu con cái các vị bây giờ đã cắm được gốc rễ vào tư tưởng của Thánh Hiền, đã biết làm người làm việc như thế nào thì cả đời này của chúng đã đứng vững không vấp ngã rồi.
Lựa chọn của quý vị hiện nay không chỉ có ảnh hưởng đến chính mình mà còn ảnh hưởng đến người nhà; không chỉ là người nhà của quý vị mà con cháu nhiều đời sau của quý vị cũng sẽ nhận được ảnh hưởng. Đời người cũng giống như đánh một ván cờ, nếu như suy nghĩ của chúng ta chỉ là một bước đi tiếp theo đi như thế nào thì mỗi một bước đi cũng sẽ cất nước cờ không chắc chắn; nếu như chúng ta nhìn thấy 3 nước cờ tiếp theo đi như thế nào, 10 nước cờ tiếp theo quy hoạch ra sao, thì đời người sẽ đi được vô cùng thong dong, cuộc đời con cái cũng sẽ nhìn xa trông rộng. Chúng sẽ suy nghĩ rằng, lựa chọn của mình sẽ ảnh hưởng đến muôn đời sau, tin rằng chúng giáo dục thế hệ này sẽ vô cùng cẩn thận, vô cùng dụng tâm. Hiện nay không nhiều người có sự đắn đo suy xét này, người xưa có sự đắn đo suy xét thế này không? Rất nhiều! Gia huấn người xưa của chúng ta để lại tất nhiên là nhiều nhất thế giới, như là “Liễu Phàm Tứ Huấn“, “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn“, “Nhan Thị Gia Huấn“, còn có “Giới Tử Thư” của Gia Cát Lượng, v.v… Rất nhiều bậc Thánh Triết đều có thái độ như vậy, phải truyền thừa trí huệ nhân sinh cho đời sau.
Giáo chính là nuôi lớn điều thiện và ngăn chặn điều sai trái
Cha mẹ lúc nào cũng muốn giáo dục tốt con cái, thế nhưng giáo dục con cái nhất định phải có phương pháp tốt. Người xưa có một thiên triết học giáo dục rất quan trọng là “Lễ Ký – Học Ký“, trong đó nói: “Giáo chính là nuôi lớn điều thiện và ngăn chặn điều sai trái” [6], câu nói này đã nắm bắt được hai cái trục chính lớn của giáo dục. Ngày nay chúng ta muốn giáo dục tốt con trẻ thì nhất định phải rõ ràng, phải nuôi lớn cái thiện gì của chúng, phải ngăn chặn, uốn nắn những sai trái nào của chúng. “Nếu không dạy, tính dần đổi” [7], con trẻ có một số thói quen không tốt thì chúng ta phải nhanh chóng chỉnh đốn lại, vậy khi nào thì chỉnh đốn? Ngay bây giờ! Không được chậm trễ, bởi vì học như chèo thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi. Phải nhanh chóng sửa lại những lỗi đó cho con trẻ.
Trẻ nhỏ hiện nay có một số thói quen và hành vi nào cần nhanh chóng sửa? Chủ yếu là phải nhanh chóng sửa lỗi cãi lại cha mẹ, lười biếng, phản nghịch, tự tư, làm việc hời hợt, đời sống không có quy luật, là 6 phương diện hành vi sai lầm này. Việc hình thành hành vi sai lầm của con trẻ là do cha mẹ không có nền tảng giáo dục thật tốt đối với con trẻ mà hình thành, cho nên muốn sửa đổi lại hành vi sai lầm của con trẻ, trước hết phải bắt đầu sửa đổi từ hành vi sai lầm của cha mẹ, trên làm dưới noi theo. Như vậy mới có thể thu được hiệu quả của giáo dục.
Ngăn chặn lỗi lầm như cứu hỏa [8]
Khi con trẻ hư hỏng thì sẽ hình thành rất nhiều sai lầm và thói quen xấu. “Học như chèo thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi“, rất nhiều bậc cha mẹ nói: “Con tôi không học cái xấu, cũng không học cái tốt“, có việc như vậy không? Tuyệt đối không có. Học vấn của một người giống như chèo thuyền ngược nước, khi bạn không làm bất kỳ việc gì thì nhất định sau này sẽ thoái lui.
Có một Thầy giáo có thể hội rất sâu sắc, thầy cảm thấy một ngày không dạy con của thầy cho tốt thì sẽ cảm thấy một ngày đó bị lùi bước rồi. Thầy thể hội rằng: Kỳ nghỉ hè của con tuyệt đối không để cho chúng nghỉ lễ, mỗi ngày đều phải dạy dỗ chúng. Đây là bậc cha mẹ minh bạch, là người thầy minh bạch, thầy ấy đã thấu suốt được xã hội này là một lò ô nhiễm lớn, nếu không nhanh chóng cắm xuống thật sâu gốc rễ về năng lực phán đoán làm người làm việc của con trẻ, thì chỉ cần lò ô nhiễm lớn của xã hội này vừa ập đến thì sẽ bị ô nhiễm ngay. Thầy rất có tính cảnh giác, đó là độ nhạy cảm khi giáo dục con trẻ. Cho nên, nuôi lớn cái thiện của con trẻ, ngăn chặn lỗi lầm của con trẻ, là công việc tức thì không được chậm trễ.
Phạm lỗi là kết quả, nguyên nhân là ở đâu?
Ở Hải Khẩu chúng tôi có một Trung Tâm Khải Mông Quốc Học (Trung tâm Khai Sáng Quốc Học), là mục đích giáo dục trẻ nhỏ nên tổ chức một số khoá học, các bậc cha mẹ còn tồn tại một số tình huống đối với con cái thì sẽ đến Trung tâm để thảo luận với chúng tôi. Mỗi lần những phụ huynh này đến Trung tâm thì chúng tôi đều dẫn họ từ cổng vào trong, có một phụ huynh vừa đi trên đường vừa nói: “Con trai tôi không những tự tư, mà tính tình rất nóng nảy…”, cứ một mạch nói suốt 5 phút. Tôi sợ anh khát nước nên nhanh chóng rót một ly nước mời anh uống,
– Đây đây, anh uống một ly nước trước đã rồi chúng ta ngồi xuống từ từ nói chuyện.
Sau khi anh ấy nói vấn đề của con trẻ xong thì tiếp theo tôi bắt đầu hỏi anh, tôi hỏi:
– Hiện nay con anh rất tự tư, đây là kết quả, nguyên nhân là ở đâu ra? Con anh hiện tại tính nóng quá lớn là kết quả, nguyên nhân lại ở đâu ra?
Vị phụ huynh này tròn mắt nói không ra lời, rất ngạc nhiên! Sau đó, tôi mới hỏi anh ấy:
– Con trẻ không có lễ phép là kết quả, nguyên nhân ở đâu ra? Con cái bất hiếu, lười biếng là kết quả, nguyên nhân ở đâu ra?
Bạn biết được nguyên nhân thì mới có thể tuỳ bệnh cho thuốc.
Bác sĩ thế gian có hai dạng, một dạng là bác sĩ chữa bệnh trên thân, một dạng là bác sĩ chữa tư tưởng quan niệm của người bệnh, mà Thầy giáo và những người làm cha mẹ chính là bác sĩ chữa những tư tưởng quan niệm của con cái. Nếu bạn vẫn không biết căn nguyên của những sai lầm về tư tưởng quan niệm của con cái ở đâu thì mỗi ngày chỉ có thể nhìn thấy kết quả rồi lo lắng và phiền não mà thôi, những bậc cha mẹ và thầy cô giáo như thế này chính là những bác sĩ thất bại trong việc chữa bệnh tư tưởng quan niệm của con cái. Bổ sung và sửa chữa những sai lầm của con cái, chỉnh đốn những thói quen xấu của con cái, nhất định phải nhổ trừ đi những hạt giống sai lầm đã gieo, sau đó mới gieo xuống những hạt giống tốt đẹp. Qua hai năm, ba năm, các hạt giống tốt sẽ nảy mầm, kết quả tốt tự nhiên sẽ đến. Giáo dục con cái thì dục tốc bất đạt, phải dùng lý trí để tìm ra cho được nguyên nhân.
Dạy thiện thì trước hết dạy Hiếu, trăm thiện Hiếu đứng đầu
Giúp con trẻ sửa đổi thói quen xấu, chỉ cần trưởng dưỡng một điều thiện cho con cái thì tất cả thói quen xấu của con cái ắt sẽ sửa đổi toàn bộ, là nuôi lớn cái thiện nào? Tâm Hiếu. “Trăm điều thiện Hiếu đứng đầu” [9], câu nói này sẽ đi theo bạn thâm nhập giáo huấn của Thánh Hiền, thể hội của bạn càng ngày sẽ càng sâu sắc. Câu nói này có hai ý nghĩa, thứ nhất là Hiếu đứng đầu trăm điều thiện, thứ hai là tâm Hiếu mở ra rồi thì trăm điều thiện tự nhiên sẽ có. Chúng ta nhìn xem một người có tâm hiếu thì có tự tư không? Không có! Một người có tâm hiếu thì có cãi lời cha mẹ không? “Cha mẹ gọi, trả lời ngay; Cha mẹ bảo, chớ làm biếng”. Mọi người đừng đánh giá thấp “Đệ Tử Quy”! Một đoạn “Nhập tắc Hiếu” này cũng có thể giải quyết được tất cả vấn đề của con cái quý vị rồi. Khi chúng biết “Thân bị thương, cha mẹ lo” thì chúng có sống lộn xộn không? Không! Khi chúng biết “Đức tổn thương, cha mẹ tủi” thì chúng có tâm vô trách nhiệm không? Không! Chúng sẽ rất siêng năng chịu khó, bởi vì “cha mẹ thích, dốc lòng làm“, hi vọng có thể khiến cho cha mẹ hoan hỉ, khiến cho cha mẹ được an ủi.
Chúng có tâm hiếu thì sẽ nơi nơi vì cha mẹ mà suy nghĩ, khi chúng vì cha mẹ mà suy nghĩ thì sẽ hiểu được cha mẹ người khác cũng nhọc nhằn lao khổ giống như vậy, chúng cũng sẽ vì cha mẹ người khác mà suy nghĩ. Hiếu là nguồn gốc của tâm nhân từ trong mỗi một người, từ nguồn gốc này mà xuất phát thì sẽ mở rộng yêu thương kính trọng với tất cả mọi người. Trong “Hiếu Kinh” có nói “lấy Hiếu đạo để giáo hoá” [10], bạn dạy chúng Hiếu thảo, “là bởi hi vọng chúng cũng tôn kính tất cả những bậc cha mẹ trong thiên hạ”; “Lấy Đễ đạo để giáo hoá”, bạn dạy chúng tôn kính trưởng bối, “là bởi hi vọng chúng cũng kính trọng những bậc huynh trưởng trong thiên hạ”, chúng cũng sẽ kính trọng với tất cả trưởng bối của người; “Lấy đạo làm bề tôi để giáo hoá”, bạn dạy chúng thái độ làm người cấp dưới, thì chúng sẽ “kính trọng tất cả người làm vua (lãnh đạo, cấp trên) trong thiên hạ”. Thái độ đối nhân chính xác của một người đều là từ trong gia đình mà bồi dưỡng ra, Mạnh Phu Tử nói: “Yêu thương người thân rồi mới nhân từ với người, nhân từ với người rồi mới yêu thương vạn vật” [11], từ yêu thương cha mẹ, yêu thương người nhà, mở rộng đến đối với tất cả người có thể đặt mình vào vị trí của họ mà suy nghĩ; họ có thể có tâm nhân từ với người, tiến một bước đều trân quý đối với vạn vật trong trời đất, đây là thứ bậc đức hạnh của một người, chúng ta phải nắm bắt được.
Con trẻ có tâm Hiếu thảo với cha mẹ thì từ nhỏ sẽ biết làm người phải siêng năng chịu khó, chúng hiểu rõ công việc của cha mẹ rất vất vả thì chúng sẽ không xa xỉ mà sẽ rất tiết kiệm. Căn bản đức hạnh của một đứa trẻ là nằm ở chỗ Hiếu thuận cha mẹ, tôn kính sư trưởng. Cho nên, người làm cha mẹ phải dạy dỗ con cái tôn kính Thầy cô, mà nhiệm vụ của Thầy cô rất quan trọng, là phải dạy dỗ học sinh Hiếu thuận với cha mẹ. Hiện nay trẻ nhỏ có biết tôn sư không? Vấn đề ở đâu mà ra? Cha mẹ có dạy không? Hiện nay còn có hiện tượng: Khi con trẻ ở trong trường bị thầy cô phê bình thì về nhà nói với cha mẹ, hôm sau cha mẹ dẫn theo Luật sư đi tìm Hiệu trưởng. Cha mẹ biểu hiện ra dạng thái độ như vậy thì ai là người bị chịu thiệt thòi lớn nhất? Là trẻ nhỏ! Cả đời này của chúng không có tâm cung kính đối với Thầy cô, khi con trẻ không có tâm cung kính đối với thầy cô thì trên đường học nghiệp sẽ không thể có thành tựu.
Khi còn nhỏ, nếu chúng ta ở trường mà bị Thầy cô xử phạt thì về đến nhà không dám nói, nhưng cha mẹ vừa nhìn thấy sắc mặt của chúng ta không ổn thì truy tận gốc. Khi biết rõ là bị Thầy cô xử phạt, cha mẹ sẽ làm sao? Lại mắng một trận, lại đánh một trận, hôm sau lại còn mang theo lễ vật đến trường mà cảm ơn Thầy cô: “Cảm ân Thầy đã nghiêm khắc kỉ luật con!”. Cha mẹ phối hợp với Thầy cô giáo như vậy thì khi con trẻ học tập ở trường tuyệt đối không dám làm càn nữa. Thái độ của cha mẹ đối với Thầy cô cũng trực tiếp ảnh hưởng đến con trẻ, cho nên không thể không thận trọng trong từng lời nói, trong từng hành vi của cha mẹ với Thầy cô.
“Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng; Người lớn trước, người nhỏ sau”, hành lễ với trưởng bối, một số thói quen tốt trong việc tôn kính trưởng bối như chào hỏi, cũng phải bồi dưỡng cho con cái từ nhỏ. Khi chúng dưỡng thành thói quen thì trong quá trình thực hiện những giáo huấn này, chúng sẽ dần dần nội hoá. Mọi người không nên coi thường việc cho con trẻ cúi chào, mặc dù đây là hành vi bên ngoài, nhưng cúi chào lâu ngày thì về sau sẽ nội hoá vào trong, con trẻ sẽ thời thời để tâm cung kính ở trong lòng.
Tâm hiếu mà không mở ra thì sẽ có kết quả gì?
Nếu tâm hiếu thảo của một đứa trẻ không mở ra thì thái độ tình nghĩa, ân nghĩa trong cuộc đời của chúng sẽ không có cách gì hình thành nổi. Ân đức không gì lớn bằng ân đức của cha mẹ, nếu không có cách gì cảm niệm ân của cha mẹ thì làm sao có thể biết ơn người khác được. Ân nghĩa, tình nghĩa của chúng không sinh khởi ra được thì sẽ sinh ra cái gì? Không học được chính xác thì nhất định sẽ học được sai lầm. Thái độ tình nghĩa, ân nghĩa của một người mà không hình thành, ắt sẽ hình thành thái độ lợi và hại, cái gì có lợi cho chúng thì chúng sẽ rất tích cực; cái gì không có lợi ích cho chúng thì chúng có thể trở mặt chẳng thuận theo người ta.
Tìm đối tượng cũng phải tìm người có tâm hiếu thảo, nếu anh ta không có tâm hiếu mà theo đuổi một cô gái, sự thật cái mà anh ta dùng chính là tâm lợi hại. Bởi vì đối phương trẻ trung xinh đẹp, công việc ổn định, anh ta sẽ dốc toàn lực để đạt được mục đích này. Đợi đến khi mục đích của anh ta đạt được rồi, ba năm sau cô vợ cũng giúp anh ta sinh con, nuôi được trắng trắng tròn tròn, nhưng bởi vì làm mẹ cũng vất vả hơn nên trên khuôn mặt cũng xuất hiện một số nếp nhăn, không còn trẻ trung xinh đẹp như trước nữa. Khi anh ta ra ngoài lại gặp được cô gái xinh đẹp hơn, trẻ trung hơn thì cô vợ sẽ từ lợi biến thành hại, do đó sẽ xảy ra việc ly hôn. Tỷ lệ ly hôn cao lại ảnh hưởng liên đới đến toàn bộ xã hội, cho nên tỷ lệ phạm tội cũng sẽ tăng lên.
Tỷ lệ ly hôn và tỷ lệ phạm tội, hai cái này có quan hệ liên đới không? Có! Ở Hải Khẩu, chúng tôi đã từng tiếp xúc với lãnh đạo của trại giam, chúng tôi hỏi ông về tình trạng gia đình của các phạm nhân bị đưa vào tù, kết quả có hơn 60-70% gia đình đều không hoàn chỉnh. Bởi vì giáo dục gia đình không được tốt, đức hạnh cũng không được cắm gốc, xã hội bên ngoài ô nhiễm nghiêm trọng, vừa gặp được một số nhân duyên không tốt thì lập tức bị bật gốc ngay, cho nên tỷ lệ ly hôn cao sẽ kéo theo tỷ lệ phạm tội tăng lên. Khi tỷ lệ phạm tội trong xã hội cao, cho dù chúng ta vừa có tiền vừa có địa vị thì có cảm giác an toàn hay không? Không có. Tình trạng tỷ lệ ly hôn cao và tỷ lệ phạm tội tăng lên đã khiến cho lòng người bất an, mà căn nguyên đó là ở đâu? Làm người không xây dựng được thái độ ân nghĩa, tình nghĩa. Thái độ ân nghĩa, tình nghĩa của một người bắt tay làm từ chỗ nào? Bắt tay làm từ Hiếu đạo, hiếu đạo lại nhất định bắt tay làm từ “Đệ Tử Quy”.
Dạy con cái làm việc nhà rất quan trọng
Dạy con cái làm việc nhà từ nhỏ rất quan trọng, đây là bồi dưỡng đức hạnh làm người làm việc của con trẻ. Khi tôi diễn giảng ở Đài Nam, có một người bạn đưa cho tôi một bao thư, trong bức thư nói đến tầm quan trọng của việc phải lao động làm việc nhà từ nhỏ, bởi vì đồng học của anh ấy có trường hợp thực tế rất tương ứng với quan niệm đó, cho nên anh ấy mới đưa bao thư này cho tôi, hi vọng tôi có thể giảng về trường hợp này ở trong lớp học. Anh ấy có một nữ đồng học từ nhỏ học hành rất ưu tú, luôn là người đứng đầu bảng, sau giờ học cũng không ra ngoài chơi, vẫn ở đó học bài, sau này đậu vào Khoa Tiếng Anh của trường Đại học Sư phạm. Học xong đại học, thực tập năm thứ nhất thì cưới một bác sĩ. Cuộc sống như vậy có tốt không? Tin rằng lúc cô ấy xuất giá, cha mẹ cô ấy vô cùng hạnh phúc.
Sau khi cô ấy kết hôn, do vì từ nhỏ ở trong nhà chưa từng làm việc nhà, chồng cô ấy đành phải âm thầm làm một số việc mà cô ấy không làm tốt. Nhưng thời gian lâu rồi, sự bất mãn trong nội tâm người chồng bắt đầu lộ rõ. Cô ấy không chỉ không biết làm việc nhà mà còn bởi vì từ nhỏ chỉ biết học nên không biết câu thông với người khác, cho nên đã xảy ra một số va chạm giữa cô ấy với mẹ chồng và người thân. Sau cùng chồng cô ấy đến toà án yêu cầu ly hôn, kết quả thắng kiện. Trong khoảng thời gian đấu tranh trong hôn nhân, cha mẹ cô ấy cũng bó tay hết cách, thường hay gọi điện thoại khuyên con gái nhưng con gái cũng không chịu nghe. Mẹ của cô đã nói rằng lúc cô ấy học tiểu họ, thì trưa nào cha của cô cũng mang cơm hộp cho cô ăn, đến chiều thì cha cô lại đi xe đến đón cô về, từ nhỏ đến lớn không để cho cô quét nhà một lần. Cha cô rớt nước mắt mà nói:
– Chúng tôi chăm sóc cho nó như vậy còn chưa đủ hay sao? Tại sao nó lại đối xử với chúng tôi như thế?
Vấn đề chính là đối xử với cô ấy quá tốt nên mới tạo thành cái kết quả này. Mặc dù cô ấy có thành tựu về học nghiệp nhưng cuộc đời tuyệt đối không chỉ là nỗ lực trên một phương diện thôi đâu, cuộc đời phải nên học tập toàn diện, viên mãn toàn diện. Con trẻ không được học năng lực làm người làm việc, ở trong bản đồ nhân sinh của chúng sẽ xuất hiện tương đối nhiều nút thắt cổ chai. Cho nên chúng ta đối với cuộc đời của con trẻ phải nên có sự quy hoạch dài lâu, như vậy con trẻ mới đi được thong dong chẳng gấp gáp.
[1] Chí yếu mạc nhược giáo tử 「至要莫若教子」
[2] Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc 「先天下之憂而憂,後天下之樂而樂」
[3] Trích trong Tam Tự Kinh: Cẩu bất giáo, tính nãi thiên 「苟不教,性乃遷」
[4] Mông dĩ dưỡng chánh, thánh công dã 「蒙以養正,聖功也」: “Nuôi dưỡng chánh khí từ ấu thơ, ấy là công đức thần thánh vậy”
[5] Vạn lục tùng trung nhất điểm hồng 萬綠叢中一點紅
[6] Giáo dã giả, trưởng thiện nhi cứu kì thất 「教也者,長善而救其失」
[7] Cẩu bất giáo, tính nãi thiên 「苟不教,性乃遷」
[8] Cứu thất như cứu hoả – 救失如救火
[9] Bách thiện Hiếu vi tiên 「百善孝為先」
[10] Nguyên văn trong Hiếu Kinh: Giáo dĩ Hiếu, sở dĩ kính thiên hạ chi vi nhân phụ giả dã; Giáo dĩ Đễ, sở dĩ kính thiên hạ chi vi nhân huynh giả dã; Giáo dĩ thần, kính thiên hạ chi vi nhân quân giả dã 「教以孝, 所以敬天下之為人父者也; 教以悌, 所以敬夭下之為人兄者也; 教以臣, 敬天下之為人君者也」
[11] Thân thân nhi nhân dân, nhân dân nhi ái vật 「親親而仁民,仁民而愛物」