14. THẦY CÔ GIÁO LÀM SAO ĐỂ CÓ SỰ TÍN NHIỆM CỦA HỌC SINH?
Tôi nhớ khi làm thầy giáo, lần đầu tiên đứng trên bục giảng, ánh mắt của các học sinh của tôi nhìn tôi đều rất lạ lùng. Có một em nữ giơ tay hỏi:
– Thưa Thầy, thầy có đánh người không ạ?
Từ câu nói này nghe ra được rằng trẻ nhỏ rất có tâm đề phòng Thầy giáo. Tôi quan sát thấy hiện tượng này nên phải chuyển hoá trở lại thì mới có thể làm cho học sinh tín nhiệm mình. Tôi phát hiện khoảng hơn 10 giờ trưa thì bụng của chúng đã đói vì chúng đang trong giai đoạn phát triển, cho nên tôi để một ít bánh bích quy trong ngăn kéo, hơn nữa loại bánh bích quy này đều là bánh thiên nhiên từ hạt nảy mầm nướng lên. Chỉ cần đến hơn 10 giờ thì học sinh nhất định sẽ đi đến bàn giáo viên rồi nói với tôi “Thưa Thầy…” thì tôi đã nghe hiểu, lập tức lấy bánh quy ra rồi nói:
– Chỉ được ăn hai miếng thôi, ăn nhiều thì buổi trưa không ăn cơm được nữa.
Như vậy mà học trò tiếp cận với tôi từng chút một, đây gọi là mua chuộc lòng người, chỉ cần động cơ của chúng ta là vì muốn tốt cho đối phương là được.
Tôi còn suy nghĩ vì các học sinh mà cống hiến nhiều một chút. Sau đó tôi đi mua một cái nồi điện để ở trong lớp, thứ sáu hàng tuần thì nấu một ít đồ ăn nhẹ cho các em ăn. Tôi nhớ món đầu tiên tôi làm là chè thang viên (bánh trôi tàu) nhân đậu đỏ mè đen. Sau khi nấu chín, tôi mở vung nồi điện ra, mùi thơm thật là nức mũi, lúc này có một hiện tượng rất thú vị. Rất nhiều em nhỏ rất có khí tiết, không những không bị những mùi thơm này lôi cuốn mà kiên trì không ăn, nhưng có một số em nhỏ vừa ngửi thấy mùi thơm thì chẳng chịu nổi nên chạy qua để ăn, kết quả khoảng hơn một nửa học sinh đến ăn chè thang viên. Có một số em ăn hết bát thứ nhất còn yêu cầu được ăn bát thứ hai, bát thứ ba. Khi những học sinh này ăn xong rồi thì tôi mới đi tìm chúng tâm sự, hỏi chúng những gì chúng đều nói ra hết. Tôi tập hợp những tin tức này lại, có sự giúp đỡ rất lớn đối với việc hiểu rõ gia đình và tình hình học tập của học sinh, vì hiểu rõ đầy đủ về tình hình của học sinh thì mới có thể tuỳ theo năng lực mà dạy dỗ.
Tôi nấu được ba tuần, sau đó khởi lên một ý niệm, tôi nói với học sinh:
– Mấy tuần nay Thầy đã làm mẫu một thái độ quan trọng của nhân sinh, đó là ta vì mọi người thì mọi người vì ta. Làm người phải biết phục vụ người khác, bây giờ Thầy muốn trao cho các em những cơ hội rất tốt này.
Học sinh vừa nghe thấy liền rất nhiệt tâm giơ tay hưởng ứng, tôi nhanh chóng tìm một em học sinh, đưa ra thứ tự. Đích thực là “vô tâm cấy liễu liễu thành rừng“, khi tôi làm ra những công việc này cũng vừa vặn để cho các em cơ hội tốt để rèn luyện năng lực làm việc. Học sinh đầu tiên qua tìm tôi. Vì em ấy muốn qua xin tiền tôi nên lúc này tôi lập tức nói với em:
– Em đi mua bất cứ thứ gì thì nhất định phải ghi chép lại, như vậy Thầy mới biết được em tiêu bao nhiêu tiền, Việc này sẽ để cho em toàn quyền xử lý, cần ai giúp việc gì thì em tự chịu trách nhiệm, nếu em cần thầy hỗ trợ việc gì thì em cũng phải giao cho Thầy.
Chúng ta hướng dẫn trẻ nhỏ phương pháp làm việc, nhất định phải mở mang tư duy cho trẻ từ mấy góc độ, đồng thời nói với các em phải chú ý 5 chữ W cùng 2 chữ H. Đây là quản lý học của phương Tây, chúng ta cũng phải học rộng nghe nhiều, Phương Tây cũng có chỗ tốt, cũng phải khiêm tốn để học tập. Năm chữ W là chỉ: Con người (Who), Địa điểm (Where), Thời gian (When), Vì sao (Why), Cái gì (What); hai chữ H là: Làm thế nào (How to do), muốn bao nhiêu tiền (How much), từ nhỏ huấn luyện cho các em quy hoạch công việc, quy hoạch tiền nong, làm sao để đánh giá được ngân sách.
Tôi nói với học sinh:
– Em muốn làm việc này cần phải có một số người trợ giúp, bữa điểm tâm này phải có một số nguyên liệu, cũng phải liệt kê ra thì em sẽ hiểu rõ phải làm việc gì. Đương nhiên trước khi làm việc gì, động cơ rất là quan trọng, vì sao em muốn làm? Vì sao hôm nay muốn nấu món ăn nhẹ? Muốn cho các bạn cùng lớp ăn được hoan hỉ, cho nên nhất định phải nấu những gì các bạn thích ăn chứ không phải là vì mình thích ăn.
Cũng giống như chúng ta đang thúc đẩy giáo dục đọc kinh, cũng phải hiểu rõ vì sao phải thúc đẩy đọc kinh? Mục đích nhất định phải rõ ràng, nếu không làm cho rõ ràng thì có thể đi được nửa đường rồi lại đi chệch ra ngoài mà không biết.
Rất nhiều người thúc đẩy được nửa chừng thì cho rằng học sinh có thể đọc thuộc nhiều kinh điển đó như vậy đúng thật không đơn giản. Thuộc được nhiều không phải là mục đích, mục đích thực sự là có thể y chiếu theo kinh điển mà thực hiện. Học để làm người làm việc, cho nên tăng trưởng đức hạnh làm người mới là mục đích thật sự của việc thúc đẩy đọc kinh. Một người rõ ràng mục đích mà thì sẽ không đi lệch hướng. Cũng như vậy, mục đích của việc chúng ta kinh doanh gia đình, kinh doanh sự nghiệp, kinh doanh tiền tài là ở đâu? Để làm cho cha mẹ, vợ con có chất lượng cuộc sống tốt, nhưng thường thì đi được nửa đường thì biến thành đuổi theo thú vui tiền bạc. Cho nên câu hỏi “Vì sao – Why” này cũng đặc biệt quan trọng.
Bạn nấu món ăn gì đó ở địa điểm nào? Hoặc là địa điểm nào để bạn đến mua được thứ bạn muốn? Địa điểm không thể sơ sài được. Còn có các yếu tố như thời gian nào đi mua, thời gian nào thì đi làm, cũng là không được sơ sài. Em học trò lần đầu làm món ăn nhẹ đã gọi điện về nhà tôi, lúc đó cha tôi nghe điện, học trò nói:
– Con xin phiền ông thông báo cho Thầy của con, nhờ Thầy đến mang theo một cái bếp gas đến ạ.
Bởi vì tôi đã giao cho học trò toàn quyền xử lý, cho nên học trò yêu cầu tôi cái gì thì tôi cũng phải làm được. Sau đó tôi mang theo một cái bếp gas đến trường. Học trò bận rộn mà lại vui, tất cả mọi người đều đến tham gia, không phải là người đến làm thì cũng là người qua để học tập.
Có một lần làm bánh kếp, học trò mang đến mời tôi ăn. Đây là một cơ hội rất tốt nên tôi lập tức nói với học trò: ngoài việc nghĩ đến Thầy giáo ra thì các em còn phải nên nghĩ đến ai? Học trò trầm ngâm suy nghĩ rồi chạy ra ngoài, thật ra tôi cũng không biết các em chạy đi đâu. Kết quả học trò của tôi đã chạy qua chạy lại ở trong trường, cầm bánh kếp mình đã làm đi tặng cho rất nhiều thầy cô ăn, mặc dù chúng tôi không quảng cáo, nhưng toàn trường đều biết được chúng tôi đang làm gì. Có một cô giáo đã chạy đến nói:
– Cái bánh kếp này là ai làm vậy? Làm sao mà ngon thế!
Một nam sinh nhỏ mập mạp ngẩng đầu ưỡn ngực đi đến:
– Thưa cô, em làm ạ!
Cậu bé ở ngay trong làm việc, tâm tự tin đã đề khởi rồi.
Chúng ta để cho trẻ nhỏ làm một số việc, không những huấn luyện được năng lực làm việc mà còn huấn luyện được thái độ làm người. Vốn dĩ học sinh lớp chúng tôi hơi thờ ơ đối với thầy cô giáo, nhưng sau khi làm xong hoạt động này thì học trò nhìn thấy Thầy cô từ xa đã giơ tay lên: “Em chào Thầy ạ!”, làm cho các em đối với thầy cô, đối với người lớn đều chuyển sang có lễ phép, biết cung kính.
“Học vi nhân sư, hành vi thế phạm“, thầy cô giáo ở trước mặt học sinh nhất định phải làm một tấm gương tốt. Có một lần chúng tôi mở hội thể thao, có một vị phụ huynh mang theo nhiều đồ uống ngon lên lầu. Khi anh ấy đến thì đúng lúc chúng tôi đi ra sân trường xếp hàng, vị phụ huynh này vốn định để đồ uống xuống rồi nhanh chóng bỏ đi. Lúc này tôi chủ động đến chào hỏi anh, anh nói với tôi:
– Thưa Thầy, con trai tôi nghe lời của thầy hơn, nó không nghe lời của thầy giáo trước đây lắm. Con trai tôi nói, thầy giáo trước đây lúc cùng ăn cơm với chúng, chỉ nói một câu là mọi người cùng ăn cơm, kết quả là lần nào khi học trò vẫn còn đang xới cơm thì thầy giáo đã ăn trước rồi.
Cho nên, người làm thầy cô giáo, lúc ở trước mặt học sinh, từng lời nói từng hành vi phải đặc biệt cẩn thận, như vậy cũng là làm một tấm gương tốt cho trẻ nhỏ.
Tiếp đó anh ấy lại nói:
– Thưa thầy, thầy cũng là nói mọi người cùng ăn cơm, nhưng thầy đều là ăn sau học trò.
Tại sao tôi lại ăn sau học trò của mình? Lúc học trò đi lấy cơm thì thói quen của tôi là đều giảng cho chúng một câu tục ngữ, bởi vì tục ngữ đều là tinh hoa trí huệ mà Tổ tiên xưa trong một số dân tộc truyền lại, như câu: “nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ” [1], khi chúng ta bế con trên tay, cảm thấy sự vất vả để luôn lớn con cái, mới nghĩ về ân đức vô cùng to lớn của cha mẹ. Cho nên, mỗi khi ăn cơm, trước tiên tôi dạy các em một câu tục ngữ, sau khi dạy xong rồi lại bước xuống bục giảng đi tuần hành thị sát.
– “Với ăn uống, chớ kén chọn“, thức ăn này các em gắp sao ít vậy? Có cần thầy phục vụ các em không?
Học trò lập tức nói:
– Dạ không cần ạ.
Tự mình liền ngoan ngoãn miễn cưỡng đi lấy thêm thức ăn nhiều một chút nữa, đi tuần hành thị sát như vậy một chút, đương nhiên là phải ăn sau các em rồi. Đúng là ánh mắt của con trẻ rất sắc bén, đôi tai cũng rất thính. Hơn nữa không chỉ là một cặp mắt, một đôi tai, mà là mấy chục cặp đồng thời nhìn vào lời nói hành vi cử chỉ của thầy giáo. Trong quá tình tu học, chúng tôi cảm nhận được việc dạy học có thể nâng cao cảnh giới, bởi vì những đứa trẻ này lúc nào cũng nhìn chăm chú vào quý vị, xem quý vị có làm được không? Không nâng cao tính cảnh giác cũng không được.
[1] Thủ bão hài nhi, tài tri phụ mẫu ân 手抱孩兒,才知父母恩