CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ

11. THẾ NÀO LÀ PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP CHÍNH XÁC?

Một môn thâm nhập, trường thời huân tu

Phương pháp học tập phải nắm vững tám chữ: “Một môn thâm nhập, trường thời huân tu” [1]. Một môn là một môn nào? Giáo huấn mà Thánh triết xưa nay để lại cho chúng ta, nếu như dùng hai chữ mà nói, chính là hai chữ “Đạo đức“. Thâm nhập một môn mới có thể nắm bắt được cương lĩnh của một môn đạo đức này, mà “Đệ Tử Quy” chính là cương lĩnh của Đạo đức. Cho nên chúng ta học tập phải nên trước hết từ “Đệ Tử Quy”, thâm nhập một môn này. Khổng Tử nói Ngài ba ngày không đọc sách thì khí chất cũng sẽ thoái lui, chúng ta không cần nói đến ba ngày không đọc sách, có thể lúc chính mình còn đang tụng “Đệ Tử Quy”, nhìn thấy con trẻ có một số hành vi không tốt thì lập tức nổi cáu thành giận giữ rồi mở miệng quát lớn. Sau khi nổi giận xong, quay đầu lại mới phát giác, mình vừa mới đó còn đang tụng “Đệ Tử Quy”, sao mà tính nóng giận chẳng khắc chế nổi, lại bắt đầu tức giận nữa. Bởi do gốc rễ của chúng ta hiện nay đều tương đối thiếu sót, cho nên không thể khống chế được cảm xúc của chính mình, cũng rất dễ nổ cáu, làm người quý ở tự biết” [2], phải biết rõ những gì là quan trọng đối với chính mình. Hiện nay chúng ta buông xuống kinh sách thì mặt mày trông dễ ghét, vậy nên biết nền tảng của chính mình không tốt như vậy thì sẽ càng phải nỗ lực nhiều hơn, tinh tấn nhiều hơn. Cho nên không được ngừng đọc kinh điển của Thánh Hiền, ngày ngày đều phải huân tu, đây mới là trường thời huân tu. “Trường thời” chính là thời thời khắc khắc không được ngắt quãng giữa chừng, học tập chỉ cần ngắt quãng giữa chừng thì hiệu quả sẽ khác rất nhiều.

Giải hành tương ưng, trải sự luyện tâm

Học tập phải một môn thâm nhập, trường thời huân tu. Thâm nhập như thế nào? Nhất định phải giải hành tương ưng, giải là liễu giải (hiểu rõ), sau khi liễu giải rồi thì phải làm, càng làm thì giải được càng sâu, giải được càng sâu thì sẽ làm được càng triệt để. Nếu chỉ liễu giải mà không làm thì sẽ chỉ tăng trưởng ngạo mạn. “Đệ Tử Quy” nói: không gắng làm, chỉ học văn; chỉ bề ngoài, thành người nào”. Thế nhưng chỉ có hành mà không giải, cũng không hiểu rõ Thánh Hiền dạy dỗ như thế nào, chỉ là tự mình nghĩ ra làm thế nào thì làm thế đó, “Đệ Tử Quy” nói “nếu gắng làm, không học văn; theo ý mình, mù lẽ phải”, chỉ dùng phương pháp của chính mình thì rất có thể có nhiều chỗ làm sai. Cho nên nhất định giải với hành phải tương ưng thì mới có thể thâm nhập, hơn nữa phải trường thời huân tu.

Tôi đưa cho rất nhiều thầy cô giáo một thang thuốc Đông y, mà thang thuốc này tuyệt đối là trị gốc, cũng là trị luôn cả gốc và ngọn. Đó là thang thuốc nào? Chính là sáng tối đọc tụng một lần “Đệ Tử Quy”. Sáng tối đọc tụng một lần, đảm bảo ba tháng sẽ thấy hiệu quả, khiến bạn cảm thấy đạo đức và học vấn nâng cao rất nhanh, phải kiên trì ba tháng. Đạo đức học vấn của một người có thể thành tựu hay không, tuyệt đối không cần nhờ người khác đi thúc ép, phải do chính mình chủ động và siêng năng nỗ lực thì mới có thể thành tựu. Tại sao phải sáng tối phải tụng một lần? Buổi sáng tụng là nhắc nhở bản thân rằng những việc hôm nay làm, nhất định phải làm được giáo huấn của “Đệ Tử Quy“; buổi tối làm việc xong, tan học về nhà lại tụng một lần là để quán chiếu và phản tỉnh xem những việc mình làm trong hôm nay đã làm được lời giáo huấn trong “Đệ Tử Quy” chưa. Nếu chưa làm được thì phải nhanh chóng sửa đổi, nếu đã làm được thì phải duy trì thật tốt. Cho nên buổi sáng đọc tụng một lần là nhắc nhở bản thân một lần, buổi tối đọc tụng một lần là phản tỉnh bản thân một lần.

Ở Hải Khẩu có một vị Thầy giáo thật sự đã làm được. Một ngày nọ khi thầy đang lên lớp, tôi nhớ rất sâu sắc đó là vào tiết nguyên tiêu. Bởi vì hôm đó có thầy giáo gọi điện thoại đến nói với tôi:

– Thầy Thái, hôm nay là Tết nguyên tiêu, có cần nghỉ học một hôm không ạ?

Có cần nghỉ không? Cầu học vấn không thể thường có nghỉ lễ. Tôi nói với thầy ấy:

– Thầy là người làm cha liệu có nói với con trai là: hôm nay ta không làm cha nữa, ta xin nghỉ lễ một hôm hay không?

Người làm cha thì đạo đức học vấn sẽ phải mỗi ngày một tăng trưởng, mới có thể nơi nơi lợi ích cho con cái; người làm thầy cô, đạo đức học vấn mỗi ngày một tăng trưởng thì mới có thể thật sự thành tựu cho học sinh, bạn chậm trễ một ngày thì chúng sẽ bỏ bê một ngày, cho nên học tập không được ngắt quãng giữa chừng. Kết quả ngày hôm đó lên giảng xuất hiện một hiện tượng rất tốt, người ngồi tham dự không còn chỗ trống. Trong đó có một vị nữ sĩ họ Hứa, cô làm việc ở Sân Bay Hải Khẩu, cô không phải là giáo viên. Hôm đó khi nghe giảng, tôi có ấn tượng rất sâu sắc đối với cô bởi vì cô nghe giảng rất nghiêm túc, nghe không chớp mắt. Tôi giảng một số câu chuyện của Thánh hiền nhân, cô lập tức lấy bút mở sổ ghi chép lại, hơn nữa sáng tối tuyệt đối đều đọc tụng một lần. Ba tháng sau, cô ấy đi đến trước mặt rồi nói với tôi:

– Thầy Thái, học vấn Thánh hiền tốt như vậy, không thể chỉ có tôi với các con tôi được lợi ích, tôi muốn về quê hương của tôi để thúc đẩy “Đệ Tử Quy”, thúc đẩy giáo dục Đức hạnh.

Nói được làm được, cô ấy lấy dũng khí về quê hương để dạy học rồi.

Cô ấy đúng là rất thật thà, mỗi lần cô ấy sắp phạm lỗi, kinh văn của “Đệ Tử Quy” lập tức xuất hiện trong đầu của cô. Khi sắp tranh cãi với mọi người, đột nhiên câu “lời nhường nhịn, tức giận mất” bay ra nhắc nhở bản thân; lúc tương tác với cha mẹ, chính là “cha mẹ gọi, trả lời ngay”, câu kinh văn này lại đến đối chiếu cho bản thân. Có thể khi khẩu khí của chính mình hơi khó nghe thì kinh văn lập tức giống như một mũi tên bay qua, do đó tính cảnh giác đặc biệt cao. Cô ấy tiến bộ rất nhanh, chỉ sau ba tháng ngắn ngủi thì về quê hương của mình để dạy học. Cô ấy đã làm được việc lập định chí hướng, làm được học tập xem trọng thực hành, học tập phải thật thà. Khi cô ấy phát được tâm nguyện này (muốn quay về quê hương dạy học) thì rất nhiều Thầy cô giáo cũng tình nguyện chia sẻ một số kinh nghiệm quý báu với cô. Trung tâm chúng tôi cũng tặng rất nhiều sách vở, các câu chuyện của Thánh Hiền cho cô. Cho nên, người có thiện nguyện, trời ắt thuận theo” [3], khi quý vị thật sự phát ra tâm chân thành muốn làm một số việc tốt thì không cần phải lo lắng, sẽ xuất hiện rất nhiều trợ lực.

Cô giáo này đúng là làm được trường thời huân tu, huân là giống như bạn cầm lấy lư hương xoay nhiễu một vòng trên quần áo thì quần áo này sẽ có mùi thơm, nếu bạn mỗi ngày đều huân thì mùi hương đó sẽ càng ngày càng nồng. Tu là sửa lại cho đúng, sửa lại cho đúng chỗ nào? Từng chút từng chút một ở ngay trong đời sống của chúng ta mà sửa lại cho đúng, cũng chính là nói, từ cách nghĩ, cách nhìn, cách nói, cách làm của chúng ta mà bắt đầu sửa lại cho đúng. Ví dụ như trong “Đệ Tử Quy” có nói: người có lỗi, chớ vạch trần”, khi mọi người có khuyết điểm, có lỗi lầm thì không được đem lỗi lầm của người ta đi khắp nơi mà nói với người khác, nếu những gì quý vị nói liên quan đến danh tiết của người ta thì sẽ làm cho người ta rất đau khổ; “việc riêng người, chớ nói truyền”, cách nói của chúng ta phải nên có thể lợi ích cho người khác chứ không được làm tổn hại người khác. Có một người bạn nói, việc sâu sắc nhất trong mấy tháng tu học này của anh ấy chính là một câu nói: “người có lỗi, chớ vạch trần; việc riêng người, chớ nói truyền”, bởi vì trước đây việc nói những điều thị phi của người khác đã thành thói quen rồi, muốn lập tức sửa lại cũng cảm thấy rất khó khăn, nhưng sau khi học tập “Đệ Tử Quy”, khi lời bàn luận thị phi về người khác còn chưa ra khỏi miệng thì những lời nói của Thánh Hiền “người có lỗi, chớ vạch trần” đã xuất hiện ngay trước mắt.

Chúng ta từng chút từng chút một trong đời sống, sửa lại cho đúng những lỗi lầm của chính mình, đây gọi là “trải sự luyện tâm“; khi đụng chuyện thì xem thử chính mình có y giáo phụng hành hay không, có thể đề khởi được tư duy chính xác hay không, đây chính là trải sự luyện tâm.

[1] Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu  一門深人,長時薰修

[2] Nhân quý tự tri 「人貴自知」

[3] Nhân hữu thiện nguyện, thiên tất tùng chi 「人有善願,天必從之」


MỤC LỤC TOÀN SÁCH

CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ