CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ

9. VỢ CHỒNG PHỐI HỢP GIÁO DỤC CON CÁI NHƯ THẾ NÀO?

Vợ chồng phải đạt được sự đồng thuận

Nguyên tắc giáo dục của vợ chồng phải nhất quán, khi người vợ cảm thấy phương pháp giáo dục của chồng không thoả đáng thì ngay lúc đó không được nói, vậy khi nào thì mới nói? Đợi cho sau khi sự việc trôi qua rồi, đợi khi tâm trạng của người chồng tốt lên thì mới câu thông với anh ấy, để cuối cùng vợ chồng đều có sự đồng thuận, cũng là vì để cho con cái được tốt. Cho nên câu thông cũng đừng nên nóng vội, dục tốc thì bất đạt. Chỉ cần có tính kiên trì, thành tâm thì giữa vợ chồng sẽ hình thành sự đồng thuận và nắm được phương pháp tốt để cùng nhau giáo dục con cái. Cho nên, vợ chồng đạt được sự đồng thuận cũng là nền tảng của giáo dục gia đình.

Phải đồng thời có cả Ân huệ và Uy nghiêm, phải phối hợp cả phản diện và chính diện để dạy

Quá trình dạy dỗ con cái của hai vợ chồng cũng phải phối hợp mật thiết. Ở trong gia đình cũng phải có một vai phản diện, một vai chính diện, nếu người ở trong nhà đều đóng vai chính diện cả thì con trẻ sẽ ra sao? Người nào đều đối với chúng muốn gì được nấy, đảm bảo chúng sẽ cưỡi lên đầu lên cổ cha mẹ. Nếu mỗi người điều diễn vai phản diện với chúng, đều là hung dữ thì chúng sẽ như thế nào? Từ nhỏ chúng sẽ không có lòng tự tin, thậm chí tình cảm giữa cha mẹ và con cái sẽ dần dần cách xa, bởi vì chúng quá sợ quý vị rồi. Giáo dục luân lý truyền thống nhấn mạnh ở chỗ đạo trung dung, cho nên ở trong gia đình cũng phải đồng thời có cả Ân huệ và Uy nghiêm, ân huệ chính là vai chính diện, uy nghiêm chính là vai phản diện. Như vậy mới có ảnh hưởng tốt đối với việc giáo dục con trẻ. Bạn có uy nghiêm thì chúng sẽ giữ quy củ, không dám làm càn; bạn có Ân huệ đối với chúng thì tình cảm của chúng với bạn sẽ rất tốt.

Khiển trách là phải xuất ra được tấm lòng yêu thương

Những năm đầu tiên tôi đi dạy, lần đầu tiên tôi thể hiện tức giận mắt trừng trừng với học sinh. Sau khi khiển trách các em, tôi đi lên lầu, lúc này các đồng nghiệp ở trường nhìn thấy tôi, trong lòng họ chắc nghĩ rằng: “Thầy mà cũng nổi giận nữa á?“, họ cũng không dám tin. Đối với học sinh có lúc cần phải nổi giận hay không? Cần! Nếu không nổi giận thì mới là có lỗi với học sinh, lúc cần khiển trách các em mà không khiển trách thì chúng ta đã làm mất đi chức trách của mình rồi. Thế nhưng người làm thầy cô phải luyện đến trình độ nổi giận để tuy bên ngoài giận nhưng bên trong không giận. Tôi đã từng có lúc khiển trách học sinh, mắng đến mức bản thân mình cũng rơi nước mắt, không phải giận quá rơi nước mắt, mà là cảm thấy ngôn từ của mình chánh khí lẫm nhiên, bản thân cũng bị tự mình làm cảm động. Đúng là khi chúng ta khiển trách và trách phạt con trẻ thì trong lòng vẫn là yêu thương che chở cho chúng chứ không phải nổi giận thật sự.

Không chấp nhận để con cái uy hiếp bằng thói nóng giận

 Ở trong gia đình ai là người đóng vai phản diện tốt, ai là người đóng vai chính diện tốt? Bây giờ tôi lấy bản thân mình ra để chia sẻ với mọi người. Chồng chị gái tôi làm việc khá bận rộn nên chị thường hay đưa cháu về nhà ngoại, lúc đó thì tôi sẽ đóng vai phản diện, chị ấy sẽ đóng vai chính diện. Tôi đối với đứa cháu này rất kì lạ, từ lúc nó còn nhỏ thì tôi đã không đùa cợt với nó. Cháu ngoại của tôi sinh ra thì ngày hôm sau về nhà chúng tôi, tôi thấy mắt của cháu cứ nhìn đảo qua đảo lại, chứng tỏ đứa bé này thông minh bẩm sinh, mà người thông minh quá thì ngược lại bị thông minh hại. Chỉ cần không có người có thể hàng phục được nó thì sau này nhất định nó sẽ coi trời bằng vung. Cho nên, tôi vừa nhìn thấy ánh mắt của nó láo liên thì mặt tôi liền trở nên nghiêm túc, từ đó về sau đã không để nó thấy khuôn mặt dễ coi nữa.

Tôi nhớ hồi nó một – hai tuổi, thường có rất nhiều người thân đến nhà thăm nó, người lớn vừa nhìn thấy đứa bé này thì bắt đầu chơi đùa với nó, đùa đến sau cùng họ chẳng đùa nổi nữa rồi buông một câu: rốt cục thì mình đùa nó hay là nó đùa mình đây. Các vị xem, đứa bé này rất là thông minh! Mà người thông minh đều dễ nổi giận, vì sao vậy? Họ cảm thấy việc dễ như vậy mà các vị cũng không biết, vậy thì dễ nhìn người khác không vừa mắt, cho nên nộ khí đặc biệt lớn.

Nộ khí lớn đến mức độ nào? Nó mới hai tuổi, có một lần phạm lỗi rồi khóc ầm ĩ lên, tôi bế nó lên đặt trên xe đẩy, nó tiếp tục tay đấm chân đá. Kết quả chiếc xe đẩy bị lật đổ, tôi bế nó lên thì nhìn thấy đầu đụng xuống đất bị rách một vết, cũng đang chảy máu ra. Nộ khí có lớn không? Nộ khí lớn là lỗi của bản thân nó, lúc này quý vị có được mủi lòng không? Nuôi dạy con trẻ thì phải có lý trí. Chị gái tôi vẫn cứ đứng đó, mặt vẫn tỉnh bơ không biến sắc, lúc này chị mới đi lấy thuốc nhanh chóng giúp nó cầm máu. Khi chị gái tôi cầm máu cho đứa bé, đột nhiên tôi cảm thấy tiếng hét của đứa bé giống như là tiếng kêu của heo bị chọc tiết vậy, tiếng gào của nó thật sự là mù trời tối đất, kêu như là mất mạng đến nơi rồi. Đối diện với nộ khí của đứa bé lớn như vậy, làm sao đây? Quý vị nhất định phải cho chúng một thái độ vô cùng rõ ràng, chính là nói với chúng rằng nổi giận tuyệt đối không thể giải quyết vấn đề. Người lớn tuyệt đối không được chấp nhận để trẻ nhỏ dùng thói nóng giận để uy hiếp, nhất định phải cho chúng loại cảm nhận vô cùng kiên định này.

Bất luận lúc nào nơi nào, hễ phạm lỗi đều phải chấp nhận xử phạt

Có một năm vào mùng một Tết, chúng tôi cùng nhau ăn cơm, khi đứa cháu này dùng đũa thì tay cầm sát trên đầu đũa, dùng đũa như vậy sẽ bị dơ bẩn, cho nên tôi mới cầm tay của nó lên, tôi nói:

– A Vĩ, đũa phải cầm thế này mới sạch sẽ, nếu không vi khuẩn trên tay con sẽ dính vào đũa.

Nó nhìn nhìn tôi, tôi bỏ tay nó xuống, nó lại đưa tay cầm vào chỗ cũ, sau đó lại nhìn tôi, nó đang khiêu chiến với tôi. Sau đó, tôi lại chầm chậm nói chuyện với nó:

– Con phải cầm đũa như thế này, nếu không sẽ bẩn đấy, phải nghe lời, cậu đang dạy con đấy.

Nó lại làm như vậy liên tục ba lần. Lúc này tôi nên làm thế nào cho tốt? “Thôi, kệ nó đi“, thế cũng được sao! Lúc đó tôi chẳng nói chẳng rằng, bế nó lên đi vào phòng của tôi. Thần thái chị gái tôi vẫn tự nhiên, vẫn tiếp tục ăn cơm. Mẹ tôi không chịu được, bèn nói:

– Hôm nay là mùng một Tết, đừng có đánh!

Nên đánh hay không? Nên xử phạt hay không? Ngày mùng một Tết mà không xử phạt thì quá phóng túng ngạo mạn rồi. Ngày mùng một Tết mà các vị không xử phạt thì chúng sẽ biết được lúc nào phạm lỗi sẽ không bị xử phạt.

Tôi vừa bế nó đi thì nó bắt đầu khóc, khóc rất khoẻ. Nó dùng tiếng khóc để biểu thị cho điều gì? Muốn gọi cứu viện. Tôi lập tức bế nó vào trong phòng rồi đóng cửa lại, phải để cho tất cả cứu viện của nó không đến được, khiến cho nó gọi trời trời không ứng, gọi đất đất chẳng linh. Kết quả nó còn khóc lớn hơn. Phát nộ thật sự khiến cho người ta mất đi lý trí, chữ Nho của người xưa rất có trí huệ, chữ Nộ (怒) viết như thế nào? Phía trên là một chữ Nô (奴) trong Nô lệ, phía dưới là một chữ Tâm (心). Người tính khí không tốt thì tâm của họ sẽ trở thành nô lệ của thói nóng giận, nộ khí khiến họ đến đằng đông thì họ nhất định đến đằng đông; nộ khí khiến họ đến đằng tây thì họ nhất định sẽ đến đằng tây, chủ tể hoàn toàn không phải chính mình. Cho nên người nộ khí lớn thường hay làm một số sự việc khiến chính mình sau này hối hận cũng không kịp.

Nó vẫn tiếp tục khóc, tôi nói:

– Con khóc càng lớn tiếng thì cậu sẽ phạt con càng nặng hơn.

Sau đó tôi dùng ánh mắt trừng trừng nhìn nó, không chỉ cần đánh, mà ánh mắt cũng phải nhiếp thụ nó. Đã đánh xuống thì đương nhiên phải có nội lực, nhưng không được làm nó bị thương, chỉ cần dùng khí thế để nhiếp thụ nộ khí của nó. Đánh khoảng hai, ba cái thì nó biết là khó mà lùi được, dần dần không dám khóc nữa, biết tôi đã làm là làm thật. Sau khi tôi xử phạt xong, dần dần nó cũng không còn làm ầm ĩ vậy nữa. Tôi lại không thích xử phạt con trẻ, nên tôi cũng không tiếp tục nghiêm khắc nữa, mà chọn lấy phương thức giáo huấn, nhẹ nhàng nói chuyện với nó. Do vì nó vừa bắt đầu làm rất căng, sau đó tôi lại từ từ nói cho nó nghe, cảm xúc của nó đã thả lỏng xuống, kết quả nó không kiểm soát được liền tè cả ra quần.

Để cho trẻ nhỏ hiểu rõ lỗi lầm ở đâu chứ không được lưu lại cảm xúc lúc bị xử phạt

Sau khi tôi dạy dỗ đứa cháu như vậy thì nó biết là không được dùng thói nóng giận để uy hiếp người lớn. Tôi xử phạt xong thì đi ra, chị gái lập tức tiến đến. Cho nên mọi người phải cùng phối hợp diễn thật tốt vở kịch giáo dục này thì hiệu quả mới đáng kể. Chị gái lập tức bước đến tiếp chiêu, vừa mới bước đến, bởi vì đứa bé vừa bị xử phạt xong thì bắt đầu nhõng nhẽo, muốn đến sà vào lòng mẹ để được mẹ ôm ấp. Chị gái tôi liền đẩy nó ra và nói:

– Con vừa mới mắc lỗi ở đâu? Con tự nói đi!

Sau đó đứa bé này lại sà vào chị, chị rất kiên trì lôi nó ra nói:

– Vừa mới phạm lỗi ở đâu? Con tự nói ra đi!

Nhất định phải làm cho nó hiểu rõ được lỗi lầm ở chỗ nào chứ không để cho nó lưu lại cảm xúc ở chỗ bị phạt. Sau khi nó nói xong rồi vẫn chưa đủ, còn bảo nó rằng:

– Con đi xin lỗi cậu đi!

Phải làm thật tốt khâu kết thúc thì toàn bộ quá trình giáo dục mới viên mãn, như vậy mới có thể thu được kết quả thật tốt.

Trong nhà phải có vai diễn khiến cho con cái kính sợ

Ngày mùng một Tết xử phạt xong, ngày mùng hai Tết tôi cùng cha mẹ và cháu ngoại đi leo núi. Kết quả trong quá trình leo núi, tôi đi phía trước, đứa cháu chạy lên nắm lấy tay tôi. Cho nên, trẻ nhỏ không ghi nhớ oán giận, chúng rất rõ ràng ai phạm lỗi, chỉ là chúng bướng bỉnh, chẳng qua là do tập khí của mình mà thôi. Khi chúng có lỗi mà quý vị xử phạt chúng thì từ trong tâm chúng sẽ tôn kính quý vị. Cho nên, cậu bé sợ tôi nhất, sau này chỉ cần lúc có tôi ở đó, cậu bé sẽ đặc biệt có quy củ, ăn uống xong còn rất có lễ phép nói với tôi:

– Thưa cậu, con ăn xong rồi ạ.

Trong nhà nhất định phải có vai diễn để cho con trẻ có thể kính sợ, chính là vai phản diện, như vậy con trẻ mới biết được giữ quy củ. Tôi hồi tưởng lại khi chúng tôi còn nhỏ cha tôi trách mắng chúng tôi thế nào. Khi hành vi cử chỉ của chúng tôi không quy củ thì ánh mắt cha vừa trừng một cái thì chúng tôi lập tức biết được phải ngay ngắn lại. Cho nên, ở trong nhà phải có sự phối hợp thật tốt để đóng vai phản diện, vai chính diện. 


MỤC LỤC TOÀN SÁCH

CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ