4. DẠY DỖ CON TRẺ BIẾT TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO
Một ngày làm thầy, cả đời làm cha
Người thời xưa vô cùng tôn kính đối với Thầy giáo, một ngày làm thầy, cả đời làm cha, chúng ta nhìn thấy người xưa đối với tang lễ của Thầy giáo đều là giữ tang ba năm, giống như với cha mẹ. Cho nên thời xưa mối quan hệ thầy trò và mối quan hệ cha con là như nhau. Khổng Lão Phu Tử cả đời dạy học, khi Ngài qua đời thì học trò của Ngài vô cùng cảm niệm ân đức của Lão sư, nên mới dựng một cái lều ở bên cạnh mộ của Khổng Tử, chỉnh tề nghiêm cẩn mà thủ hiếu ba năm. Trong đó có một học trò thủ hiếu suốt 6 năm, ông chính là Tử Cống. Bởi khi Phu Tử qua đời, đúng lúc Tử Cống đang ở nước khác để làm ăn, đến khi ông về nhà thì tang lễ đã kết thúc rồi, Tử Cống cảm thấy vô cùng áy náy, sau khi thủ hiếu được 3 năm, tự mình lại tăng thêm 3 năm nữa, chỉnh tề nghiêm cẩn mà thủ hiếu được 6 năm. Học trò thời xưa tôn kính Lão sư như thế, lúc nào cũng không quên những hành vi dạy dỗ của Lão sư, đáng được kẻ làm học trò hiện nay như chúng ta nỗ lực học theo.
Bản chất lễ nghi của thời xưa là thành tựu tâm cung kính cho học trò
Trẻ nhỏ thời xưa muốn đến trường tư thục học tập, trước hết nhất định người cha phải đưa con đến trước Thầy giáo để hành lễ bái sư. Nghi thức lễ bái sư là người cha ở phía trước, người con ở phía sau, trước tiên đối trước tranh hoặc tượng của Khổng Lão Phu Tử mà hành lễ ba lần quỳ chín lần khấu đầu [1]. Sau khi lễ lạy xong thì thỉnh mời Lão sư lên ngồi, cũng là người cha ở phía trước, người con ở phía sau, lại hành lễ ba lần quỳ chín lần khấu đầu với Lão sư. Trẻ nhỏ trước lúc năm, sáu tuổi, người mà chúng tôn kính nhất là cha mẹ, bởi vì trẻ cái lúc này khi mở miệng đều là “Ba mình nói, mẹ mình nói“; khi đi học ở trường thì biến thành “Thầy giáo nói, cô giáo nói“; khi lên học cấp hai rồi thì đổi thành “Bạn mình nói“. Cho nên, ở mỗi một giai đoạn trong quá trình trưởng thành của trẻ nhỏ, chúng ta làm cha mẹ thì phải làm cha mẹ thật tốt, làm thầy cô thì phải làm thầy cô thật tốt, như vậy mới có thể cắm được thật sâu gốc rễ cho thái độ làm người chính xác của con trẻ. Trong quá trình hành lễ bái sư này, người cha mà trẻ nhỏ tôn kính như vậy mà lại hành ba quỳ chín khấu đầu với Thầy giáo, một cái lễ lạy này đối với trẻ nhỏ có ảnh hưởng sâu xa như thế nào? Tâm cung kính của chúng đối với Thầy giáo sẽ đạt đến chỗ cực điểm.
Một người muốn thành tựu học vấn thì nhất định phải dùng tâm thành kính để cầu học, Ấn Tổ có một câu giáo huấn rất quan trọng: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Lễ nghi thời xưa đều có ảnh hưởng mang tính sâu xa trong đó, hiện nay chúng ta chỉ nhìn thấy tính biểu tượng của Lễ nghi mà không hiểu rõ ý nghĩa và bản chất của Lễ nghi. Từ năm đầu tiên khi tôi đi dạy học, có một học sinh quên mang theo sách, bà nội của bé đã sáu mươi, bảy mươi tuổi rồi mà còn phải giúp cháu mang sách gửi đến trường. Phòng học của chúng tôi ở tầng bốn, bà cụ leo lên tới nơi thì thở không ra hơi, lúc bà cụ đang thở hổn hển, vừa khéo đúng lúc gặp chúng tôi, bà cụ lập tức hướng về chúng tôi cúi chào cung kính 90 độ, bà cụ nói:
– Chào Thầy Thái!
Cái cúi chào cung kính này hạ xuống đã làm cho tôi ấn tượng rất sâu sắc, từ đó chữ “Thầy” này đã đè nặng lên đôi vai tôi. Một cụ già có thể thành kính với thầy giáo, cung kính cúi chào chúng tôi như vậy thì chúng tôi không được có lỗi với bà cụ.
Tại thời khắc đó, tôi thể hội một cách sâu sắc về trách nhiệm nặng nề trên con đường dài, không dạy dỗ học sinh cho tốt thì thật có lỗi với con cháu đời sau của gia đình người ta. Đột nhiên tôi cảm thấy rằng các vị Thầy thời xưa, ngồi ở đó mà nhận người ta lễ nghi ba lần quỳ chín lần khấu đầu thì cảm giác như thế nào? Như ngồi trên đệm bằng kim vậy. Vì sao vậy? Một người đọc sách, ngay cả ý niệm chiếm tiện nghi của người còn không có, huống chi là nhận đại lễ của người ta như thế, vậy thì lại càng kinh hồn bạt vía! Vì sao các bậc cha mẹ thời xưa phải làm như vậy? Chủ yếu là muốn thành tựu tâm cung kính cho học trò. Chúng ta hiểu rõ điểm này thì có thể cảm nhận được người thầy thời xưa thật sự chẳng đơn giản. Sau khi họ tiếp nhận sự lễ lạy này rồi thì điều họ suy nghĩ từng giờ từng phút chính là: nếu mình không dạy tốt con cái của người ta thì làm sao để báo đáp lại được đại lễ mà cha mẹ họ đã dành cho ta đây? Từ trong mối quan hệ thầy trò thời xưa, chúng ta cũng có thể hiểu rõ được tình cảm thầy trò, đạo nghĩa ân nghĩa của thầy giáo đối với học trò, cũng có thể nhìn thấy ân nghĩa của học trò đối với thầy giáo.
Ân nghĩa Thầy Trò, vạn cổ lưu truyền
Thời nhà Minh có vị trung thần tên là Tả Trung Nghị Công, một năm nọ ông đảm nhận chức quan chủ khảo của kì thi Tiến sĩ. Tả Trung Nghị Công lúc nào cũng suy nghĩ phải vì đất nước mà tiến cử nhân tài, cho nên buổi chiều trước kì thi, ông đã thay y phục để ra ngoài đi tuần, mặc quần áo bình dân đi đến một ngôi chùa ở gần kinh thành để khảo sát. Vì sao ông lại không đến tửu lầu (quán rượu) để tìm kiếm? Bởi vì người ở tửu lầu là những người có tiền, những thí sinh này từ nhỏ đã siêng chơi biếng làm, có thể thi đậu được chăng? Rất khó. Tả Trung Nghị Công đi đến một ngôi chùa để tuần tra xem xét, nhìn thấy một thư sinh đang nằm gục trên bàn mà ngủ, ông liền đi đến bên cạnh thư sinh này, cầm lấy bài văn của thư sinh này vừa mới viết để xem. Tả Công xem xong bài văn, cảm nhận sâu sắc được người đọc sách này là một người trung thành đối với đất nước, một người có sứ mệnh đối với nhân dân. Tả Công rất hoan hỉ, tiện tay cởi áo choàng của mình mà đắp lên người trẻ tuổi này, người trẻ tuổi này tên là Sử Khả Pháp.
Sau kỳ thi, lúc chấm thi thì Tả Công nhìn thấy một thiên văn chương, lập tức liền cảm nhận được là người nào viết. Làm sao chuẩn xác như thế? Bởi vì văn chương cũng là từ trong nội tâm của một người mà lưu lộ ra ngoài, có thể từ trong văn chương mà cảm nhận được khí tiết, chí hướng của họ. Tả Công đã xếp thí sinh viết ra thiên văn chương này đứng đầu bảng, Sử Khả Pháp quả nhiên thi đậu trạng nguyên. Sau khi thi đậu, những học trò có trên bảng đều phải đi bái quan chủ khảo làm thầy, Sử Khả Pháp liền đi bái phỏng Lão sư và Sư mẫu. Vừa bước vào cửa, Thầy Tả Công liền nói với Phu nhân rằng:
– Sau này người kế thừa chí nghiệp của ta, không phải là con trai ta mà là cậu học trò này.
Khi Tả Công nhìn thấy Sử Khả Pháp đến bái phỏng ông, thì trong tâm rất hoan hỉ, bởi vì ông đã giúp tuyển được tài năng rường cột cho nước nhà. Người đọc sách thời xưa không sợ bản thân không có con nối dõi, mà là sợ không thể tiếp tục truyền xuống đạo đức học vấn của Thánh nhân; bản thân không có con nối dõi chỉ là ảnh hưởng đến một nhà, còn đạo đức học vấn không có người truyền thừa thì có thể ảnh hưởng đến con cháu đời sau. Cho nên trong tâm của họ lúc nào cũng suy nghĩ phải vì đất nước mà tiến cử người tài.
Tả Công và Sử Khả Pháp cùng làm quan trong triều, cùng cống hiến cho triều đình. Những năm cuối triều Minh, hoạn quan lên nắm quyền, Tả Công bị loạn thần hãm hại, giam vào trong ngục, phải chịu những hình phạt tàn khốc nặng nề, đôi mắt bị miếng sắt nung nóng cho bỏng, cẳng chân dưới đầu gối cũng bị cắt đi mất. Sử Khả Pháp lòng như lửa đốt, đã đi cầu xin lính cai ngục, những binh lính này cũng bị cảm động bởi tâm hiếu của ông với Thầy, nên khuyên ông nguỵ trang giống như người dọn rác, trà trộn vào trong lao ngục.
Sử Khả Pháp bước vào lao ngục, khi ông nhìn thấy tình trạng toàn bộ thân thể của Thầy, không nén được nỗi đau mà khóc thất thanh, đổ sụp xuống trước mặt Thầy. Mặc dù mắt Tả Công không mở ra được nhưng đôi tai vẫn còn nghe được, ông nghe thấy âm thanh của Sử Khả Pháp thì vô cùng cảnh giác, dùng cả hai tay của ông để banh cho mắt mở ra, mắt sáng như đuốc khi nhìn thấy Sử Khả Pháp. Ông nói:
– Con là thân phận thế nào? Con là rường cột của đất nước, làm sao có thể để bản thân bị rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm như thế? Để cho những kẻ loạn thần tặc tử kia hại chết con, chi bằng để ta bây giờ đánh chết con còn hơn.
Nói xong, Tả Công nhặt lấy viên đá ở bên cạnh mà ném về phía Sử Khả Pháp, Sử Khả Pháp nhìn thấy Thầy mình tức giận như vậy thì nhanh chóng rời đi. Tại sao Tả Công lại nổi giận như vậy? Ông rất lo sợ cho an nguy của học trò, lo sợ tiền đồ của đất nước bị ảnh hưởng, cho nên dù cho thân của ông bị rơi vào trong đau khổ tuyệt vọng, nhưng niệm niệm không vì chính mình, mà là vì đất nước, vì học trò của mình mà suy nghĩ.
Học trò tốt ắt sẽ y giáo phụng hành
Sử Khả Pháp đảm nhận chức vụ quan trọng của đất nước, cũng thường dẫn theo binh lính đi ra ngoài tuần tra ở biên giới. Lúc ông dẫn theo binh lính ra ngoài thì đều không ngủ trên giường mà để cho binh sĩ chia thành ba đội, luân phiên cùng với họ lưng tựa lưng mà nghỉ ngơi và trực đêm. Binh sĩ nhìn thấy không cam lòng nên nói với ông:
- Đại nhân, thân thể ngài như thế sẽ không chịu đựng được đâu.
Sử Khả Pháp đã nói với các binh sĩ:
– Nếu như ta đi ngủ mà đúng lúc kẻ địch đến xâm phạm, làm cho đất nước bị tổn thất, thì ta sẽ có lỗi với đất nước, cũng lại có lỗi với Thầy của ta.
Thầy đã dạy dỗ ông phải niệm niệm vì đất nước, ông thật sự không dám quên lời dạy. Cho nên, báo đáp cho Sư trưởng, quan trọng nhất chính là phải y giáo phụng hành.
Mỗi lần Sử Khả Pháp về đến quê hương, việc đầu tiên không phải là về nhà, mà là đến nhà của Lão sư, mặc dù Lão sư không còn nữa, nhưng còn có Sư mẫu, còn có con cháu đời sau của Lão sư, ông đều dốc hết toàn lực mà phụng dưỡng chăm sóc.
Từ trong câu chuyện này, chúng ta cảm nhận được tình nghĩa Thầy trò thời xưa, khiến cho nội tâm của chúng ta cảm động sâu sắc. Chúng ta phải nhìn thấy người hiền nên sửa mình, ở trong đời này gặp được vô cùng nhiều trưởng bối giáo huấn cho chúng ta, giúp đỡ chúng ta, chúng ta cũng phải lập thân hành đạo, hoạch định thật tốt cuộc đời của chính mình.
[1] Tam quỳ cửu khấu 三跪九叩