CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ

9. DẠY DỖ CON TRẺ LỄ NGHI CƠ BẢN

Lễ là khoảng cách tốt đẹp nhất giữa người với người

Chúng ta đem mối quan hệ giữa người và người điều chỉnh thành một chữ “Nhượng” (讓) , “nhường nhịn ắt có dư, tranh giành ắt chẳng đủ[1], người với người chung sống với nhau phải có thể lễ nhượng, đó là khoảng cách tốt đẹp nhất giữa người với người. Khi bạn gặp một người bạn rất có lễ phép, cảm nhận của bạn như thế nào? Rất dễ chịu, rất hoan hỉ, cho nên Lễ này là khoảng cách rất tốt đẹp giữa người với người. Dù cho người có thân thích thế nào đi chăng nữa, hoặc giả là vợ chồng, cha con, cũng phải nên lấy Lễ để đối xử với nhau, đừng vì quá thân mà không tôn trọng họ. Ví dụ như ngay cả việc không gõ cửa mà bước vào, một lần, hai lần họ có thể chấp nhận, nhiều lần như vậy liệu sẽ như thế nào? Có thể oán khí sẽ tăng lên. Cho nên, người có thân thích thế nào đi chăng nữa cũng phải tôn kính, cũng phải lấy Lễ để đối xử với nhau, duy trì khoảng cách tốt đẹp này. Khi con trẻ từ nhỏ đã biết lấy Lễ để đối xử với nhau thì chúng sẽ trở thành một người có chừng mực, cho nên học Lễ vô cùng quan trọng.

Lễ cùng đạo lý là tương thông

Toàn bộ giáo huấn của “Đệ Tử Quy” lấy Lễ làm sợi dây xuyên suốt, cung kính đối với cha mẹ chính là “Nhập tắc Hiếu“, là Lễ; “Xuất tắc Đệ” là anh em thương yêu đùm bọc, tôn kính trưởng bối, cũng là Lễ. Phần “Cẩn“, phải yêu tiếc đồ vật, cũng phải để đồ vật ở vị trí cố định; không được lãng phí thức ăn, “với ăn uống, chớ kén chọn”, đây là dùng thái độ lễ phép để đối xử với thức ăn. “Phàm nói ra, tín trước tiên” cũng là ngay trong lời nói của chúng ta phải có lễ phép với người, nói lời ra rồi thì không thể không làm, nếu không chính là vô cùng thất tín, thất lễ. Ở trong “Nhạc Kinh” cũng đề cập đến “Lễ là sự sắp đặt của trời đất vậy” [2], cho nên, chữ “Lễ” của lễ phép cùng với đạo lý là tương thông. Tục ngữ nói: “Có lý thì đi khắp thiên hạ” [3], chính là ngay trong người với người có quy luật vô cùng tự nhiên, chúng ta không được vượt qua quy luật này, nếu không thì sẽ phát sinh va chạm xung đột, “Phiếm ái chúng” cũng là thái độ của lễ phép.

Có Lễ thì nơi nơi đều kết thiện duyên

Có một lần, khi tôi ở trên thang máy, tôi vừa bước vào thang máy thì phía sau cũng có một người bước vào, là một người phụ nữ tuổi cũng tầm tuổi mẹ tôi, tôi mỉm cười rồi chào hỏi bác ấy:

– Chào bác, xin hỏi bác muốn lên tầng mấy ạ?

Nếu khi bạn bước vào thang máy, có một người mỉm cười với bạn và nói: “Xin hỏi bạn lên tầng mấy?”, cảm nhận của bạn như thế nào? Rất dễ chịu, có thể cả ngày hôm đó tâm trạng đều rất tốt, cho nên không thể không dạy lễ phép. Sau khi tôi chào hỏi bác này xong, bác ấy cũng rất hoan hỉ, sau đó thì tôi tiếp tục giới thiệu bản thân với bác ấy, tôi nói:

– Chào bác, cháu tên là Thái Lễ Húc.

Bác ấy nói:

– Chào cháu, bác là Trượng Mẫu Nương.[4]

Bác ấy nghe thành tôi là con rể nhà họ Thái (Thái nữ tế). Tôi bắt đầu trò chuyện với bác, trong lúc nói chuyện thì tôi phát hiện ra con gái của bác ấy là bạn học cấp 3 với tôi, từ trong đây cũng thể hội được ngạn ngữ xưa thường nói: “Có duyên ngàn trùng cũng gặp lại” [5].

Khổng Tử nói: “Không học lễ, lấy gì lập thân” [6], có lễ phép mới có thể đứng vững ở trong quần chúng. Chúng ta rất hoan hỉ khi người khác chào hỏi chúng ta, cũng như vậy, nếu như chúng ta chịu chủ động chào hỏi người khác thì người khác cũng sẽ rất hoan hỉ giống vậy. Chúng ta hi vọng xã hội tốt hơn, hi vọng giữa người với người có thể tôn trọng lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, phải nên bắt tay làm từ đâu? Tuyệt đối không phải yêu cầu người khác làm trước. Tôn trọng lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau là kết quả, nguyên nhân là từ chính bản thân chúng ta chủ động tôn trọng người khác, chủ động chăm sóc người khác mà bắt đầu làm ra. Tin rằng phong khí chăm sóc và tôn trọng giữa người với người sẽ hình thành rất nhanh, sẽ chuyển đổi rất nhanh.

Học lễ phép quan trọng hay là điểm số quan trọng

Tôi thường hay hỏi với phụ huynh và học sinh:

– Học lễ phép quan trọng, hay là kéo từ 98 điểm lên 100 điểm là quan trọng?

Phụ huynh đều nói:

– Học lễ phép quan trọng!

Xin hỏi các bậc phụ huynh hiện nay, những việc mà họ đang làm là điều phía trước, hay là điều phía sau? Là điều phía sau. Rõ ràng đều cảm thấy học Lễ phép là quan trọng, nhưng trên thực tế cũng là chỉ ép vào kết quả thi cử của con trẻ, vấn đề rốt cục là ở chỗ nào? Là vì mong con trẻ thành rồng. Mà điểm số của con trẻ được nâng lên rồi  thì có thể thành rồng được không? Cuộc đời của con trẻ có hạnh phúc mĩ mãn được không? Rất nhiều vấn đề cũng cần chúng ta phải suy xét thật sâu sắc, sử dụng trí huệ để phán đoán thì mới có thể phán đoán được chính xác.

Tôi tin rằng rất nhiều bậc phụ huynh đều đang đẩy con cái về hướng điểm số, sau đó đợi khi con cái tốt nghiệp đại học rồi, rất có thể ngay cả năng lực xưng hô với người khác cũng không có, thậm chí là không cần nói đợi đến khi tốt nghiệp Đại học, rất nhiều sinh viên Đại học đi học mấy tháng đã bị trường đuổi học, vì sao vậy? Năng lực chung sống với người cũng như năng lực sinh hoạt độc lập quá thiếu sót. Hai loại năng lực này đều sẽ ảnh hưởng đến cả đời của con trẻ, mà 98 điểm với 100 điểm chỉ cách nhau có 2 điểm, liệu có ảnh hưởng đến cả đời của chúng không? Không! Chúng ta hiểu rõ điều này thì mới suy xét thật sâu sắc, mới có thể làm cho một đứa trẻ thật sự học được thái độ và quan niệm chính xác trong cuộc đời.

Trẻ nhỏ học Lễ thì tuyệt đối không đần độn

Trẻ nhỏ học Lễ có đần độn không? Tuyệt đối không đần độn! Trẻ nhỏ được học Lễ sẽ biết được nơi nơi tôn trọng người khác, vì người mà suy nghĩ, đầu óc càng linh hoạt. Người hiện nay đang có sự hiểu lầm về khái niệm “hoạt bát“, thế nào gọi là hoạt bát? Không ngồi yên nổi 3 giây, đó gọi là hoạt báo sao? Thỉnh thoảng chúng tôi xếp hàng ở sân bay, rất nhiều trẻ nhỏ đứng cũng không yên, ở đó cứ đụng tới đụng lui, hành khách phía sau còn nói:

– Những đứa trẻ này thật là hoạt bát!

Đó là hoạt bát sao? Đó gọi là tuỳ tiện, không có gia giáo. Hoạt bát thực sự là chủ động trong suy nghĩ, nơi nơi đều vì người mà suy nghĩ, cho nên người học Lễ tuyệt đối không phải là học đần độn.

Cuộc đời không có Lễ sẽ tăng thêm rất nhiều trở ngại

Người không học Lễ thì cuộc đời của họ sẽ tăng thêm rất nhiều trở ngại, bởi vì một khi thất lễ thì người ta sẽ không giúp đỡ họ, thậm chí còn chướng ngại họ. Nếu chúng ta mọi lúc mọi nơi đều rất lễ phép với người khác thì sẽ tăng thêm rất nhiều trợ lực giúp đỡ chúng ta.

Người hiện nay có biết rõ chừng mực giao tiếp giữa người với người không? Tại sao rất nhiều người làm việc rất thuận lợi mà chúng ta làm việc lại xuất hiện rất nhiều vấn đề? Những điều này đều không phải là ngẫu nhiên. Bình thường khi bạn nơi nơi có Lễ phép thì bạn đã tích luỹ được rất nhiều thiện duyên; khi chúng ta thất lễ nơi lời nói và hành vi thì sẽ hình thành rất nhiều trở ngại, trở ngại này sẽ bắt đầu xảy ra khi bạn đi làm việc.

Học Lễ nhất định phải học từ nhỏ

Mỉm cười là ngôn ngữ mang tính quốc tế, thậm chí có thể tương thông. Nhưng nếu từ bé trẻ nhỏ không có thiện ý đối với người, bỗng nhiên bạn kêu chúng cười thật tươi thì rất khó khăn; muốn cung kính cúi chào người khác thì cúi xuống cũng phải thật chân thành, cũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Cho nên học Lễ nhất định phải học từ nhỏ.

Có một đứa bé mới hơn 4 tuổi, chúng tôi dạy cho bé: khi mọi người ăn cơm cùng một bàn, sau khi mình ăn xong rồi, nếu muốn rời khỏi bàn trước thì nhất định phải nói với những người cùng bàn rằng: “Mời mọi người từ từ dùng bữa ạ”, sau đó mới rời khỏi. Động tác này có quan trọng không? Con người là đoàn thể cùng ở với nhau, tuyệt đối không thể nói một người tự sinh sống một mình. Trong đời sống quần chúng, Lễ nghi của bạn càng đầy đủ thì chung sống với người càng không dễ xảy ra va chạm. Nếu hôm nay bạn ăn cơm với đồng nghiệp, bạn ăn xong trước, không nói lời nào mà đã bỏ đi thì sẽ rất thất lễ. Để cho con cái từ nhỏ dưỡng thành thói quen lúc nào cũng có thể xưng hô chào hỏi với người, điều này rất quan trọng với chúng, chúng lúc nào cũng sẽ nghĩ đến cảm nhận của người khác.

Trong trường mẫu giáo của chúng tôi, mỗi người thầy người cô cùng với trẻ nhỏ đều làm như vậy, đến khi sẽ hình thành phong khí thì mọi người đều sẽ làm rất tốt. Cho nên, mỗi lần thầy cô giáo đứng dậy đều cúi chào các bạn nhỏ rồi nói: “Mời mọi người từ từ dùng bữa”, các bạn nhỏ đều cười rất thích thú, nhìn thấy người lớn đều phải làm giống như chúng thì trong lòng rất khâm phục. Nếu bạn chỉ yêu cầu chúng làm mà bạn không làm thì khi bạn không ở đó, chúng có thể sẽ không làm nữa. Cho nên nhất định phải lấy thân làm gương, làm ra tấm gương cho trẻ nhỏ xem. Có một ngày sau khi dùng cơm tối, chỉ còn lại một bạn nhỏ còn chưa ăn xong, bạn nhỏ này mới bốn, năm tuổi. Sau khi ăn xong, bé đứng dậy và đối trước bàn ghế mà nói: “Mời mọi người từ từ dùng bữa ạ”. Thầy cô giáo nghe thấy đều cùng cười, chúng ta cũng nhìn thấy bản tính tự nhiên của đứa bé. Một người cầu học vấn, vừa bắt đầu không phải là học linh hoạt, mà là trước hết học thành thật, cậu bé thành thật như vậy, sau này nhất định sẽ y giáo phụng hành.

Lễ nghi cúi chào cung kính

Ở Thâm Quyến, chúng tôi dạy những đứa bé học tập lễ nghi văn hoá truyền thống này, để cúi chào cung kính cho thuần thục thì học mất hai, ba tháng. Các vị đừng xem nhẹ việc cúi chào này, khi cái lưng này của trẻ nhỏ thật sự có thể cúi xuống rồi, sau khi cúi được thật chân thành thì tâm cung kính của chúng sẽ xuất ra được. Học vấn của bậc Thánh Hiền quan trọng nhất chính là “chủ kính tồn thành“, thời thời cung kính, thời thời chân thành, đây gọi là nền tảng học vấn chân thật. Cúi chào cung kính cũng phải chú ý đến khoảng cách, cách khoảng hai bước chân, sau đó mới cúi chào trưởng bối. Lúc cúi chào cũng phải nói lời chào hỏi: “Cháu chào chú ạ!“, toàn bộ động tác phải làm cho người khác thật dễ chịu. Ngoài việc cúi sâu và chào hỏi ra thì cũng phải chú ý đến ánh mắt. Trước khi cúi chào phải nhìn vào chú, sau đó mới nói: “Cháu chào chú ạ!. Sau khi cúi chào xong cũng phải nhìn lại một chút, đây chính là lễ nghi cúi chào cung kính với người.

Lễ nghi chào hỏi

Người trưởng thành gặp mặt thì nên chào hỏi thế nào? Bạn xem bộ phim “Thương Gia” của Hàn Quốc, vừa gặp mặt thì như thế nào? “Xin chào!“. Cảm giác đó dễ chịu làm sao! Vừa bước vào cửa nhà người ta, “sắp vào cửa, hỏi có ai”, nhất định trước hết hỏi:

– Trong nhà có ai không ạ? Tôi là Thượng Ốc (Sang-wok) đây ạ.

Hỏi như vậy để cho người trong nhà đều biết, sau đó lại trả lời cho bạn. Người trong nhà nói:

– Xin hãy chờ một chút.

Họ liền đứng ở đó chờ, nơi nơi chung sống với người đều có chừng mực. Cho nên người học Lễ thì sẽ biến thành một người biết có chừng mực khi giao tiếp với người.

Lễ nghi khi đi làm khách

 Khi thăm hỏi người khác, lễ nghi gõ cửa, phải gõ mấy tiếng? Gõ ba tiếng, hơn nữa không được gõ quá gấp gáp, nếu không người ở trong phòng sẽ bị bạn làm cho căng thẳng. Đúng lúc họ lại đang còn bận làm việc khác, nhất thời không thể ra mở cửa, trong tâm của họ sẽ càng căng thẳng hơn, cho nên gõ cửa cũng phải nhẹ nhàng một chút, gõ ba tiếng là được rồi.

Lễ nghi tiếp đãi khách ở nhà

Khi khách đến nhà, phải chủ động hỏi:

– Xin hỏi cô / dì / chú / bác tìm ai ạ?

Nếu là tìm bác thì các bạn nhỏ phải “liền gọi thay”, nhanh chóng chạy đi tìm bác cho họ, để cho người khách chờ lâu quá thì không tốt. Nếu người bác không ở đó, “người không có, mình làm thay”, thì phải nói với người khách là:

– Bác của cháu không có ở đây ạ, xin hỏi cô / dì / chú / bác có nhắn nhủ gì không ạ?

Đó gọi là không có việc thì không lên điện Tam Bảo, người ta đến tìm ắt có việc.

Còn phải dạy con trẻ sắp xếp giày dép, nhất định là thuận theo hướng mà người khách vừa bước đến mà sắp xếp, phải làm cho người khách lập tức có thể thuận tiện xỏ dép vào mà bước đi. Tâm nhân ái thực hiện từ chỗ nào? Mọi lúc mọi nơi vì người mà suy nghĩ.

Người khách vừa bước vào cửa, thì trẻ nhỏ phải nói:

– Thưa Dì, cháu mời Dì ngồi, để cháu đi rót nước cho Dì ạ.

Sau đó thì thật cung kính rót một ly nước rồi nói:

– Dì chờ một chút ạ, cháu đi mời mẹ cháu đến.

Có một người mẹ khi tiếp khách, thường hay cắt một đĩa trái cây mời khách ăn. Có một hôm bà không có ở nhà, mà trong nhà có khách đến chơi, bà có một đứa con đang học tiểu học cũng đi chuẩn bị một đĩa trái cây mời khách ăn. Đó gọi là trên làm dưới noi theo, chúng ta biểu diễn thật tốt thì vô hình trung con trẻ cũng đang học tập, noi theo.

Khi một đứa trẻ đã có sự đối ứng như vậy từ nhỏ thì sau này bạn để cho nó làm việc sẽ rất yên tâm. Đừng xem nhẹ những lễ tiết này, chúng đại diện cho những sự việc mà con trẻ sẽ đối diện, nhất định là từ đầu tới cuối xử lý thông suốt không bị rối. Khi chúng có thể như vậy thì tâm của chúng sẽ không dễ nóng nảy. Cho nên, thông qua loại lễ nghi đời sống này cũng là đang nuôi lớn sự tu dưỡng của con trẻ.

Lễ nghi tiếp khách ở trường và ở công sở

Lúc ở trường học, trẻ nhỏ nhìn thấy Thầy cô giáo của lớp kế bên đi đến thì chúng đứng ở đó mà hét lên lớn tiếng:

– Thưa Thầy, Thầy giáo lớp kế bên tìm Thầy.

Như vậy không phù hợp với thái độ lễ phép, phải nên hướng dẫn các em nhất định trước hết nói:

– Thưa Thầy, Thầy đợi một chút, em đi mời thầy giáo của chúng em qua ạ.

Sau khi nói với Thầy giáo lớp kế bên như vậy rồi, còn phải tự mình dẫn Thầy giáo đến nữa. Thật ra khi trẻ nhỏ đang thực hiện lễ nghi chính là đang dần dần bồi dưỡng tính nhẫn nại, bình tĩnh ở trong quá trình thực tiễn lễ nghi này.

 Ở trong công ty, nếu có người đến tìm đồng nghiệp hoặc tìm ông chủ, hầu hết mọi người sẽ làm thế nào trong tình cảnh này? Ví dụ như đối phương muốn tìm quản lý, mà quản lý lại đang trong cuộc họp, họ sẽ nói:

– Ông ấy ở bên trong, anh chị có thể tự đi vào.

Người khách đi vào mở cửa ra thì sẽ xuất hiện tình huống gì? Rất khó xử, cũng rất thất lễ. Đối diện với tình cảnh như thế này, phải nên trước hết mời khách ngồi xuống, rót một ly nước mời họ uống, “Tôi đi vào trước để xem Quản lý có bận hay không, xin anh/chị chờ cho một chút ạ“. Bạn đi xin gặp quản lý một chút rồi lại đến nói với họ:

– Có thể phải mời anh/chị lại chờ thêm 10, 20 phút nữa.

Trong tâm người khách cũng có con số rồi.

Khổng Tử nói: “Không học lễ, lấy gì lập thân”, người không biết Lễ nghi rất khó đứng vững trong xã hội, đoàn thể. Tôi từng nghe nói có một vị chủ quản xí nghiệp, có một lần tiếp đãi một vị khách người Quảng Đông. Tiếp đãi người khách Quảng Đông nhất định phải chọn thức ăn gì? Đương nhiên chọn thức ăn của Quảng Đông. Ông ấy dẫn theo mấy nhân viên đi cùng, những nhân viên này là người Hồ Nam, người Hồ Nam thích ăn thức ăn cay nồng hơn. Dụng ý của vị chủ quản khi đưa nhân viên đi cùng là muốn họ giúp đỡ chăm sóc người khách, kết quả họ không những không giúp ông chăm sóc người khách, còn thảo luận đồ ăn quá khó ăn. Vừa đúng lúc có một đĩa thức ăn đặc biệt cay, họ vừa nhìn thấy liền rất hưng phấn, cũng không mời người lớn, người khách ăn trước, liền lập tức chuyển món ăn đến trước mặt, bắt đầu cùng ăn. Vị chủ quản này nhìn thấy, nhanh chóng chuyển thức ăn đến trước mặt người khách, kết quả chẳng bao lâu, họ lại chuyển đĩa thức ăn quay lại. Vị chủ quản này rất bất lực, hiện nay những người trẻ tuổi này ngay cả những lễ nghi căn bản này cũng không biết, cũng không có tâm nơi nơi vì người suy nghĩ, đây cũng là tự tư.

Nếu quý vị mong sau này con cái của quý vị có thể nhận được sự đánh giá cao của các nhà doanh nghiệp thì lễ nghi là một môn không thể không học. Khi ông chủ mang theo bạn đi thì sẽ cảm thấy nhẹ người, bởi vì họ có thể chăm sóc khách hàng rất thoả đáng, biết khi nào thì rót trà, khi nào thì giúp gắp thức ăn, ông chủ đương nhiên muốn sử dụng họ. Lễ nghi tiếp khách chính là phải làm cho người ta có cảm giác khách đến như thấy về nhà mình. Vậy mới là một tập thể hoà khí, chỉ cần hoà khí thì sự việc sẽ có thể làm được thuận lợi thành công. Mà việc học tập lễ nghi này cũng phải dựa vào phụ huynh và thầy cô giáo nhắc nhở trong đời sống mọi lúc mọi nơi, điều này phải có tính kiên trì.

Lễ nghi khi tiễn khách

 Bất luận là tiễn người lớn hay là khách đều phải đợi khi họ rời đi rồi thì chúng ta mới đi. Người thời xưa khi tiễn trưởng bối, tiễn Sư trưởng, đúng là làm đến được “đợi người đi, hơn trăm bước”, đều là nhìn thấy trưởng bối đã rẽ lối khác hoặc là nhìn không thấy bóng nữa thì mới rời khỏi. Tôi đến Úc để học tập, buổi chiều Sư trưởng giảng bài xong thì chúng tôi cùng nhau tiễn Sư trưởng trở về nơi Ngài ở, mỗi lần tôi đều đứng ở đó đợi đến khi Sư trưởng đã tiến vào trong phòng rồi thì tôi mới rời khỏi. Những đồng học khác thấy rất kì lạ nên hỏi tôi:

– Tại sao anh cứ đứng ở đó thế?

Tôi nói với họ:

– Đợi người đi, hơn trăm bước.

Thật ra khi chúng ta đang thực tiễn câu nói này thì nội tâm thật là hoan hỉ không gì sánh được. Bởi vì trong quá trình tiễn Sư trưởng thì trong đầu tôi không ngừng hiện lên: cuộc đời chúng ta nếu như không gặp được Sư trưởng, trí huệ không khai mở thì không đoạn được phiền não. Bởi có sự giáo huấn từng chút từng chút một của Sư trưởng nên chúng ta mới có được sự trưởng thành vượt bậc như vậy trong cuộc đời. Cho nên, nhìn vào trong quá trình tiễn Sư trưởng là hàm chứa một tấm lòng cảm ân, trân quý nhân duyên Thầy trò như vậy.

Có một số phụ huynh đến tìm Thầy cô giáo, đến khi về thấy Thầy cô cứ đứng ở đó đợi họ đi xa thì trong lòng họ cảm nhận được sự tôn trọng của Thầy cô đối với họ. Khi bạn thật chân thành làm ra những hành vi có lễ phép này thì sẽ thường khiến cho lòng người sinh cảm động và hoan hỉ. Có một lần, tôi tiễn mấy người bạn, khi tôi tận mắt tiễn họ rời khỏi thì phát hiện chiếc váy của một cô giáo bị kẹt ở ngoài cửa xe, tôi lập tức gọi điện thoại cho cô ấy, cô ấy mới kéo váy khỏi chỗ bị kẹt, trong lòng cô ấy cũng rất cảm động, tại sao vậy? Bởi vì chúng ta là tận mắt tiễn họ “đợi người đi, hơn trăm bước” thì mới nhìn thấy chiếc váy của cô ấy bị kẹt ở ngoài cửa xe. Chúng ta dạy người khác làm việc gì, chính mình nhất định cũng phải làm được.

Lễ nghi khi ăn cơm cùng trưởng bối

Trẻ nhỏ hiện nay chỉ cần đến bàn ăn là lập tức ngồi xuống, cũng không nhìn xem trưởng bối đã ngồi xuống hay chưa. Khi trẻ nhỏ nơi nơi chỉ nghĩ đến bản thân thì sẽ không thấy được tâm cung kính của chúng. Từ nhỏ đã không có tâm cung kính, xin hỏi sau này lớn lên có thể lập tức sinh tâm cung kính hay không? Rất khó! Cho nên, hiện nay muốn tìm được một đứa trẻ rất có lễ phép thật chẳng dễ. Ở trường Mẫu giáo Thâm Quyến lấy Văn hoá truyền thống để dạy trẻ nhỏ, khi đi ra bên ngoài đều sẽ làm cho mọi người nhìn chăm chú. Bởi vì ở trên đường chúng gặp trưởng bối đều cung cúng cúi chào 90 độ, có một số đứa trẻ tuổi nhỏ còn cúi xuống quá đến 120 độ, đầu đều chạm vào gối. Những người đi trên đường ở bên cạnh nhìn thấy đều tỏ vẻ rất kinh ngạc, ánh mắt rất tán thán, trẻ nhỏ hiện nay mà còn có cung kính với trưởng bối như vậy, thật là tuyệt vời.

“Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng; Người lớn trước, người nhỏ sau”, khi ăn uống, nhất định là người lớn ngồi trước, ăn trước, người nhỏ ngồi sau, ăn sau mới đúng. Khi chúng ta và trẻ nhỏ cùng ăn cơm với nhau, trẻ nhỏ cũng phải giúp đỡ người lớn gắp thức ăn. Có một đứa trẻ được đưa đến trường Mẫu giáo đọc kinh mới có hai tuần. Có một ngày cậu bé ăn cơm cùng người nhà, vừa bắt đầu dùng cơm thì cậu gắp thức ăn cho ông nội, bà nội. Vốn dĩ ông nội, bà nội còn chưa đồng tình lắm với văn hoá truyền thống, nhưng động tác này của đứa trẻ đã làm cho họ nhìn ra được hiệu quả giáo dục dù mới có hai tuần. Cho nên họ mới dần đần có thể tiếp nhận dùng văn hoá truyền thống để nâng cao thái độ làm người xử thế của đứa trẻ.

Lễ nghi chỗ ngồi

Chỗ ngồi có chính phụ, vị trí chính là vị trí dành riêng cho người trong gia đình ngồi. Cho nên trẻ nhỏ biết chỗ ngồi nào phải nên nhường cho trưởng bối ngồi. Thông thường chỗ ngồi ở đúng vị trí đối diện với cửa là vị trí chính, trẻ nhỏ đã học qua đều là nhường vị trí chính ra, khi Thầy cô giáo vừa bước đến, trước tiên chúng sẽ đứng dậy, đợi thầy cô giáo ngồi xuống rồi chúng mới ngồi xuống. Có một ngày tôi từ Hàng Châu trở về, vừa bước vào cửa, bọn trẻ đều đứng dậy, khi tôi ngồi xuống vị trí chính rồi thì thấy bọn trẻ bắt đầu di chuyển bàn, tôi mới hỏi:

– Tại sao các con lại di chuyển bàn?

Bọn trẻ nói:

Thưa Thầy, cái bàn có vân gỗ, vân gỗ này hướng về vị trí chính là không có lễ phép ạ.

Cho nên, chúng vừa nhìn thấy tôi ngồi xuống thì di chuyển bàn để những vân gỗ không chĩa vào tôi. Bạn xem tâm cung kính, tâm tỉ mỉ, năng lực quan sát của trẻ nhỏ đã từng chút một như vậy mà nâng cao lên.

Lễ nghi khi tiếp điện thoại

Tiếp điệp thoại cũng phải nên chú trọng lễ nghi, ví dụ như trẻ nhỏ tiếp điện thoại, trước hết nhất định phải chào hỏi đối phương:

– A lô, cháu chào chú ạ, chú cho cháu hỏi chú tìm ai ạ?

Đối phương nếu như là tìm cha thì trẻ nhỏ phải nói:

– Dạ xin chú chờ cháu một chút, cháu đi gọi ba cháu đến ạ.

Lớn gọi người, liền gọi thay”, phải đi tìm cha, đương nhiên nhanh chóng đi để báo cho cha biết; “người không có, mình làm thay”, khi cha không ở đó thì phải nói với trưởng bối rằng:

– Thưa chú, ba cháu không có ở đây, chú có việc gì không ạ? Liệu cháu có thể chuyển lời lại cho ba cháu được không ạ?

Hoặc là:

– Thưa chú, nếu là việc thật sự gấp, chú có thể trực tiếp quay số điện thoại của ba cháu, để cháu đọc cho chú số điện thoại của ba cháu, xin chú ghi lại ạ.

Đây là đem sự việc làm được thật viên mãn, phải làm thật tốt công việc kết thúc.

Lễ nghi khi bắt tay

1. Thứ tự khi bắt tay

Hiện nay trong rất nhiều trường hợp đều là dùng hình thức bắt tay để làm lễ tiết khi gặp mặt, mà bắt tay phải nên ai đưa tay ra trước thì phù hợp với lễ nghi hơn? Khi trưởng bối bắt tay với vãn bối, phải để trưởng bối đưa tay ra trước, vãn bối đưa tay ra sau; khi cấp trên bắt tay với cấp dưới, phải là cấp trên đưa tay ra trước, cấp dưới đưa tay ra sau; đàn ông bắt tay với phụ nữ, phụ nữ đưa tay ra trước, đàn ông đưa tay ra sau. Nếu như quý vị đến công ty người khác để gặp chủ tịch thì khi chủ tịch còn chưa đưa tay ra, quý vị đưa tay ra nói: “Chào ông! Chào ông!”, đối phương không biết rõ quý vị là ai thì sẽ không đưa tay ra, có phải là quý vị đã khó xử rồi chăng? Cho nên, đối diện với người có chức quyền thì phải để họ đưa tay ra trước rồi chúng ta mới đưa tay ra, không được đảo lộn thứ tự này.

 2. Thái độ khi bắt tay

Gặp bạn bè muốn bắt tay, trước hết ánh mắt chúng ta phải nhìn vào đối phương. Nếu quý vị bắt tay với người ta, miệng thì nói “Chào bạn! Chào bạn!” mà ánh mắt lại nhìn đi nơi khác, lúc này đối phương sẽ cảm thấy tâm hồn quý vị để đâu đâu, không có thành ý.

Ngoài điều đó ra, còn phải chú ý dùng sức khi bắt tay, lực không được quá mạnh, nếu không thì người ta bắt tay sẽ thấy rất đau.

Vị trí bắt tay cũng phải chính xác, rất nhiều người khi bắt tay, chỉ đưa tay chạm vào người ta một chút, như vậy chứng tỏ không có thành ý.

Thời gian bắt tay cũng không được quá lâu, hai bên hỏi thăm nhau xong rồi thì phải nên thả tay ra. Đặc biệt, đàn ông lúc gặp phụ nữ xinh đẹp thì điểm này càng không được phạm lỗi.

Lễ nghi khi giới thiệu khách với chủ

Sau khi hai bên bắt tay xong, phải giới thiệu lẫn nhau. Thứ tự trong lễ nghi giới thiệu rất linh hoạt, vừa đúng ngược thứ tự với bắt tay. Bắt tay là trưởng bối đưa tay ra trước, vãn bối mới đưa tay ra, nhưng lúc giới thiệu lẫn nhau, trước hết phải giới thiệu vãn bối với trưởng bối, giới thiệu cấp dưới cho cấp trên, giới thiệu đàn ông cho phụ nữ, như vậy mới phù hợp với lễ nghi giới thiệu khách với chủ. “Lễ là thứ tự của trời đất” [7], Lễ và trời đất đều là cùng có thứ tự và quy luật rất tự nhiên.

Lễ nghi khi đưa và nhận danh thiếp

Trong quá trình giới thiệu, có khả năng người ta sẽ đưa danh thiếp cho quý vị, cho nên đưa danh thiếp và nhận danh thiếp cũng phải chú ý. Đưa danh thiếp như thế nào? Không được mang cả túi danh thiếp ra, họ một cái, bạn một cái, như vậy sẽ làm cho người ta có cảm giác gì? Không đủ tôn trọng người. Một người không tôn trọng người khác, kì thật cũng là không tôn trọng chính mình, tục ngữ nói là “tự chuốc lấy nhục”. Một tấm danh thiếp đó là đại diện cho con người của quý vị, làm sao quý vị có thể phát tuỳ tiện như vậy được! Cho nên, lấy một tấm danh thiếp ra thì nên cầm hai tay đưa qua, hơn nữa khi đưa qua, phải để mặt chính của danh thiếp xoay về hướng người bạn. Nếu quý vị đưa ngược chiều, họ cũng phải xoay trở lại để xem, những chi tiết nhỏ nhặt này cũng đều lưu lộ ra quý vị có phải là nơi nơi vì người mà nghĩ hay không. Lúc nhận danh thiếp thì nhất định trước tiên phải xem cho hết nội dung danh thiếp rồi mới có thể cất danh thiếp đi, không được để danh thiếp vừa nhận đến tay, chưa kịp xem đã lập tức cất đi, hành vi như vậy là rất không tôn trọng đối phương.

Gọi người lớn, chớ gọi tên, không chỉ là đối với người lớn như thế, mà đối với cấp trên, đồng nghiệp cũng phải nên “nhìn thấy ai cũng nhân từ như nhau[8]. Nếu họ là tổng giám đốc hoặc là trưởng phòng thì chúng ta lấy chức vụ để xưng hô với họ, thể hiện sự tôn kính, họ sẽ cảm thấy rất hoan hỉ. Cho nên, trước hết quý vị nhất định phải nhìn thật kỹ Họ trong Họ tên rồi nói:

– Trưởng phòng Trần, xin chào ông!

Quý vị không được để xảy ra việc nhận danh thiếp mà ngay cả Họ của người ta là gì quý vị cũng không nhìn rõ, thì lúc ngồi xuống trò chuyện rồi, đột nhiên nghĩ đến, lại phải lấy ra thì trông rất khó xử.

Nhận danh thiếp cũng phải nên đặt ở đâu? Đặt ở trong ví. Rất nhiều người sẽ trực tiếp đặt ở trên bàn ăn, nếu như trong quá trình ăn uống, đồ ăn thức uống sẽ vấy bẩn, đối phương nhìn thấy thì liệu họ có làm ăn với quý vị nữa không? Có hợp tác với quý vị nữa không? Quý vị thiếu tôn trọng đối với danh thiếp của người ta như thế, khiến cho ấn tượng của họ không tốt. Mà chúng ta nơi nơi có lễ thì lưu lại cho người ta ấn tượng thật tốt, giữa người với người sẽ bắc được một cây cầu kiều hữu nghị.

Dạy Lễ phải để cho trẻ nhỏ luyện tập trong thực tế

 Trong việc dạy Lễ nghi, có một số phương pháp rất hay, chính là trực tiếp để học sinh thao tác thực tế, các em sẽ làm được rất có hứng thú. Ở ngay trong việc tiễn khách, chúng tôi hướng dẫn trẻ nhỏ đi cảm nhận cảm giác của người khách một chút. Chúng tôi tìm hai bạn nhỏ, một bạn đóng vai chủ nhà, một bạn đóng vai người khách, khi tiễn khách ra đến cửa thì bảo các bạn nhỏ nói lời tạm biệt rồi lập tức đóng cửa lại, tất cả các bạn nhỏ đều cười ồ lên. Tiếp theo chúng tôi lại mở cửa ra, mời bạn nhỏ đóng vai người khách này lại, hỏi cậu ta:

– Chủ nhà vừa mới chào tạm biệt con, con đã lập tức đóng cửa lại, con có cảm nhận như thế nào?

Bạn nhỏ nói:

– Giống như là họ hận sao con không đi nhanh lên vậy, lần sau con không đến nữa.

Cho nên, chúng ta tiễn khách cũng phải làm cho người ta có cảm nhận khách đến chơi như về nhà, có được sự tôn trọng vậy.

Thông qua việc thực tiễn như thế, chúng ta để cho con trẻ đi thể hội cảm giác thực tế của người khác. Lại tiến một bước, dạy cho chúng phải nên tiễn khách như thế nào mới làm cho người ta cảm thấy thật dễ chịu. Lúc này phải dùng một loại phương pháp thảo luận, là cho học trò tham gia vào việc dạy học. Học trò nói phải nên tiễn đến cửa thang máy, chúng ta sẽ hỏi, nếu không có thang máy thì phải làm như thế nào? Thì phải nên tiễn đến chỗ góc cua của cầu thang bộ, đến khi nhìn không thấy khách nữa thì mới quay về. Chúng ta cho trẻ nhỏ tự thân đi thao tác học tập nghi lễ tiễn khách chính là bồi dưỡng đức hạnh lễ phép cho trẻ nhỏ.

Lễ nghi là nơi nơi phải dựa vào sự dụng tâm của chính mình để học tập

Lễ nghi trong đời sống nơi nơi đều phải vậy, chúng ta ở nhà cũng vậy, hoặc là trường hợp ở nơi công cộng cũng vậy, đều phải dặn dò trẻ nhỏ tuân thủ lễ nghi. Ví dụ lúc chúng ta đang đợi thang máy thì phải nên làm thế nào? Nhất định phải nghĩ rằng, thang máy vừa dừng lại thì người bên trong nhất định sẽ đi ra, cho nên chúng ta phải đứng ở hai bên cửa thang máy mới không làm trở ngại đến người khác. Nơi nơi lưu tâm đều là học vấn, giáo dục đời sống nơi nơi đều là như thế, nhất định chúng ta phải ở ngay trong đời sống mà rộng học, dụng tâm học tập mới có thể thành tựu được học vấn chân thật của chính mình.

Người với người chung sống cũng phải học nhẫn nhượng

Đối với người lớn và thầy cô giáo, nhất định phải lấy Lễ để đối đãi; đối với học vấn cũng phải cung kính đối đãi, gọi là “một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Bản chất của lễ chính là tâm cung kính, mà tâm cung kính chính là thiện vốn có của chúng ta, chính là chân tâm của chúng ta. Chúng ta không những phải học lễ nhượng, mà còn phải học tập nhẫn nhượng trong quá trình chung sống với người. Chữ “nhẫn“(忍) ở đây là chữ hội ý, phía trên là một cái dao (刀), dưới là một bộ tâm (心), đại biểu cho công phu nhẫn phải đạt đến cảnh giới nào? Người ta cầm dao đâm vào ngực bạn, bạn cũng phải như như bất động. Thực tế ngược lại không phải thực sự đâm lưỡi dao sắc nhọn vào trong tim bạn, lưỡi dao sắc nhọn này giống như những lời nói sắc bén của người khác, rất nhiều sự chê cười, huỷ báng dành cho bạn, lúc này bạn phải nhẫn được xuống. Bởi vì chúng ta hiểu rõ một số phản ứng cảm xúc này đều là tạm thời nên chúng ta không được tính toán với họ, phải nên có thái độ bao dung.

Phải có một tấm lòng khoan thứ

Có một câu cách ngôn có nói: “Lấy tâm tha thứ chính mình để tha thứ cho người khác, ắt sẽ bảo toàn được tình bạn; lấy tâm trách người để trách mình, ắt sẽ ít lỗi“. Thật ra rất nhiều thái độ chỉ cần chuyển đổi trong một niệm thì có thể sẽ từ địa ngục mà bay lên thiên đường, người đồng tâm đó, tâm đồng lý đó. Mỗi ngày chúng ta khoan thứ cho chính mình bao nhiêu lần? Rất nhiều lần. Có thể là người khác vừa phạm sai lầm thì chúng ta đã không thể khống chế nổi cảm xúc, không thể tha thứ cho người khác. Khi chúng ta chuyển một góc độ khác, dùng tâm khoan thứ chính mình để khoan thứ người khác thì người khác chung sống với chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu, không có áp lực. Cho nên có thể bảo toàn được tình bạn, có thể kết giao được rất nhiều bạn bè. Chúng ta đem lỗi lầm của người khác làm thành một cái gương, dùng thái độ như vậy để kiểm tra, yêu cầu chính mình, đức hạnh phải nâng cao thật nhanh, cho nên cho thể ít lỗi. Thứ quan trọng nhất ngay trong việc nhẫn nhượng chính là phải có một tấm lòng khoan thứ.

Tử Cống đã từng hỏi Khổng Tử rằng:

– Thưa Thầy, có chữ nào có thể phụng hành cả đời được không?

Phu Tử đã đưa ra một chữ “Thứ“(恕) của khoan thứ, thật ra ý nghĩa của chữ Thứ với chữ Nhân (仁) của Nhân ái là bao hàm lẫn nhau. Thứ là “như cái tâm ấy“, phía trên là chữ Như (如) phía dưới là một bộ Tâm (心), chính là nơi nơi từ góc độ của đối phương mà suy nghĩ thì rất nhiều xung đột tự nhiên sẽ hoá giải. Người với người tiếp xúc rất thường xuyên, chúng ta có thể nhẫn nhượng thì vô hình trung có thể chuyển hoá được lửa giận đấu tranh. Tục ngữ nói: “Nhẫn một lúc thì gió yên sóng lặng, lùi một bước thì biển rộng trời cao”, thật ra trong khi nhẫn nhượng, chúng ta cũng đang mở rộng tâm lượng, cũng làm được lý phục người, tâm mới phục, đã thức tỉnh được tâm hổ thẹn của đối phương. Mà con người lúc nổi giận lên thì thường hay bị cảm xúc hoá, đợi khi họ bình lặng lại rồi thì mới cảm thấy thiếu sót. Cho nên một chữ nhẫn này, nhẫn ra được đức hạnh của bản thân, cũng nhẫn ra được tâm hổ thẹn của đối phương, hơn nữa lại giữ gìn được mối quan hệ giữa hai bên.

Bất luận duyên phận là người thân hay là bạn bè cũng không được thay đổi, mối quan hệ nhiều năm không được vì một lời nói mà khiến cho tâm nguội lạnh, kết quả mối quan hệ nồng ấm mất hết, vậy thì không được. Khi chúng ta và bạn bè phát sinh mâu thuẫn thì phải nghĩ đến lời nhường nhịn, tức giận mất, nhất định phải nhẫn được cảm xúc, nhẫn được cơn giận, khoan thứ cho đối phương. Khi chúng ta dùng tấm lòng và lời nói khoan thứ đối xử với bạn bè thì bạn bè sẽ như tắm trong gió xuân, chính là chẳng có việc nào sung sướng như vậy, cũng sẽ lập tức mây tan khói hết.

[1] Nhượng tắc hữu dư, tranh tắc bất túc. 「讓則有餘,爭則不足」

[2] Lễ giả, thiên địa chi tự dã 「禮者, 天地之序也」

[3] Hữu lý tẩu biến thiên hạ 「有理走遍天下」

[4] Trượng Mẫu Nương: trong tiếng Hoa còn có nghĩa là Mẹ vợ nhà họ Trượng. Có thể ý bác này muốn nói bác ấy là mẹ vợ của nhà họ Trượng, sau khi nghe nhầm thầy Thái giới thiệu tên Thái Lễ Húc thành Thái nữ tế (con rể nhà họ Thái)

[5] Hữu duyên thiên lý lai tương hội 「有緣千里來相會」

[6] Bất học Lễ, vô dĩ lập .「不學禮,無以立」

[7] Lễ giả, thiên địa chi tự dã 「禮者,天地之序也。」

[8] Nhất thị đồng nhân 一視同仁


MỤC LỤC TOÀN SÁCH

CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ