24. CON TRẺ DỄ NỔI NÓNG THÌ PHẢI LÀM SAO?
Trẻ nhỏ dễ nổi nóng là kết quả, nguyên nhân là ở đâu?
Con người nổi nóng, phát cáu, đây là kết quả, chúng ta phải tìm ra được nguyên nhân của việc nổi nóng, phát cáu thì mới có thể tuỳ bệnh cho thuốc. Con người ở những tình huống nào sẽ phát cáu? Khi người khác khinh thường, ngạo mạn với mình hoặc mình không có tâm cung kính với người khác, nhìn người không thuận mắt, cơn giận liền nổi lên. Cho nên, muốn để cho trẻ nhỏ không giận không cáu thì từ nhỏ đã phải trưởng dưỡng tâm cung kính của trẻ nhỏ. Chúng ta xem thấy bậc Thánh Triết thời xưa, đối với trưởng bối của mình đều trọn phần cung kính, làm sao có thể nổi nóng được chứ!
Còn có một nguyên nhân khiến cho con người phẫn nộ, sân hận, chính là tâm ganh ghét đố kỵ. Tâm ganh ghét đố kỵ chính là không nhìn nổi người khác tốt hơn mình. Khi nhìn thấy người khác tốt hơn mình thì sẽ phẫn nộ, sân hận người khác, căn nguyên này cũng là từ nhỏ không mở rộng tâm lượng của trẻ nhỏ mà tạo thành, cho nên từ nhỏ trưởng dưỡng tâm cung kính của trẻ nhỏ, mở rộng tấm lòng của trẻ nhỏ là vô cùng quan trọng.
Một đứa trẻ có không có tâm tham lam thì nó sẽ không có tâm thái “người khác có, mình không có”, đương nhiên sẽ không dễ nổi nóng. Một đứa trẻ biết lễ nhượng cũng không dễ nổi nóng, còn được người lớn đặc biệt yêu quý, bởi vì nó rất hiểu chuyện.
Tại sao trẻ nhỏ hiện nay dễ nổi nóng? Bởi vì chúng ta giúp chúng làm việc quá nhiều rồi, chúng cũng đều xem đó là lẽ đương nhiên, khi chúng ta không làm tốt, chúng lập tức sẽ nổi nóng. Có đứa bé mười mấy tuổi, mẹ nó mỗi ngày đều giúp nó rót nước vào bình đựng nước để cho nó mang theo lên trường uống, tính ra mười năm như một ngày. Đột nhiên có một ngày giúp nó chuẩn bị nước trễ một chút xíu, khi nó nhận lấy bình nước thì nói với mẹ rất hung dữ:
– Con mà muộn học đều là do mẹ hại đấy, sao mà chậm chạp thế!
Việc bản thân nó đáng nên làm, người khác làm thay nó, nó cũng xem đó là lẽ đương nhiên, không có tâm cảm ân. Cho nên, cha mẹ phải cẩn thận, quý vị cho chúng quá nhiều tài vật, từ nhỏ chúng đã xa xỉ, cảm thấy trưởng bối cho chúng tiền là đáng nên thế, do đó quý vị lúc nào cũng thoả mãn dục vọng không cùng tận của chúng thì cũng đến lúc phải gặp phiền phức rồi.
Phát cáu sẽ có kết quả thế nào?
Phát cáu sẽ có kết quả thế nào? Phật pháp nói: “Tâm khởi một niệm sân, lửa thiêu rừng công đức” [1], vừa nổi cơn giận lên, tất cả tu hành đều bị lửa sân thiêu sạch sẽ. Sau khi phát cáu phải mấy ngày mới có thể bình phục trở lại? Ba ngày. “Tâm khởi một niệm sân, trăm vạn cửa chướng mở” [2], không chỉ là có ảnh hưởng không tốt đối với chính mình, mà cũng sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt đối với người khác.
Có một người cha, con của ông tính khí rất không tốt, ông đã nói với con:
– Mỗi lần con nổi nóng, thì đi ra sân sau rồi đóng lên cây cột gỗ một chiếc đinh.
Cậu con trai này vừa nổi nóng liền đóng một cái đinh, đóng được khoảng một tuần, cậu bé vừa nhìn thì thấy chằng chằng chịt chịt đinh ở trên, đột nhiên mới cảnh giác rằng: “Tính khí của mình hoá ra tệ vậy sao!” Dần dần đã biết được “quán xét tâm là quan trọng” [3], thời thời nhìn xem tâm của mình có lại sẩn khuể hay không, do vì độ nhạy cảm như vậy, tình trạng nổi nóng của nó dần dần giảm thiểu, sau này cuối cùng không nổi nóng nữa. Cha của cậu bé lại nói với cậu:
– Hôm nay, chỉ cần con không nổi nóng nữa, thì đến cột gỗ phía sau nhổ một chiếc đinh ra.
Cứ như vậy ngày qua ngày đinh nhổ hết, đến hôm nhổ hết đinh thì nó rất vui mừng, đã nói với cha:
– Cha ơi, con đã nhổ hết sạch đinh rồi.
Người cha dẫn con trai đến sân sau để xem, rồi nói với cậu:
– Mặc dù con đã nhổ hết đinh rồi, nhưng cây cột gỗ này có thể khôi phục lại hình dạng ban đầu được không?
Không thể nào, nó đã bị trăm nghìn vết thương rồi.
Tục ngữ nói: “Lưỡi dao sắc cắt thân còn lành sẹo, lời ác độc hại người hận khó tiêu”, chúng ta dùng dao rạch lên thịt một chút, chỉ cần một, hai tuần thì có thể hồi phục; khi chúng ta dùng lời nói sắc nhọn đối xử với người khác, nỗi đau đó của họ có thể cả đời cũng không có cách gì nguôi ngoai được. Bạn đã từng nghe sự việc vì bị người khác mắng mà đi tự sát hay chưa? Có! Cho nên, lời nói độc ác đôi khi còn sắc bén hơn cả đao kiếm. Do đó, người cha nói với cậu bé, mặc dù bây giờ con không nổi nóng nữa, nhưng những gì mà con nổi nóng trước đây, đã làm tổn thương rất nhiều người, đã gây ra rất nhiều chướng ngại trong mối quan hệ nhân tế của con. Sân khuể, nổi nóng đều không lợi đối với bản thân và đối với người khác, thứ này là thứ chẳng có lợi ích gì với cậu ta, vậy có còn nên tiếp tục làm nữa không? Đương nhiên không thể làm nữa. Biết là không được làm thì phải nghĩ biện pháp mà đối trị.
Làm sao đối trị sân khuể, nộ khí (bực tức)?
Làm sao đối trị sân khuể, nộ khí (bực tức)? Tôi ở một số nơi dạy học, đại bộ phận người đến nghe giảng không phải là người theo Phật giáo, có người đã nói, đi mua sắm, phải mua được cái gì đó đặc biệt mới làm cho cảm xúc dễ chịu được một chút; không thì phải ăn ngấu nghiến gì đó; hoặc là phải gọi điện thoại cho bạn bè dốc bầu tâm sự một chút. Tôi nói với họ, quý vị gọi điện thoại cho người ta dốc bầu tâm sự, bản thân quý vị dễ chịu hơn rồi, nhưng đâu có khác gì quý vị mang rác rưởi đổ vào người khác. Bực tức lên mà mua rất nhiều đồ để ăn, những đồ mà quý vị mua đó có phải là thức ăn rác rưởi không? Cái này rất bất lợi với sức khoẻ. Thật ra mua rồi còn khổ hơn, bởi vì còn phải tiêu tiền. Mà phương pháp tốt nhất chính là một câu Phật hiệu, cơn bực tức vừa khởi, nhanh chóng niệm “A Di Đà Phật“, quán tưởng Phật quang đang chiếu vào thì sẽ không bị phát bực tức nữa.
Chúng ta thâm nhập chữ Hán, không thể không bội phục trí huệ của tổ tiên xưa. Chữ 怒 “Nộ”, chữ này là chữ hội ý, bao gồm chữ 心 “Tâm” và chữ 奴 “Nô”, biểu thị cho khi nổi nóng lên thì tâm chính là nô lệ của tập khí. Làm sao chúng ta có thể làm nô lệ của tập khí được, há chẳng lẽ lại tự vùi dập chính mình sao? Cho nên, phương pháp đối trị sân khuể, là chuyển “Nộ”(怒) thành “Thứ”(恕) (tha thứ), hai chữ này có sai khác nhau nhiều không? Chỉ cần bỏ đi góc góc cạnh cạnh của chữ Nộ (怒) thì sẽ biến thành chữ Thứ (恕), phía trên là một chữ Như (如), phía dưới là một chữ Tâm (心), Như kỳ tâm (Như cái tâm đó). Người đồng tâm đó, tâm đồng lý đó. “Người trước bất thiện, không biết đạo đức, không có người dạy, cũng không trách được” [4], chúng ta phải bao dung họ, bởi vì họ không gặp được thiện tri thức, chúng ta có tâm bao dung khoan thứ thì sẽ có thể chuyển được “Nộ” thành “Thứ“, chuyển phẫn nộ thành từ bi.
[1] Nhất niệm sân tâm khởi, hoả thiêu công đức lâm 一念瞋心起, 火燒功德林
[2] Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai 一念瞋心起, 百萬障門開
[3] Quán tâm vi yếu 觀心為要
[4] Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả, thù vô quái dã
「先人不善, 不識道德, 無有語者, 殊無怪也」