CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ

8. CON TRẺ HAM MÊ CHƠI ĐIỆN TỬ THÌ PHẢI LÀM SAO?

Từ nhỏ kịp thời hướng dẫn “tiên nhập vi chủ”

Nơi ồn náo, không đến gần. Nơi ồn náo là ý nói những nơi lộn xộn ồn náo, khu vui chơi, trò chơi điện tử. Tục ngữ nói: vào chợ cá lâu ngày không ngử thấy mùi tanh”  [1], hoàn cảnh như vậy mà để cho trẻ nhỏ mắt thấy tai nghe lâu ngày thì sẽ bị ô nhiễm một số thói quen xấu như hút thuốc hay lạm dụng ma tuý, cho nên người làm cha mẹ nhất định phải để con trẻ từ nhỏ có sự cảnh giác với một số thói quen xấu này.

Có một người Thầy dẫn theo con của thầy đi trên đường, đứa bé mới có một, hai tuổi, mỗi lần đi qua một số nơi nhạy cảm, một số nơi chơi trò chơi điện tử, thầy đã nói với con trai: những nơi như thế này sẽ làm con người bị ô nhiễm, sẽ khiến người ta học cái xấu, tuyệt đối không được bước vào. Từ nhỏ đã giáo dục cho nó, sau này nó lớn lên, những nơi như thế, nó đi qua vừa thấy đều không muốn nhìn, điều này gọi là “tiên nhập vi chủ” [2]. Giáo dục đúng là phải ngăn chặn trước khi phát sinh[3], nhất định phải là khi chúng vẫn còn chưa dưỡng thành, còn chưa bị ô nhiễm thói quen xấu thì phải ngăn chặn, đây gọi là phương pháp phòng bị trước, cho nên độ nhạy cảm giáo dục của cha mẹ càng cao thì càng có thể nắm bắt được kỹ năng phòng bị.

Phòng tránh tương đối quan trọng

“Chớ nhập cảnh vô ích với thân tâm[4], hoàn cảnh môi trường mà không có sự trợ giúp đối với thân tâm thì không được đưa vào; chớ kết bạn vô ích với thân tâm[5], hoàn cảnh sẽ ảnh hưởng đến con người, giữa bạn bè cũng có ảnh hưởng lẫn nhau, cho nên đối với bạn bè khiếm khuyết về đức hạnh, cũng phải “cung kính nhưng cách xa[6], cách xa không phải là khinh nhờn đối với họ, mà là tránh làm đoạ lạc lẫn nhau; chớ xem sách vô ích với thân tâm, chớ nói lời vô ích với thân tâm, chớ làm việc vô ích với thân tâm[7], lời nói và hành vi của chúng ta, cho đến tất cả hoàn cảnh (môi trường), sách vở mà mình tiếp xúc, đều không được gây ra sự ô nhiễm trong nội tâm của chính mình, cho nên ngăn chặn sự ô nhiễm tâm tánh là tương đối quan trọng.

Chúng ta bước vào cổng chùa, nhìn thấy Tứ Đại Thiên Vương, Bắc Phương Đa Văn Thiên Vương trên tay cầm một cái dù, ý nghĩa chính là ngăn chặn ô nhiễm. Những người trưởng thành như chúng ta phải có sự cảnh giác cao độ, không chỉ phải ngăn chặn sự ô nhiễm tinh thần của hoàn cảnh xã hội đối với bản thân, mà còn phải bảo hộ tinh thần con cái của mình không bị sự ô nhiễm đó.  Đợi đến khi nền tảng đức hạnh của con cái cắm được vững vàng rồi, khi tiếp xúc trở lại với hoàn cảnh xã hội phức tạp như vậy, bạn mới có thể an tâm. Bởi vì chúng đã phân biệt được đúng sai, tốt xấu, thiện ác. Chúng ta phải hiểu rằng, ví như một ly nước trong, nhỏ một giọt mực xuống, có thể chưa đầy một phút đã nhanh chóng hoà tan vào trong nước sạch, nhưng chúng ta muốn tẩy sạch giọt mực ở trong nước thì cần thời gian bao lâu? Có thể là thời gian gấp mấy chục lần thời gian nhỏ xuống. Tục ngữ thường nói: “Chẳng thà cả đời không đọc sách, không thể một ngày gần tiểu nhân“, bạn xem sức mạnh của sự ô nhiễm lớn biết bao!

Môi trường là phương pháp tốt để “đổi con mà dạy” [8]

Chúng ta muốn cho con cái một môi trường trưởng thành thật tốt thì phải rộng kết thiện duyên, người thân bạn tốt có chí hướng giáo dục phải thường liên lạc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, như vậy cũng có thể đạt được hiệu quả của phương phápđổi con mà dạy. Chúng ta nói với trẻ nhỏ rất nhiều đạo lý làm người, trẻ nhỏ nghe nhiều rồi khó tránh khỏi việc sinh ra tâm khó chịu, nhưng khi những đạo lý này là từ trong miệng của chú, bác nói ra, trẻ nhỏ sẽ cảm thấy rằng “ngay cả chú ấy, bác ấy cũng nói như vậy, thì những lời cha mẹ mình nói phải là có đạo lý”. Chuẩn bị được môi trường tốt thì sẽ có sức mạnh giáo dục, nếu những người thân bạn bè của chúng ta có tầm nhìn về giáo dục như vậy, thì con cái chúng ta phước chẳng hề nhỏ, bản thân chúng ta cũng là phước dày không cùng tận.

Ham chơi đến mất hết ý chí, cũng sẽ hại chết người

Trong thời đại này, người làm cha mẹ phải đặc biệt cẩn thận, rất nhiều sản phẩm công nghệ cao mà lợi thì chưa thấy nhưng đã chịu hoạ hoạn rồi. Thói quen xấu của một người một khi đã dưỡng thành thì rất khó trừ bỏ, đó gọi là ham chơi đến mất hết ý chí” [9]. Chúng ta nhìn thấy rất nhiều trên báo chí, một số học sinh bởi vì lên mạng mà đến nửa đêm chẳng về nhà, kéo theo kết quả sinh ra những vấn đề gì? Học sinh hiện nay sớm tiếp xúc với internet như vậy, xin hỏi tinh thần học tập của học sinh có nâng cao lên được không? Không được! Bởi vì sức định của trẻ nhỏ còn chưa đủ, bạn lại lơ là không quan tâm đến tình hình lên mạng của chúng, chúng thường kết giao với một số bạn bè không tốt trên mạng. Trẻ nhỏ không có sức phán đoán, lại thiếu lý trí, cũng chưng từng học tập kinh điển, cho nên bạn bè trên mạng cho chúng một số lời ngon tiếng ngọt thì chúng sẽ có thể bước vào con đường sai lầm, cuộc đời lỡ một bước sẽ hận ngàn thu! Khi những sai lầm mà con trẻ đã phạm phải khó sửa chữa thì có thể khiến cha mẹ hối hận cả đời, cho nên không thể không cẩn thận.

Có một sinh viên Đại học ở Sơn Đông thường chơi game trên máy tính đến nửa đêm, cậu ta cũng là chơi trò chơi bắn giết lẫn nhau. Kết quả chơi đến sau cùng thần kinh không bình thường, thường hay cảm thấy có rất nhiều người muốn giết cậu ta. Cậu nói tình hình này với thầy giáo, thầy giáo cảm thấy không ổn nên nhanh chóng báo với cha đình của cậu. Cha mẹ cậu vội vàng đến muốn đón cậu về nhà, nhưng khi còn chưa kịp đến thì cậu học sinh này đã cầm dao ở trên đường chém bị thương rất nhiều người, trong đó có mấy người đã phải bỏ mạng. Cho nên, ham chơi đến mất hết ý chí, một sai lầm này diễn ra thôi thì cuộc đời đã bị huỷ hoại rồi.

Nuôi lớn năng lực phân biệt đúng sai, tà chánh cho con trẻ

Tại sao con trẻ lại buớc vào những nơi xa hoa phức tạp? Là vì trong tâm trống rỗng, không có mục tiêu cuộc đời. Còn có một vấn đề căn bản, đó là trẻ nhỏ không có năng lực phán đoán, không biết kết giao với bạn bè như thế nào, tiếp cận với hoàn cảnh môi trường như thế nào, làm việc như thế nào mới là đúng, mới có thể giúp đỡ cho cuộc đời của chúng. Con trẻ kết bạn với những bạn bè không tốt, đi vào những môi trường không tốt, căn nguyên ở chỗ con trẻ không biết phán đoán đúng sai thiện ác. Cha mẹ cũng rất lo lắng, rất lo sợ con cái kết bạn với bạn xấu, nhưng những sự lo lắng này có giúp gì được không? Không giúp gì được. Chúng ta phải nên nuôi dưỡng năng lực phân biệt đúng sai tà chánh cho con cái thì mới có thể giải quyết vấn đề từ trên căn bản. Năng lực phán đoán để phân biệt đúng sai tà chánh dưỡng thành từ khi nào? Nhất định phải cắm cho tốt cái gốc rễ đức hạnh cho chúng từ nhỏ, tự nhiên chúng sẽ không tiếp xúc với các bạn xấu, cũng không tiếp xúc với hoàn cảnh hỗn loạn.

Nuôi lớn tâm thiện của trẻ nhỏ

Một người gặp được bạn tốt hay là kết giao phải bạn xấu, đều có liên quan vô cùng lớn với đức hạnh của chính mình, chúng ta không được thuận theo phiền não của chính mình để suy nghĩ lo lắng mà là phải thuận theo lý trí và chân lý mà đối mặt. “Kinh Dịch” nói: “Loài tụ theo nơi, vật sống theo bầy[10]. Hiện tại hầu hết mọi người đều nói thành vật tụ theo loài, người sống theo bè[11], ý nghĩa chính là người thiện sẽ cùng người thiện ở cùng nhau, người ác sẽ hấp dẫn những bạn ác. Khi con cái chúng ta vô cùng thiện lương, xem trọng đức hạnh thì tự nhiên những bạn bè chiêu cảm đến chính là bạn tốt, cho nên chúng trước hết phải nên trưởng dưỡng tâm thiện của con trẻ, điểm này là quan trọng nhất.

Cháu ngoại của tôi mới hơn ba tuổi, chị gái tôi đã bắt đầu dạy cho nó đọc “Đệ Tử Quy”, lại giảng giải “Đệ Tử Quy” cho nó hiểu. Lúc nó bốn tuổi, mẹ đưa ra ngoài chơi với các bạn nhỏ khác, khi nó nhìn thấy các bạn nhỏ nói lời xấu với người khác hoặc động thủ đánh người thì sẽ kéo kéo mẹ mà nói: “Trẻ con không được đánh người, trẻ con không được mắng người”. Tại sao đứa trẻ con nhỏ như thế mà làm ra được phán đoán chính xác vậy? Bởi vì đã hướng dẫn nó học tập “Đệ tử quy” nên nó đã biết Hiếu là đúng, Hiếu là thiện, anh em thương yêu đùm bọc, tôn kính trưởng bối là thiện; nó biết bất hiếu, bất đễ, bất kính chính là ác; nó biết yêu thương người là thiện, hận người là ác, trẻ nhỏ tự nhiên sẽ phân biệt rõ ràng thiện ác.

Một người có đức hạnh thì họ sẽ thường giữ trong lòng ý niệm thiện, họ đến những môi trường “nơi ồn náo, chắc chắn là toàn thân không dễ chịu. Nếu bây giờ bảo tôi đi đến vũ trường đứng nghe một phút, nhất định tôi sẽ rất khó thở, sẽ rất đau đầu, bởi vì từ trường rất không tốt. “Vào trong vườn hoa lan, lâu ngày chẳng thấy mùi thơm[12], bạn đã tiếp nhận sự bồi dưỡng của giáo dục Thánh hiền rồi, những gì ở trong tâm, những gì bạn làm đều là thiện, nếu đặt bạn trong một hoàn cảnh bất thiện thì lập tức sẽ cảm thấy rất không dễ chịu, tự nhiên sẽ cung kính mà tránh xa, cho nên biết phân biệt rõ ràng thiện ác thì mới có lựa chọn chính xác. Nếu cha mẹ không bồi dưỡng đức hạnh cho con trẻ từ nhỏ thì con trẻ sẽ  không biết phân biệt rõ ràng thiện ác, đến khi lên cấp 2, cấp 3 gặp một số bạn bè không tốt thì lập tức sẽ bị ô nhiễm. Vạn pháp do nhân duyên sinh, một người kết giao với bạn bè không tốt, nguyên nhân là ở đâu? Thiện ác không rõ ràng. Duyên là gì? Duyên là bạn ác xuất hiện, mới kết ra quả ác. Người hiện nay thường chỉ chú trọng vào cái duyên này, mà không tìm đến nguyên nhân thật sự. Ngay trong mấy nghìn năm lịch sử, bao nhiêu là Thánh Triết đều là ở nơi loạn thế, nhưng họ đều có thể làm được đứng sừng sững chẳng lay động, bởi vì thước đo làm người ở trong tâm của họ đều là vô cùng rõ ràng, vô cùng minh bạch rồi. Nếu bạn cũng để cho nền tảng đức hạnh của con cái cắm xuống chắc chắn thì nửa đời sau của bạn mới có thể kê cao gối mà ngủ, cho nên quy hoạch cho cuộc đời phải lo xa nghĩ rộng.

Làm có chỗ không được, quay lại cầu chính mình [13]

 Tôi đã từng nhìn thấy một bài báo, là nói về một đứa bé phạm tội rất nặng, đồn cảnh sát gọi điện thoại thông báo về nhà cậu bé, mẹ cậu sau khi nghe điện thoại thì đã nói trong điện thoại rằng:

– Tuyệt đối không thể là con trai tôi, không thể nào! Con trai tôi không thể làm ra loại việc này đâu.

Sau đó bà đến đồn cảnh sát, lúc còn chưa bước vào đồn cảnh sát thì vẫn nghĩ: “Không thể nào, nhất định là trùng tên thôi“. Khi bà mở cửa ra, nhìn thấy người đang ngồi viết tờ trình chính là con trai của bà, bà lập tức liền nói: “Nó cũng là bị một nhóm bạn xấu lôi kéo thôi”. Một câu nói này của bà là muốn chối biến sạch sẽ trách nhiệm của con trai bà, như vậy có đúng không? Bậc Thánh Hiền dạy chúng ta: làm có chỗ không được, quay lại cầu chính mình, nếu như chúng ta không có thái độ như vậy, cả đời này phạm bao nhiêu lỗi cũng hoàn toàn không biết rõ, cuộc đời như vậy thật sự là sống không đáng mặt.

[1] Nhập bào ngư chi tứ, cửu nhi bất văn kì xú 「入鮑魚之肆,久而不聞其臭」

[2] Tiên nhập vi chủ: 先入為主。 cái gì vào trước thì sẽ làm chủ tể trong tâm

[3] Cấm ư vị phát chi vị dự 「禁於未發之謂豫」

[4] Vật nhập vô ích thân tâm chi cảnh 「勿人無益身心之境」

[5] Vật giao vô ích thân tâm chi hữu 「勿交無益身心之友」

[6] Kính nhi viễn chi 敬而遠之

[7] Vật triển vô ích thân tâm chi thư, vật ngôn vô ích thân tâm chi ngữ, vật tố vô ích thân tâm chi sự 「勿展無益身心之書,勿言無益身心之語,勿做無益身心之事」

[8] Dịch tử nhi giáo 易子而教

[9] Ngoạn vật tang chí 「玩物喪志」

[10] Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân 「方以類聚,物以群分」

[11] Vật dĩ loại tụ, nhân dĩ quần phân 「物以類聚,人以群分」

[12] Nhập chi lan chi thất, cửu nhi bất văn kì hương 「人芝藺之室,久而不聞其香」

[13] Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ 行有不得,反求諸己


MỤC LỤC TOÀN SÁCH

CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ