22. CON TRẺ LÀM VIỆC CẨU THẢ THÌ PHẢI LÀM SAO?
Khuyến khích trẻ nhỏ tự mình dùi mài, tự mình khích lệ là việc rất quan trọng
“Không sợ khó, chớ qua loa”. “Không sợ khó” chính là không được sợ khó khăn, phải dũng cảm gánh vác, phải dũng cảm mà cống hiến. “Trung Dung” có một câu giáo huấn rất quan trọng: “Người một lần được, ta trăm lần; người mười lần được, ta nghìn lần” [1], cũng chính là nói người ta làm một lần đã được, chúng ta ngu độn hơn thì làm một trăm lần cũng phải làm được; người ta làm mười lần đã làm được, chúng ta mặc dù phải làm một nghìn lần mới được, cũng phải có nghị lực mà làm. Nếu làm người đều giữ gìn được thái độ như vậy để đối diện với sự việc, thì “tuy ngu ắt sẽ rạng” [2], mặc dù ngu độn, chắc chắn cũng sẽ đại khai trí huệ. “tuy yếu ắt sẽ mạnh” [3], khi chúng ta đều dùng tâm thái như vậy để ứng đối sự việc, thì sẽ không bị bản thân đánh bại, hoảng sợ mà lùi bước. Mạnh Tử nói: “Thuấn là người như thế nào, ta lại là người như thế nào, chỉ cần chăm chỉ không biếng trễ mà làm, cũng có thể giống như Thuấn, được sự ủng hộ và kính ái của nhân dân trong thiên hạ” [4]. Cô giáo Dương Thục Phân cũng thường khuyến khích tôi rằng: “Việc người khác có thể làm được, ta nhất định cũng có thể làm được!”. Cho nên, làm người lúc nào cũng phải tự khích lệ chính mình, cổ vũ chính mình, điều này rất quan trọng!
Phải để cho con trẻ nhân việc sai sót cẩu thả mà gánh vác trách nhiệm
“Vật khinh lược” (chớ qua loa), chữ “khinh”(輕) ở đây là khinh thị (xem nhẹ), “lược” (略) là hốt lược (coi thường), đây là cảnh tỉnh chúng ta, làm việc không được thiếu thận trọng, khinh nhờn. Việc chú Lư không giúp con gái đưa vở ghi chép đến trường mới là thật sự yêu thương con mình, nếu như đưa cuốn vở ghi chép này lên thì sẽ có kết quả khác, con gái chú sẽ rất vui mà nói: “Ba ơi, ba thật là tốt! Có cầu tất ứng, thật đúng là Quán Thế Âm Bồ Tát”. Việc này đối với nội tâm của con trẻ sẽ biến thành như thế nào? Chỉ cần mình có việc thì đã mình có ba, có mẹ, có ông nội, có bà nội, mình còn có người giúp việc, chúng nghĩ đến chính là có rất nhiều người ủng hộ ở phía sau, lúc nào cũng có thể giúp cho chúng thu dọn tàn cuộc.
Chúng ta hiện nay nhìn thấy rất nhiều người trẻ tuổi, mới hai mươi tuổi đầu, bạn nghe thấy lời của họ thì sẽ tức muốn chết, đúng thật là Hoàng Đế chẳng vội thì Thái giám sốt ruột muốn chết. Tôi ở Hải Khẩu gặp được hai vợ chồng, họ thông qua rất nhiều mối quan hệ mới tìm được việc làm cho con trai, thế nhưng con trai của họ lại nói: “Được, con xem như nể mặt bố mẹ mà đi thử xem sao!” Còn có sinh viên đại học đang học thì bị đuổi học hai lần, kết quả bạn bè hỏi cậu ta phải làm sao? Cậu ta nói tôi cũng chẳng biết. Cũng là người sắp hai mươi tuổi rồi, đối với bản thân hoàn toàn không có tâm trách nhiệm.
Chúng ta giúp con trẻ thu dọn lỗi lầm của chúng thì chúng sẽ cảm thấy sau này đều có người trợ giúp chúng. Sau này chúng cưới vợ thì bạn phải chuẩn bị tiền cho chúng; chúng muốn mua nhà thì bạn cũng phải sắp xếp cho chúng. Bạn phải giúp chúng đến bao giờ? Cuộc đời như vậy sẽ mệt đến chết. Có thể lúc bạn nhắm mắt xuôi tay rồi, vẫn còn nghĩ giúp cho con cháu mua cái gì đó!
Vào năm 1920, có một đứa bé 11 tuổi, lúc chơi đá bóng thì làm vỡ cửa kính nhà người khác, phải bồi thường 20.5 đô-la Mỹ. Lúc đó 20.5 đô-la Mỹ có thể mua được 125 con gà mái đẻ trứng, số tiền này rất lớn. Cho nên cha của cậu bé nói với cậu:
– Việc này con phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, con phải tự kiếm tiền để trả nợ.
Kết quả đứa bé 11 tuổi này đã từ đó bắt đầu đi làm việc, kiếm được chút tiền nào đều mang về đưa cho cha, sau này sự nghiệp của cậu bé cũng rất có thành tựu, cậu bé chính là Tổng thống trước đây của nước Mỹ, tên là Reagan. Cho nên, khi bạn để cho trẻ nhỏ rèn luyện thì sẽ tăng trưởng thái độ chính xác và tâm trách nhiệm của trẻ nhỏ, lại tăng trưởng năng lực làm việc của chúng. Bồi dưỡng trẻ nhỏ phải dùng lý trí, không thể chỉ dùng tình cảm và dùng nuông chiều, điều này tương đối quan trọng!
“Không sợ khó”, khi người làm cha làm mẹ gặp sự việc gì cũng có thể có dũng khí mà đối mặt thì thái độ không sợ khó khăn đó sẽ dưỡng thành tín tâm và thái độ dũng cảm để chiến thắng khó khăn của trẻ nhỏ.
Từ việc nhỏ mà chỉnh đốn thói quen xấu “làm qua loa xong chuyện” của trẻ nhỏ
Ở phương diện giáo dục trẻ nhỏ, ví dụ như chúng ta kêu con trẻ lau nhà, con trẻ có thể sẽ có một cái tâm lý: “Ba mẹ kêu mình làm, mình sẽ đối phó một chút, mình còn phải nhanh để xem phim hoạt hình“. Khi trẻ nhỏ lần đầu tiên hứa với bạn làm việc, chúng là dùng thái độ đối phó và miễn cưỡng để làm. Nếu bạn không chỉnh đốn lại tư tưởng của chúng thì sau này chúng làm việc cũng sẽ cứ miễn cưỡng làm qua loa cho xong chuyện. Cho nên trẻ nhỏ làm việc có trách nhiệm hay không, có cẩn thận hay không, điều này cũng phải thông qua sự kiên trì của phụ huynh để theo dõi và giáo dục.
Lần đầu tiên để cho trẻ nhỏ quét dọn phòng khách, nhất định phải kiểm tra xem chúng quét có sạch sẽ hay không, bao quát cả các góc cạnh đều phải kiểm tra. Nếu vẫn còn bẩn thì chứng tỏ trẻ nhỏ làm việc sơ sài, không chỉ như vậy, cũng là chứng tỏ rằng trẻ nhỏ làm việc có đầu mà không có đuôi. Sau khi làm xong một sự việc, không được tự mình nghĩ rằng “mình làm được thật là tốt” mà phải nên chủ động mời cha đến để kiểm tra, mời cấp trên đến để xác định, đây mới là một thái độ có trách nhiệm. Nếu người cha sau khi kiểm tra rồi nói: “Con trai, hôm nay con vất vả rồi, quét cũng không tệ lắm, nhưng ở chỗ góc này quét cẩn thận một chút thì sẽ tốt hơn đấy”, trước hết khẳng định với con trai, sau đó lại chỉ ra những chỗ còn thiếu sót của con, phương pháp giáo dục như vậy thì có thể khiến cho con trẻ đều biết cung kính cẩn thận đối với tất cả người, tất cả việc, tất cả vật.
Đối người tiếp vật đều không được sơ sài qua loa
Khi chúng ta dùng tâm khinh nhờn mà xử sự đối người tiếp vật, chính là không cung kính đối với người, với việc, với vật, điều này đối với người tương tác với chúng ta mà nói, sẽ có cảm nhận rất không tốt. Thời xưa có thiên văn chương kể rằng, có một năm nọ gặp lúc nạn đói hoành hành, rất nhiều người đều gần như lâm vào ranh giới của chết đói, có một người đã lấy thức ăn, thái độ rất ngạo mạn mà nói với những người dân bị đói rằng:
– Lấy mà ăn!
Có một người đói rất có chí khí đã nói:
– “Không ăn đồ ăn quát tháo“. Ta thà chết đói, cũng không cam chịu tiếp nhập sự đối xử vô lễ như thế.
Cho nên, cho dù chúng ta tặng thức ăn, quần áo cho người khác thì cũng phải nên đối xử bình đẳng, không được có tâm khinh mạn. Thật ra những người dân nghèo này đã cho chúng ta cơ hội gieo phước điền, chúng ta cũng phải thật khéo mà đi cảm ơn họ mới đúng.
Khi trong nhà chúng ta có khách đến chơi, cũng phải để cho khách có cảm giác thân thiết như ở nhà. Ví dụ như khách đến chơi ở lại trong nhà, chúng ta phải vì khách mà chuẩn bị các đồ dùng thường ngày, như bàn chải đánh răng, khăn mặt chẳng hạn. Cho dù bản thân người khách có mang theo những đồ dùng thường ngày này đi chăng nữa, chúng ta cũng phải nên ưu tiên chuẩn bị thật tốt, thế thì trong nội tâm của người khách sẽ có cảm giác bạn có thể nơi nơi vì người mà suy nghĩ, tình bạn sẽ càng ngày càng sâu đậm, họ cũng sẽ rất hoan hỉ đến nhà chúng ta mà làm khách.
Tôi nhớ khi tôi muốn tặng một chiếc xe cho một bạn học cũ của tôi, cha tôi đã nói với tôi rằng:
– Muốn tặng gì đó người ta, trước hết nhất định phải kiểm tra toàn bộ cho kỹ càng, cảm thấy không có vấn đề gì rồi thì mới mang tặng cho người khác, không được bởi vì con tặng cho người ta thứ gì, trong tâm đã cảm thấy mình tặng gì cho họ, đã giúp đỡ họ rất lớn, nếu có loại suy nghĩ đó thì là không đúng rồi.
Tôi đã y theo chỉ thị của cha tôi, đưa chiếc xe đến xuởng sửa chữa để các chuyên gia kiểm tra thật cẩn thận, kết quả phát hiện bộ ly hợp gần như bị hỏng rồi. Bản thân tôi lái cũng quen rồi, nếu như giao cho người khác lái, có thể họ sẽ kêu khổ thấu trời, do đó sau khi tôi thay bộ ly hợp thì mới tặng cho bạn. Vì vậy, cho dù tặng cho người thứ gì đó, cũng không được sơ suất cẩu thả.
Chúng tôi thường hay đi máy bay, sẽ làm phiền bạn bè đến đón tiếp, nên cô giáo Dương nhất định trước tiên phải liên lạc với đối phương, nói với họ thời gian hạ cánh của máy bay, máy bay hạ cánh rồi cũng phải đi bộ mười phút, hai mươi phút mới ra đến cửa. Cô ước lượng thời gian, để cho đối phương trong thời gian này mới đến, như vậy sẽ không làm cho đối phương đợi quá lâu. Những chỗ vi tế như vậy cũng có thể để cho người ta cảm thấy bạn tôn trọng, quan tâm đến họ. Khi một người có thể “chớ qua loa” mà cảm nhận người khác thì họ làm việc sẽ không có tuỳ tiện, giải đãi, đương nhiên cũng sẽ nhận được sự tôn trọng và quan tâm của người khác đối với mình.
[1] Nhân nhất năng chi, kỉ bách chi; nhân thập năng chi, kỉ thiên chi
「人一能之,己百之;人十能之,己千之。」
[2] Tuy ngu tất minh 「雖愚必明」
[3] Tuy nhu tất cường 「雖柔必強」
[4] Thuấn hà nhân dã, dữ hà nhân dã, hữu vi giả diệc nhược thị
「舜何人也,予何人也,有為者亦若是」