CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ

25. CON TRẺ NGẠO MẠN THÌ PHẢI LÀM SAO?

Ngạo mạn là kết quả, nguyên nhân ở đâu?

Ngạo mạn của con trẻ là học từ đâu vậy? Có phụ huynh lúc đang giáo dục con cái thì nói:

– Trên thế giới này, ba của con là thông minh nhất.

Thật sự có dạng người này. Trưởng bối ở trước mặt trẻ nhỏ nói những lời như vậy, trẻ nhỏ học được gì? Ngạo mạn. Có một bé gái học được một chút Tiếng Anh, bà nội của đưa nó đến trước mặt trưởng bối thì bắt đầu nói:

– Đứa cháu gái này của tôi rất lợi hại, có thể nói tiếng Anh cho các vị nghe đấy.

Đứa bé gái đã dùng tiếng Anh trả lời bà nội mấy câu hỏi về từ vựng rất tốt, đột nhiên bé gái này hỏi lại bà nội rằng:

– Bà nội ơi, sách vở thì Tiếng Anh nói thế nào ạ?

Bà nội nói:

– Bà làm sao mà biết được?

Kết quả bé gái này nói:

– Bà nội, sao mà bà ngớ ngẩn thế!

Quý vị xem, học kiến thức, học kỹ năng, mà không học đức hạnh thì kiến thức càng cao càng không xem người lớn ra gì. Còn có rất nhiều con trẻ lớp ba, lớp bốn về đến nhà hỏi mẹ một số kiến thức khoa học thông thường, thế nhưng người mẹ không biết, chúng liền nói với mẹ: “Mẹ ngay cả cái này mà sao cũng không biết.”

Đức hạnh làm người là gốc rễ, từ nhỏ trước hết phải cắm được gốc đức hạnh cho trẻ nhỏ, sau này trẻ nhỏ lớn lên mới không ngạo mạn. Chúng ta là người làm cha mẹ thì tính cảnh giác phải rất cao, nếu không thì vô hình trung sẽ tăng trưởng sự ngạo mạn của trẻ nhỏ. Rất nhiều người đều nói trẻ nhỏ thì phải khéo khen ngợi, thế nhưng khen ngợi trẻ nhỏ không thể không có nguyên tắc, khen ngợi trẻ nhỏ mà có thể trưởng dưỡng đức hạnh của chúng thì có thể thành tựu được một đứa trẻ; trái lại nếu khen ngợi trẻ nhỏ mà trưởng dưỡng tập khí ngạo mạn của chúng thì chính là hại chúng. Khen ngợi tựa như vừa cầm con dao, bạn dùng đúng thì nó có thể giúp bạn cắt rất nhiều thứ; bạn dùng sai rồi thì sẽ làm bị thương chính mình, lại làm bị thương người khác. Bởi vì khi một đứa trẻ ngạo mạn thì chúng sẽ làm tổn thương người khác, cũng sẽ làm người ta xấu hổ vô cùng.

Nghe lời nói tốt nhiều sẽ nuôi lớn ngạo mạn

Khi tôi đi học ở Úc đã từng gặp được một thanh niên khoảng 24, 25 tuổi, tôi với cậu ấy vừa gặp đã thân quen, tôi rất vui mừng mà nói với cậu ấy:

– Cậu đang tuổi trẻ thế này, đã biết đến học tập học vấn Thánh Hiền, thật là không đơn giản!

Mặc dù chúng tôi còn chưa biết nhau, nhưng bản thân tôi không giấu được sự vui mừng ở trong tâm mà lớn tiếng tán dương cậu ta một phen. Sau khi chúng tôi học tập được một tuần, tôi nhìn thấy cậu ta có một số hành vi phải nên sửa đổi, tôi đã đi khuyên nhủ cậu ta, thái độ của tôi rất tốt, mặt ta vui, lời ta dịu. Kết quả tôi vừa nói xong thì vẻ mặt cậu ta lập tức biến sắc, tôi lập tức thu hồi lời nói lại. Bởi vì mỗi một trưởng bối nhìn thấy cậu ta đều nói: “Thật là xuất sắc, hiện nay đã biết học tập học vấn Thánh Hiền rồi.” Khen ngợi đến sau cùng, nghe lời nói tốt đẹp nhiều rồi, vừa nghe thấy lời phê bình thì lập tức đã không chịu được nữa!

Do đó, xưng tán người thì phải nhắm vào đức hạnh của họ, mà tiêu chuẩn của đức hạnh là ở đâu? Tiêu chuẩn và cương lĩnh đơn giản nhất chính là “Đệ Tử Quy”. Khi họ vô cùng tận tâm tận lực với cha mẹ thì bạn có thể nói với họ: “Bạn hiếu thuận cha mẹ, chính là biết báo đáp ơn đức của cha mẹ”, bởi vì Hiếu thuận là tương ưng với tính đức của một người, cho nên họ hiếu thuận cha mẹ mà nhận được xưng tán thì họ sẽ càng hiếu thuận với cha mẹ hơn. Khi bạn đi đến phòng của họ, các thứ đồ đạc sắp xếp rất ngay ngắn, đây là tâm cung kính đối với vật, thì bạn có thể nói với họ: “Bạn có thể sắp xếp như thế này, chúng tôi vừa nhìn cũng đã thấy đẹp lòng vừa mắt, tin rằng bình thường bạn ở trong đời sống, nhất định là rất gọn gàng ngăn nắp”. Bạn nhắm vào đức hạnh của họ mà xưng tán, họ sẽ càng yêu cầu chính mình phải nâng cao. Cho nên, khen ngợi cũng là học vấn, phải dựa vào đức hạnh mà tán thán thì mới không có tác dụng phụ.

Phải chú ý hướng dẫn từ nhỏ

Có người mẹ dẫn theo con gái nhỏ đi lên phố mua đồ, gặp một người bạn, người bạn này đã nói với bé gái rằng:

– Sao con vẫn chưa đi học?

Bé gái rất nhỏ, không biết đi học là gì, sau đó đã hỏi mẹ nó:

– Mẹ ơi, đi học để làm gì hả mẹ?

Kết quả vị trưởng bối này lập tức nói với nó:

– Đi học có thể kiếm được nhiều tiền!

Hiện nay, người có cái loại giá trị quan này chiếm tỷ lệ rất lớn. Chúng ta phải thận trọng ngay từ ban đầu, người mẹ này lập tức nắm bắt lấy cơ hội này, nháy mắt với người bạn của cô rồi chào hỏi một chút, xin cô ta đừng tiếp tục nói nữa, sau đó cô ấy nói với con gái rằng:

– Đi học quan trọng nhất chính là phải học năng lực làm việc, chúng ta có năng lực thì có thể giúp đỡ được người khác, ở trong xã hội có thể có được cống hiến.

Nói học năng lực làm việc rất là trừu tượng, đứa bé nghe vẫn không hiểu, người mẹ này đã lập tức cầm lấy một gói bánh hấp (bánh màn thầu) vừa mới mua ở trong siêu thị nói với đứa bé:

– Giống như là người chú vừa mới làm chiếc bánh màn thầu này, bởi vì chú ấy có năng lực làm ra bánh màn thầu, nên có thể giúp chúng ta làm màn thầu, cho nên chúng ta phải cảm ơn chú ấy, thế nhưng chúng ta cảm ơn chú, có thể tặng đồ chơi của con cho chú ấy được không? Hay là tặng chiếc xe đồ chơi cho chú ấy? Những thứ này thì chú ấy đều không cần. Cho nên, chúng ta phải cảm ơn chú ấy, nên phải đưa tiền cho chú ấy, chú ấy có thể dùng số tiền này để đi mua sắm những thứ mà chú có nhu cầu.

Người mẹ dựa vào cơ hội này để hướng dẫn con trẻ, mục đích học tập là ở tăng trưởng năng lực làm việc, làm lợi ích phục vụ người khác; khi đứa bé từ nhỏ đã có loại thái độ này thì sau này nó lớn lên sẽ không dễ ngạo mạn. Khi đứa bé từ nhỏ biết được giữa người với người phải giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau, thái độ này vừa hình thành thì sau khi nó lớn lên rồi, khi đối diện với người ở các ngành các nghề thì sẽ tôn kính, cảm ơn. Nếu như từ nhỏ mà cho rằng mục đích của việc đọc sách, học năng lực làm việc là ở kiếm nhiều tiền, thế thì sau này nó xem việc đối đãi với người ở trong các ngành các nghề, cũng sẽ dùng quan niệm về tiền bạc để làm tiêu chuẩn đo lường, thì sẽ khinh mạn người ở trong nhiều ngành nghề. Cho nên, học vấn ở chỗ tồn tâm, tâm thiên lệch thì sẽ quay lưng đi ngược lại với đạo đức, học vấn mà theo đuổi.


MỤC LỤC TOÀN SÁCH

CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ