CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ

19. TÍNH CÁCH CON TRẺ NÓNG NẢY HẤP TẤP THÌ PHẢI LÀM SAO?

Tâm đã chết rồi, không còn nhạy bén nữa, chính là vội vàng, bận rộn

“Sự vật mang, mang đa thác” (chớ làm vội, vội sai nhiều), làm việc tuyệt đối không được quá vội vàng, nếu không sẽ làm hỏng việc. Chữ 忙 (mang) này, bên trái là một chữ tâm (心), bên phải là một chữ vong (亡), chính là nói tâm đã chết rồi, tâm không còn nhạy bén nữa, mới gọi là mang (忙) (vội vàng, bận rộn). “Mang” lâu ngày sẽ bước vào giai đoạn hai là “manh” (盲) (mù loà, không hiểu sự lý), bởi vì khi lòng người đã nổi sóng, người thân ở bên cạnh xảy ra việc gì cũng nhìn không rõ ràng, tựa như một hồ nước nổi rất nhiều sóng, những cảnh vật xung quanh sẽ càng dần càng mơ hồ.

Ngôi sao điện ảnh Thành Long làm việc rất bận rộn, có một lần ông rất cao hứng đi đón con trai, kết quả đứng ở sân trường rất lâu nhưng không thấy con trai đi ra. Sau đó thầy giáo của con trai ông đi ra, ông đi đến hỏi thầy giáo, thầy giáo mới nói với ông:

– Con trai anh đã lên cấp hai rồi anh vẫn còn đến trường tiểu học đợi nó sao?

Ngay trong quá trình dạy học của chúng ta, hiện tượng này có nhiều không? Cũng thật sự không ít. Làm người không nên quá “mang” (bận rộn), nếu không ngay cả bà xã bỏ đi cũng không biết nguyên nhân là gì, đó thật sự là “manh” (mù loà) vậy.

Đến sau cùng bước vào giai đoạn thứ ba, cũng là mang (茫), chính là chữ mang trong chữ mang mang nhiên (茫茫然), tức là mênh mông mờ mịt, rất đáng tiếc. Cuộc đời nỗ lực như thế, mỗi ngày đều bận muốn chết, làm việc suốt tám tiếng, mười tiếng đồng hồ, tại vì sao đến sau cùng gia đình lại kết thúc như vậy chứ? Không những cảm thấy mênh mông mờ mịt mà còn rất bất lực chẳng làm gì được.

Phương pháp đối trị là việc bận nhưng tâm không bận

Việc dù cho có nhiều đi chăng nữa, tâm cũng không được tạp loạn, phải dùng phương pháp, dùng công cụ để xử lý sự việc cho thoả đáng. Ví dụ như hôm nay phải tiếp đãi khách, thì có thể lợi dụng phương pháp “sa bàn suy diễn“, trù bị trước những tình huống có thể sẽ phát sinh trong cả quá trình, trước hết phải diễn tập chuẩn bị cho tốt. “Phàm làm việc có chuẩn bị ắt sẽ thành, không chuẩn bị ắt sẽ hỏng[1], trong tâm có sự chuẩn bị rồi thì mới không đến nỗi chân tay túi bụi. Nếu tiếp xúc nhiều với người, với việc, với vật thì phải khéo dùng công cụ hỗ trợ, dùng sổ ghi chép để lập tức ghi lại những sự việc đã hứa hẹn với người khác vào đó. Hơn nữa không chỉ ghi vào lịch hôm đó, mà cũng phải ghi chép vào lịch của ba, bốn ngày sau đó. Đây là cảnh tỉnh bản thân trong vòng ba, bốn ngày không được quên sự việc này, khiến cho trong tâm đối với sự việc này thường hay ở trong trạng thái có sự chuẩn bị. Nếu không thì khi bận rộn, quên trước quên sau, rất có thể sẽ vì chút sơ suất nhỏ mà nhận phải thất bại, mặc dù chúng ta rất nhiệt tâm nhưng làm hỏng việc thì trong lòng cũng sẽ rất tự trách mình.

Phương pháp đối trị là hoà hoãn

“Hoà hoãn có thể tránh ân hận, thoái lui có thể tránh tai hoạ[2], làm việc mạch lạc có hệ thống thì không dễ làm ra sai lầm. Làm việc phải biết tiến thoái, lúc phải nên thoái lui thì nên không nên miễn cưỡng ló đầu ra, như vậy mới có thể tránh rước hoạ vào thân.

Rất nhiều việc phải thận trọng, cẩn thận mới không tạo thành khốn khổ nhiễu loạn cho chính mình và người khác. Dùng thứ gì xong cũng kiểm tra một chút xem có phải trả về vị trí cũ hay không, chính mình hoặc người khác muốn dùng thì có thể tìm được. Khi chúng ta muốn đi khỏi nhà, nếu ra ngoài một tuần mới về nhà, lúc này thì vòi nước, bếp gas, nguồn điện, đều phải đóng lại, nếu không khoá kỹ vòi nước thì sẽ lãng phí rất nhiều tài nguyên. Cho nên, sử dụng xong thứ gì phải để lại vị trí cũ thì mới không tạo thành lãng phí vô ích.

Tôi nhớ có một lần tạm thời mất điện mà tôi không biết là bị mất điện, bởi vì cần nước nóng nên tôi đã thuận tay mở vòi nước nóng, sau đó tôi đã quên đóng lại mà cứ ra ngoài đi giảng. Ba tiếng sau tôi mới về nhà, sau khi có điện, nước nóng cứ vậy mà chảy xuống. Tôi về nhà vừa nhìn thấy cảnh tượng đó thì vô cùng đau lòng, bởi do một chút lơ là của mình mà đã lãng phí bao nhiêu là nước. “Chớ làm vội, vội sai nhiều, do đó nút bật công tắc phải trả lại chỗ cũ thì mới không đến nỗi lãng phí, thậm chí là tạo thành nguy cơ cháy nổ đường điện. Khi chúng ta hứa hẹn việc gì với người khác, lập tức phải ghi vào lịch làm việc, mỗi ngày nhìn một chút, đánh dấu vào việc đã làm; việc chưa làm lại phải nhắc nhở và nhanh chóng đi làm. Nếu con trẻ từ nhỏ đã có được những loại thái độ này thì sẽ rất cẩn thận, cũng sẽ rất có lòng trách nhiệm.

 Phương pháp đối trị là cha mẹ phải làm một tấm gương tốt

Muốn dạy con trẻ làm đến trình độ có thể gặp việc mà không vội vàng, không tạp loạn thì trước hết cha mẹ phải làm tấm gương. Lúc tôi hơn 10 tuổi, thường hay ngồi phía sau xe của cha tôi, lúc ông lái xe thường hay nói rằng:

– Làm sao mà phải vội? Vội lắm cũng chỉ hơn có năm phút thôi.

Mặc dù cha tôi nói một câu nhẹ nhàng thôi, nhưng có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Sau này tôi lái xe, lúc muốn lái xe nhanh thì nghĩ tới câu nói này của cha tôi. Cha tôi lái xe từ trước tới nay chưa hề bấm còi, bởi vì ông cảm thấy không cần phải gấp gáp, cho nên tôi lái xe cũng chưa từng bấm còi xe. Đương nhiên có một số tình huống cũng phải bấm còi, khi bạn hoàn toàn không nhìn được đối phương lái xe, trước hết phải cảnh báo một chút, có thể nhường người khác thì cứ nhường cho họ.

[1] Phàm sự dự tắc lập, bất dự tắc phế 「凡事豫則立, 不豫則廢」

[2] Hoãn khả dĩ miễn hối, thối khả dĩ miễn hoạ  緩可以免悔,退可以免禍


MỤC LỤC TOÀN SÁCH

CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ