CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ

5. THẾ NÀO LÀ DỤC

Dục là trưởng dưỡng cho con cái khiến làm việc thiện vậy [1]

Một trong những tác phẩm giáo dục triết học nổi tiếng nhất thời xưa chính là sách “Lễ Ký – Học Ký“, tác phẩm này đã trải qua được mấy nghìn năm. Giáo dục là gì? Sách “Lễ Ký – Học Ký” có một câu khai thị vô cùng quan trọng đối với giáo dục là “Giáo dục là nuôi lớn điều thiện và ngăn ngừa sai quấy[2]. Giáo dục là “nuôi lớn điều thiện”, lại thêm “ngăn ngừa sai quấy”, câu nói này đã thể hiện rõ hai cương lĩnh lớn và quan trọng nhất của giáo dục.

Nguyên tắc giáo dục trong gia đình phải thống nhất

Giáo dục con trẻ cần chú ý một vấn đề quan trọng, đó là phải nhất quán trong nguyên tắc giáo dục con trẻ, không được cha nói một đàng, mẹ lại làm một nẻo, thậm chí ông nội lại dùng một cách khác, vậy thì con trẻ biết nghe ai đây? Chúng sẽ trở nên chơi vơi. Trẻ nhỏ thời nay đặc biệt thông minh, thông minh đều dùng vào việc gì? Làm sao có được thứ này thứ kia. Nó nịnh ông nội mấy câu lọt tai, bà nội hoặc cha, mẹ nó nghe thấy, họ liền mua cho nó đủ thứ. Không chỉ vậy, khi con trẻ phạm lỗi là nghĩ đến việc nấp sau lưng ai đó để trốn tội, vậy thì cả đời này sẽ dưỡng thành thói quen trốn tránh trách nhiệm, chứ không phải là đối mặt với trách nhiệm và sửa đổi lỗi lầm. Cho nên, khi con trẻ phạm lỗi thì người lớn trong gia đình phải có nguyên tắc nhất quán, quyết không được bao che dung túng, điểm này rất là quan trọng.

Tôi nhớ hồi nhỏ mỗi khi phạm lỗi thì mắt tôi hướng vào ông nội bà nội, bởi vì tôi là cháu đích tôn, đặc biệt được ông bà nội thương yêu, nhưng lúc đó dù đôi mắt tôi có buồn bã thê lương cũng chẳng có tác dụng gì. Ông nội nói với tôi: “Bản thân cháu phạm lỗi thì cháu chịu xử phạt là đáng mà” rồi ông nội đi cùng bà nội đi lên lầu. Lúc đó tôi không hiểu dụng ý của ông, chỉ cảm thấy ông bà rất vô tình, bây giờ từ trong quá trình làm giáo dục tôi mới hiểu. Mặc dù ông bà nội chưa từng đi học, không biết chữ, nhưng họ biết giáo dục, không ngạc nhiên khi ông có thể nuôi dạy ra bốn sinh viên đại học, còn có một người là tiến sĩ, tuyệt đối không phải là ngẫu nhiên. Do đó, giáo dục con trẻ cũng không phải là dựa vào bằng cấp học vị, mà là trí huệ và kinh nghiệm giáo dục.

Mỗi khi cha tôi đang trách phạt tôi thì mẹ tôi ở bên cạnh cũng không hé nửa lời, điểm này rất quan trọng. Hiện nay có rất nhiều người mẹ, khi cha đang trách phạt con cái thì xen ngang vào xử lý, có thể còn chưa xử phạt con cái thì hai vợ chồng đã cãi nhau trước rồi. Cho nên, giáo dục con trẻ phải rất nhạy bén, phải có lý trí. Mẹ tôi ở bên cạnh nghe thấy cũng không ngẩng đầu lên nhìn tôi, bởi vì mẹ sợ tôi nhìn thấy mẹ thì mẹ sẽ không kìm được lòng. Mẹ tôi là một cô giáo, khi tôi lớn lên, tôi có chia sẻ với mẹ thể hội lúc nhỏ về giáo dục. Mẹ nói với tôi:

– Lúc nhỏ, khi ba con dạy dỗ con, mẹ ở đó cứ nghĩ, tuổi con nhỏ như thế, làm sao mà nghe hiểu được đạo lý lớn như vậy!

Nhưng tôi nói với mẹ: đúng là con nghe hiểu được. Cho nên đừng xem thường trẻ nhỏ, mặc dù cha mẹ nói rất nhiều điều có thể trẻ nhỏ không hoàn toàn hiểu rõ được, nhưng từ lời nói và ánh mắt của cha mẹ thì trẻ nhỏ có thể sâu sắc hiểu được nỗi khổ tâm mong mỏi con cái nên người của cha mẹ, cảm nhận được cha mẹ đối với mình thương xót và yêu quý, thật sự chẳng vui gì khi la mắng mình.

Cha tôi có một câu nói thường nói nhất là: “Con phải yêu thương bản thân“.

Mẹ tôi hỏi tôi:

– Con có thật sự hiểu câu nói này không vậy?

Tôi thật sự hiểu. Trong quá trình trưởng thành của tôi, câu nói này của cha thường hay hiện lên trước mắt tôi, làm bạn cùng tôi khi vượt qua vô vàn nghịch cảnh, thậm chí vượt qua các loại dụ hoặc.

Có một báo cáo điều tra về rất nhiều Trạng Nguyên đầu bảng trong cả nước, kết quả phát hiện không có một vị Trạng Nguyên nào mà cha mẹ làm giáo sư cả, ngược lại rất nhiều đều là nông dân, cha mẹ rất khắc khổ làm việc. Mặc dù từ nhỏ cuộc sống rất khốn khổ nhưng họ vô cùng chăm chỉ giúp đỡ cha mẹ, cũng rất có tâm hiếu. Xem thấy báo cáo này, chúng ta có thể suy luận: trong thời gian học tập thì những trạng nguyên này có bị ép buộc hay không? Không có! Động lực của họ là ở đâu? Ở tâm hiếu và tâm báo ân của họ. Động lực của họ tuyệt đối không phải là một chiếc máy ảnh kỹ thuật số hay là một cái máy tính cao cấp. Vì thế, giáo dục con trẻ phải có phương pháp chính xác chứ không liên quan gì đến học vị của cha mẹ, cũng không phải có tiền bạc là làm được. Cho nên, nguyên tắc giáo dục trong gia đình nhất định phải chính xác và nhất quán.

[1]  Dục giả dưỡng tử sử tác thiện dã 「育者, 養子使作善也」

[2]  Giáo dã giả, trưởng thiện nhi cứu thất dã 「教也者, 長善而救其失者也」


MỤC LỤC TOÀN SÁCH

CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ