15. CHO CON TRẺ TỪ NHỎ HỌC CÁCH BIẾT KHEN NGỢI NGƯỜI KHÁC
Thấy người tốt, nên sửa mình; Dù còn xa, cũng dần kịp
Thái độ “thấy người tốt” có sức ảnh hưởng tương đối sâu sắc đến đạo nghiệp. Thật ra một câu kinh văn này chính là phương pháp học tập vì sao mà Thiện Tài Đồng Tử một đời có thể viên thành Phật Đạo, bởi vì Ngài dù là nhìn thấy người thiện hay người ác thì đều là chỗ học hạnh Bồ Tát của Ngài. Ngài xem tất cả người đều là chư Phật Bồ Tát, chỉ có riêng mình Ngài là học trò, cho nên mới có thể “đức tiến dần, lỗi ngày giảm”. Nhất định phải để con trẻ từ nhỏ có thái độ học tập như vậy, nếu từ nhỏ chúng không khen ngợi người khác mà chỉ có phê phán người khác thì chúng sẽ sống rất khổ sở. Khi chúng thường hay xem thấy lỗi của người khác thì liệu có nhiều bạn bè không? Cho nên, biết khen ngợi người khác, tuỳ hỉ người khác, điều này tương đối quan trọng đối với nhân cách của một người. Mà chúng ta xưng tán khen ngợi đối phương thì phải nương vào tánh đức chứ không phải là hư vinh, tài năng bên ngoài. Chỉ cần bạn xưng tán, khen ngợi tánh đức của họ thì họ sẽ càng ngày càng tốt.
Có người 20 tuổi đã lấy được bằng tiến sĩ Toán học, trong quá trình học tập nhảy liền mấy cấp, vô cùng xuất sắc. Sau này ở lại trường Đại học giảng dạy, được đặc cách nâng lên làm phó giáo sư, có thể tính đó là một trường hợp đặc biệt ở trong trường. Anh ta từ 20 tuổi làm đến 30 tuổi, ngay trong suốt 10 năm này, xuất bản được rất nhiều luận văn, muốn nâng lên đến giáo sư, nhưng 10 năm rồi cũng không nâng lên được.
Tôi có người bạn cũng là Tiến sĩ Toán học, vừa đúng lại là đồng nghiệp của anh ấy, biết rõ những luận văn đã xuất bản của anh ấy rất xuất sắc, nhưng nội dung đều là xem luận văn của giáo sư nào mà có khuyết điểm gì, nói ra những sai lầm của giáo sư đó, mỗi bài viết của anh ta đều là bàn luận về những sai lầm của người khác. Mặc dù nói rất chính xác, nhưng luận văn của anh toàn là đến giữa chừng thì bị loại bỏ. Anh ấy cũng rất khổ não, bạn của tôi nói với anh, anh thay đổi lại cách viết, nói ra chỗ tốt của các giáo sư đó, từ góc độ đó mà xuất bản luận văn, biết đâu sẽ có cơ hội thay đổi. Sau khi anh ấy nghe rồi, nhíu mày lại, cảm thấy rất khó. Sau đó viết xong rồi đưa cho bạn tôi xem, anh ấy nói anh ấy vừa xem thì nổi da gà, bởi vì viết rất không tự nhiên.
Một người phải thật chân thành mà xưng tán khen ngợi người khác, cũng thật sự phải rất quen rồi thì mới làm ra được. Có một số người được tiếp nhận một số chương trình đào tạo, lúc đào tạo thì nói với họ, phải thường hay xưng tán người khác, đối với người khác phải nở nụ cười thì mới có thể làm ăn được với người ta. Thường thì những người này học xong rồi, khi trở về cười với bạn, bạn sẽ cảm thấy rất không tự nhiên. Cho nên, “thấy người tốt, nên sửa mình” là một dạng trạng thái tâm lý, phải hoan hỉ khen ngợi và tán thán người khác từ nội tâm thì mới được.