CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ

LỜI KẾT

Văn hoá truyền thống có hai nền tảng, một là Hiếu đạo, Hiếu đạo quan trọng nhất là phải biết được niệm ân (nghĩ về ơn đức), biết Hiếu thuận cha mẹ, đó gọi là “Cẩn thận đến lâm chung, nhớ ơn tổ tiên xưa, đạo đức của dân chúng trở nên càng dày sâu[1] . Nếu tâm Hiếu không sinh ra được thì đức hạnh cũng không lớn nổi, bởi vì “thói quen hình thành từ nhỏ, quen rồi biến thành tự nhiên[2], cho nên giáo dục của người xưa chúng ta là ngăn chặn trước khi phát sinh[3], xem trọng việc dự phòng. Ngoài ra, còn một nền tảng nữa là Sư đạo, tinh tuý mà Sư đạo đại biểu là cái bổn thiện, tâm cung kính của một người, Hiếu, Kính có thể mở ra vô lượng đức hạnh của một người. Tục ngữ nói: “Trăm thiện Hiếu đứng đầu[4], câu nói này có hai ý nghĩa: thứ nhất Hiếu là đứng đầu trăm điều thiện, thứ hai là Hiếu mở ra rồi thì trăm điều thiện tự nhiên sẽ mở.

Hiện nay giáo dục gia đình không còn nữa, giáo dục nhà trường cũng có vấn đề nghiêm trọng. Giáo dục nhà trường là xây dựng trên nền tảng của giáo dục gia đình; nói cách khác, thầy cô giáo có thể dạy tốt học sinh hay không thì phải xem thái độ của phụ huynh học sinh đối với thầy cô giáo. Người làm cha mẹ không tôn trọng thầy cô giáo trên trường thì học sinh làm sao trông mong vào thầy cô giáo được? Cho nên dù có thầy cô giáo tốt muốn dạy thì cũng rất khó khăn.

“Kính lão tôn hiền, Hiếu thân tôn sư” là mĩ đức của dân tộc chúng ta, tổ tiên xưa của chúng ta lấy lý niệm này đời đời tương truyền để dạy dỗ thế hệ sau, ít nhất có hơn ba nghìn năm lịch sử. Mấy nghìn năm trở lại đây, thành tựu của các Thánh Triết đều là do người mẹ cắm gốc, cho nên gốc giáo dục là ở gia đình. Dạy dỗ trẻ nhỏ là nhiệm vụ vĩ đại nhất trên thế gian, cũng là sứ mệnh gian nan nhất, vì thế cha mẹ với thầy cô giáo đều phải lấy thân làm gương, đây là quan trọng nhất. Thiên hạ an nguy đều nằm trong tay người mẹ, thế hệ sau có tiền đồ hay không, có thể vượt qua được thế hệ này hay không, quyền hành này đều nằm trong tay của người mẹ. Do đó cha mẹ là thầy giáo đầu tiên của con cái, muốn dạy dỗ con trẻ lìa khổ được vui thì nhất định phải cắm thật tốt gốc rễ Hiếu Kính.    

[1] Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu 「慎終追遠, 民德歸厚」

[2] Thiểu thành nhược thiên tính, tập quán thành tự nhiên 「少成若天性,習慣成自然」

[3] Cấm ư vị phát chi vị dự 「禁於未發之謂豫」

[4] Bách thiện hiếu vi tiên 「百善孝為先」


MỤC LỤC TOÀN SÁCH

CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ