CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ

14. BỒI DƯỠNG TÂM NHÂN ÁI CỦA CON TRẺ ĐỂ XỬ SỰ ĐỐI NGƯỜI TIẾP VẬT

Vì sao phải lấy chân tâm để đối nhân xử thế?

Xử lý quan hệ nhân tế, đầu tiên phải ở chỗ biết cống hiến, biết yêu thương người khác, đó gọi là Người yêu người thì thường được người yêu lại; Người kính người thì thường được người kính lại[1]. Có một số bạn sẽ nói, nếu chồng tôi đối xử tốt với tôi thì tôi nhất định sẽ đối xử tốt với anh ấy; bạn của tôi đối xử tốt với tôi trước thì tôi mới đối xử tốt với họ. Như vậy có đúng không? Đời người mà cứ đi chờ đợi như vậy, sợ được sợ mất, mệt chết đi được! Chúng ta nói một câu nói tốt đẹp cho người khác thì ai là người được lợi ích trước? Khi những lời nói tốt đẹp này từ trong đầu của chúng ta sinh ra, tế bào toàn thân của chúng ta đều đã được lợi ích trước rồi. Đúng là lợi người nhất định lợi mình, tổn người nhất định không lợi mình, hơn nữa còn tổn mình. Khi chúng ta xem phim điện ảnh, vừa xem đã biết được là người tốt hay là người xấu, vì sao khuôn mặt của họ biến thành như vậy? Đều là sau khi khởi lên ác niệm, là tướng do tâm sinh. Cơ thể của mình bị huỷ hoại rồi, hơn nữa lại làm tổn giảm đi phước phần. Chúng ta hiểu rõ chân tướng này thì phải nên dùng chân tâm để đối xử với tất cả người, tất cả việc, tất cả vật.

Thường giữ tâm cung kính cảm ân

Tâm yêu thương, tâm quan tâm của một người nhất định là bồi dưỡng từ trong gia đình. Từ việc hiếu thảo đối với cha mẹ mà mở rộng ra đối với tất cả cha mẹ, tôn kính, cung kính đối với tất cả bậc trưởng bối. “Người trong cùng xã hội đất nước là một thể hỗ trợ lẫn nhau[2], xã hội chính là một đoàn thể hỗ trợ lẫn nhau, nếu hôm nay không có sự cống hiến dốc sức của các nghề các nghiệp, thì đồ ăn, áo mặc, chỗ ở, đi đứng, ngủ nghỉ, vui chơi đều sẽ xuất hiện vấn đề. Tôi nhớ lúc ở Hải Khẩu, quai chiếc ba lô của tôi bị đứt, tôi đi bộ đến trước cửa một trạm xe, nhờ một người thợ sửa chữa giúp tôi sửa lại cái ba lô, sau khi sửa xong tôi rất vui, hỏi xem hết bao nhiêu tiền? Chú ấy nói một đồng tiền. Một đồng tiền mà có thể cứu sống được cái túi này, cho nên tôi rất cảm ơn chú ấy. Ở trong đời sống hiện thực của chúng ta, đúng thật là cần rất nhiều người chuyên nghiệp để thành tựu cho chúng ta. Chúng ta cũng phải nên tôn trọng mỗi nghề nghiệp, dùng tâm bình đẳng, tâm cung kính, khi chúng ta có thái độ như vậy, thế hệ sau cũng sẽ có tâm cung kính như vậy.

Cảm ân là mang đến niềm vui sướng

Có một chú mỗi ngày đều giúp nhà trường đổi bình nước, học sinh trong một lớp nọ nhìn thấy chú đổi nước rất là cực khổ, các học sinh đề nghị:

– Thưa Thầy, ngày mai chúng ta có nên cảm ơn chú ấy không ạ?

Học sinh đề nghị như thế, thầy giáo nghe thấy cũng rất hoan hỉ nên đồng ý. Ngày hôm sau, khi chú đổi nước vừa bước vào trong lớp học, mặt không biểu lộ gì, giống như mỗi ngày đều làm công việc theo bình thường. Học sinh vừa thấy chú bước đến thì cả lớp đối với chú nói:

– Chúng cháu chào chú ạ!

Chú ấy còn chưa có để tâm đến, khi chú ấy đang đổi nước, tất cả các bạn nhỏ lại nói:

– Chúng cháu cảm ơn chú ạ, chú thật vất vả quá ạ!

Chú này lập tức nở một nụ cười tươi rói, từ đó về sau, chú chỉ cần đến lớp học này thì miệng đều nở nụ cười rất tươi. Cho nên, khi chúng ta tôn kính người khác thì tự nhiên người khác sẽ tôn kính chúng ta; khi chúng ta nơi nơi cảm ơn người khác, người với người sẽ chung sống với nhau vô cùng hài hoà.

Tất cả mọi người đều đáng để chúng ta tôn kính

Ngay trong cuộc sống, chúng ta gặp bất kỳ người nào đều phải nên tôn trọng và khẳng định họ. Vào đêm giao thừa, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều người làm công đều đang xếp thành hàng dài ở bưu điện, những người này đang chuẩn bị gửi tiền về quê cho người nhà. Mặc dù họ cũng không kiếm được nhiều tiền nhưng lúc nào họ cũng nghĩ phải hiếu thuận cha mẹ, phải phụng hiến cho gia đình của họ, chúng ta từ trong đó cũng nhìn thấy chỗ của họ đáng để mọi người tôn kính.

Dùng tình yêu để thức tỉnh tình yêu

Luận Ngữ” có nói: “Nơi có nhân đức là nơi tốt đẹp, nếu chọn ở nơi không nhân đức, liệu có thông minh?” [3]  Sống ở một nơi mà con người có tâm nhân đức thì rất tốt, có thể tăng trưởng đạo đức, học vấn của bản thân. Mà những nơi có tâm nhân từ này đi đâu mà tìm? Tìm có được không? Trách nhiệm của chúng ta không thể đùn đẩy cho người khác, “Sự sống còn của đất nước, thường dân cũng có trách nhiệm[4], bắt đầu từ chính mình, ở trong cộng đồng biết đi nhặt rác, biết sống hoà thuận với chòm xóm, khi phong khí như vậy dần dần được thúc đẩy từ chính chúng ta thì có thể thức tỉnh được thiện hạnh của rất nhiều người.

Có một cụ già sống ở một căn hộ chung cư, hàng xóm ở trong chung cư này không hay qua lại. Có một ngày, ông cụ đã gõ cửa của nhà hàng xóm đối diện, sau đó ông nói với hàng xóm:

– Con trai tôi gửi một giỏ nho đến, tôi ăn không hết, gửi một ít cho anh chị ăn.

Người thanh niên ở nhà đối diện đã cầm lấy cái giỏ đầy nho, sau đó gói những quả nho này rồi bắt đầu đem chia tặng cho cả toà nhà. Vốn dĩ mọi người đang không quen biết nhau lắm, do vì bắt đầu có nói chuyện với nhau mà thân thuộc, tự nhiên như vậy mà thúc đẩy. Vốn dĩ xe đạp ở tầng dưới đều để rất lộn xộn, sau đó bởi vì có sự tiếp xúc này, mọi người đã bắt đầu tôn trọng lẫn nhau, xe đạp cũng tự động được sắp xếp ngay ngắn. Con cái của một số nhà hàng xóm không tìm được công việc, vừa đúng lúc có một nhà trong đó mở công ty, sau khi thân quen rồi cũng chủ động để cho bạn trẻ này đến công ty để làm việc.

Người với người nếu không có sự câu thông thì càng ngày càng xa cách, nếu có người thúc đẩy, trên thực tế đều sẽ đánh thức cảm giác về tình người này. Có một ngày, người thanh niên này từ xa nhìn thấy cụ già này đi trên đường, phía bên kia có một người bán rong hoa quả đi đến, nói với cụ già này:

– Cụ ơi, cụ có muốn mua một giỏ nho nữa không ạ?

Người thanh niên này vừa nghe, mới hiểu rõ những quả nho đó không phải là con của cụ già mang đến, mà là do cụ già tự bỏ tiền ra mua.

Dùng chân thành để cảm ơn chân thành

Chúng tôi ở Hải Khẩu thúc đẩy văn hoá truyền thống. Sau khi thúc đẩy được một hai tháng, mỗi lần học xong thì đi đến nhà bếp, đã có rau củ, hoa quả, cũng không biết là ai đưa đến tặng. Bình thường chúng ta tặng quà cho người khác, sau khi tặng quà, sợ người chủ không nhìn thấy chúng ta tặng gì, còn phải nói ra với họ “Đây là chúng tôi tặng ạ!” Sợ người khác không nhớ đến tình người này, đều là dùng tâm mong cầu để kết giao với người khác, kết giao như vậy sẽ làm thân tâm đều rất mệt! Khi chúng tôi dùng tâm chân thành không mong cầu đối với người thì người khác cũng sẽ cống hiến mà không mong cầu hồi đáp, hoan hỉ mà tặng những thứ này cho tất cả thầy cô, đây cũng là biểu đạt cho một loại cảm ơn của họ. Cho nên, “Nơi có nhân đức là nơi tốt đẹp”, phải nương vào việc tu thân, tề gia của chính mỗi người mà làm, rồi tiếp tục mở rộng sức ảnh hưởng ra.

Bao dung khoan thứ mới có thể khiến người khác hối cải 

Ở Hải Khẩu chúng tôi quen biết một vị Trưởng giám ngục, ông ấy chủ động mời các thầy cô ở trung tâm đi ăn cơm, ông ấy nói rằng:

– Tôi mong có thể khiến cho nhà tù trở thành một nhà trường, bởi vì những người này mấy năm đều ở trong đó, nếu có thể mang sự giáo dục tốt đẹp đến cho họ thì có lẽ họ ai nấy đều có thể làm lại cuộc đời.

Chúng tôi nghe thấy thì tâm sinh hoan hỉ, cũng rất nhiệt tình mà hỗ trợ cho họ.

Nếu nhà tù muốn mở một khoá học, cũng phải từ “Đệ Tử Quy” bắt đầu học tập. “Tam Tự Kinh” nói: Người đi học, biết trước sau, Tiểu Học xong, đến Tứ Thư[5], chính là nói đọc sách có thứ tự, việc xây dựng đức hạnh nhất định phải bắt đầu cắm gốc từ “Tiểu học”. Đây là một cuốn sách do Chu Hi thời nhà Tống soạn ra, là giáo trình vỡ lòng chuyên môn hướng dẫn về lễ nghi làm người, làm việc, quét dọn ứng đối, tiến thoái. Vào thời nhà Thanh, Lý Dục Tú đã thể hiện lại trọng điểm của cuốn sách này, lại lấy một đoạn cương lĩnh ở trong “Luận Ngữ”, soạn thành “Đệ Tử Quy”. Trong “Luận Ngữ” có nói đến: “Người học trò ở trong nhà phải hiếu, ra ngoài phải biết trước sau, cẩn thận rồi thành tín, yêu thương rộng khắp vạn vật, gần gũi người nhân đức, làm vậy rồi mà có dư sức thì mới đi học thêm[6]. Lý Dục Tú đã lấy bảy cương lĩnh, lại bổ sung thêm trọng điểm của “Tiểu Học”, soạn thành một bài “Đệ Tử Quy” có 1080 từ, trong đó bao gồm các cương lĩnh để làm người, làm việc. Cho nên, muốn tăng trưởng đức hạnh, có thể bắt đầu thực hiện từ “Đệ Tử Quy”.

Người xấu cũng cần được hướng dẫn, cần được bao dung, cần được khoan thứ thì họ mới có không gian để sửa lỗi đổi mới. Mặt khác nếu họ thường bị bài xích, rất có thể sẽ còn phạm tội ngày càng lớn, đó gọi là khen người ác, chính là ác, ác cùng cực, tai hoạ đến.

Cười chê nhục mạ người khác ngang với mưu sát chính mình

Vào năm 2004, Trung Quốc xảy ra một vụ án hình sự rất lớn, một sinh viên Đại học tên là Mã Gia Tước, cậu ta đã sát hại bốn bạn học. Điều này cũng mang đến cho giới giáo dục sự chấn động rất lớn, kéo theo rất nhiều thảo luận. Tôi cũng hỏi một số bạn bè xem họ có suy nghĩ gì về sự kiện này? Có một số người cảm thấy, người như vậy phải nhanh chóng mà bắn bỏ. Nhưng thái độ từ người làm giáo dục không phải như vậy, họ cảm thấy một sinh viên đại học còn trẻ như vậy, còn chưa bước vào xã hội, vì sao lại làm ra việc trái với nhân tính như vậy chứ? Rốt cục thì bị điều gì tác động đến?

Nguyên nhân là những bạn học này của Mã Gia Tước thường hay cười chê cậu ta, nhục mạ cậu ta, cho nên oán khí của cậu dần dần tăng lớn, đến khi không kiềm chế được nữa, mới làm ra sự việc tàn khốc như vậy. Mã Gia Tước chưa từng học “Đệ Tử Quy”, cậu ấy không biết lời nhường nhịn, tức giận mất, không biết phàm là người, đều yêu thương, anh thương em, em kính anh, anh em thuận, hiếu trong đó”. Bởi trong cuộc đời của cậu ta không có những giáo huấn lý trí này, cho nên vừa gặp phải cảnh giới, căn bản là không khởi lên được thái độ như vậy, đều là tuỳ thuận theo phẫn nộ, tuỳ thuận phiền não. Nhìn ở một góc độ khác, vì sao bốn bạn học này lại chiêu vời đến cái hoạ sát thân này? Cũng là không học “Đệ Tử Quy”, không biết “người có lỗi, chớ vạch trần; việc riêng người, chớ nói truyền”,  “khen người ác, chính là ác”, “không nịnh giàu, chớ khinh nghèo”. Bởi vì họ ngạo mạn với Mã Gia Tước nên chuốc lấy họa sát thân. Trong đó cũng có một bạn học, đáng lẽ cũng bị giết, kết quả bạn này tránh được kiếp nạn đó, bởi vì đã từng một lần chủ động giúp Mã Gia Tước lấy cơm, cậu ta ghi nhớ ở trong tâm, cho nên bạn học này mới thoát khỏi kiếp nạn.

Người ác thế nào đi chăng nữa, ai đối xử tốt với họ, ai đối xử không tốt với họ, họ đều rất rõ ràng. Khi con cái chúng ta đối với người đều là một tấm lòng cung kính thì cuộc đời của chúng sẽ hoá giải được rất nhiều ác duyên và tai nạn. Nếu con trẻ không học được tâm cung kính, trên đường đời sẽ càng có nhiều hiểm hoạ và chướng ngại. Người làm cha mẹ, làm thầy cô như chúng ta, phải từ sự việc của Mã Gia Tước mà suy xét cho kỹ càng và rút ra được bài học. Chỉ cần trẻ nhỏ không có lý trí, đường đời của chúng đúng là rất khó đi đến điểm cuối cùng; trẻ nhỏ từ bé mà biết cung kính, có tâm yêu thương, thì cuộc đời của chúng sẽ càng bước càng thênh thang.

[1] Ái nhân giả, nhân hằng ái chi; Kính nhân giả, nhân hằng kính chi

「愛人者,人恆愛之;敬人者,人恆敬之」

[2] Xã hội quốc gia giả, hỗ trợ chi thể dã 「社會國家者,互助之體也」

[3] Lý nhân vi mĩ, trạch bất xử nhân, yên đắc tri? 「里仁為美,擇不處仁,焉得知?」

Dịch nghĩa (theo trang mạng Đại Phương Quảng): Một vùng đất mà cộng đồng có phong khí thuần phác, trung hậu, nhân đức thì mới tính là tốt đẹp, nếu lựa chọn nơi ở mà không lựa chọn địa phương có phong khí thuần phác thiện lương, có nhân đức, đó có được tính là có tài cán thông minh không?

[4] Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách 「國家興亡,匹夫有責」

[5] Vi học giả, tất hữu sơ, Tiểu Học chung, chí Tứ Thư

為學者,必有初,小學終,至四書

[6] Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đệ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn 「弟子人則孝,出則弟,謹而信,泛愛眾,而親仁,行有餘力,則以學文」


MỤC LỤC TOÀN SÁCH

CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ