CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ

5. DẠY DỖ CON TRẺ THÀNH THẬT, GIỮ CHỮ TÍN

Tín (信) là chữ hội ý, là đại biểu cho lời nói của con người

Chữ Tín (信), bên trái là một chữ Nhân (人), bên phải là một chữ Ngôn (言), biểu thị cho lời nói khi đã nói ra rồi thì nhất định phải tuân thủ. Chúng ta từng hay nghe thấy những câu cách ngôn, giáo huấn, như là “một lời nói đáng giá ngàn vàng[1], “một lời nói nặng nghìn cân[2], “một lời đã nói ra rồi, cỗ xe bốn ngựa khó bề đuổi theo[3], những câu này đều hiển lộ ra việc xem trọng thái độ làm người của Tổ tiên xưa, cũng đau mồm rát họng yêu cầu con cháu đời sau phải tuân thủ những câu cách ngôn, giáo huấn này.

Tín là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của Nhân từ, cũng là một trong những quy phạm đạo đức mà nhà Nho xem trọng đề xướng, Khổng Tử bàn luận về chữ Tín rất nhiều, như là: “Bạn bè qua lại với nhau mà chẳng nhẽ không giữ chữ Tín hay sao? [4], Cung kính với việc mà giữ chữ Tín[5], Cẩn trọng mà giữ chữ tín[6] , “Nói lời phải giữ lấy lời” [7], Người dân không giữ chữ tín, làm sao sống được trên đời[8] v.v…

Dịch Truyện – Hệ Từ Thượng” có nói: Người muốn có được sự giúp đỡ của người khác, phải giữ chữ tín vậy” [9].

Nhà Phật nói: “Tín là nguồn cội của đạo, là mẹ của các công đức, nuôi lớn tất cả các thiện căn[10].

Cho nên, việc chung sống, giao lưu và câu thông giữa người với người thì giữ chữ Tín là đứng đầu.

Giữ chữ Tín là cái gốc để đứng vững trong xã hội

“Đệ Tử Quy” nói: “Phàm nói ra, tín trước tiên, Khổng Tử cũng nói: “Người không giữ chữ tín thì không thể lập thân[11], một người nếu như không có chữ Tín, thì rất khó có chỗ đứng trong xã hội. “Luận ngữ” cũng đề cập: “Người mà không có chữ tín, không biết làm được gì[12], nếu con người không có chữ tín, thật sự không biết cuộc đời họ còn có thể làm ra được những việc gì? Hiện nay trên thương trường có nói về chữ Tín hay không? Có một số cách nhìn và quan niệm tưởng chừng như đúng mà lại sai, nói rằng không gian trá thì không phải là kinh doanh. Chúng ta giữ chữ Tín như vậy, thật thà như vậy, có phải sẽ bị ăn hiếp hay không? Nếu chỉ có con cái của bạn nói thành tín mà người khác đều không nói thành tín, liệu chúng có thể sống nổi không? Chúng nhất định sống rất tốt, bởi vì chúng sẽ làm Chủ tịch, chúng sẽ làm Tổng giám đốc. Nếu bạn là khách hàng, bạn muốn tìm người như thế nào để hợp tác? Đương nhiên là tìm người thành tín rồi, người không giữ chữ tín có thể lừa được một lúc nhưng không thể nào lừa được lâu dài. Bởi vì người thời nay chịu sự ảnh hưởng quá lớn của chủ nghĩa công lợi, đều hám công thích lợi, tiểu nhân oan uổng làm tiểu nhân, tự làm tổn hại đến phước phần của chính mình, sau này sẽ không có cách gì có được sự tín nhiệm của người khác.

Giữa cha và con phải thành tín

Giữa cha và con nhất định phải nói thành tín, nếu như bạn tùy tiện hứa với con cái, sau đó lại làm ngược lại thì địa vị của cha mẹ ở trong tâm trí của con cái sẽ bị hạ xuống, cho nên cha mẹ đối với con cái đã nói ra thì phải làm.

Thời Xuân Thu có một câu chuyện, một ngày nọ vợ của Tăng Sâm muốn đi chợ mua thức ăn, con trai bà cứ quấy rầy đòi đi cùng, vợ của ông mới nói với con rằng:

– Con không được hư, không đi cùng được đâu, khi nào mẹ về sẽ giết lợn cho con ăn nhé.

Nói vậy thì con trai của bà mới không quấy rầy nữa, cũng không đòi đi cùng. Kết quả khi vợ của Tăng Sâm từ chợ về nhà, nhìn thấy Tăng Sâm đang ở đó mài dao, vợ của ông rất hốt hoảng chạy đến nói:

– Thiếp chỉ nói đùa vui với con trai thôi mà, dỗ dành nó một chút, sao chàng lại làm thật?

Tăng Sâm liền nói với vợ của ông:

– Nếu như nàng lừa gạt con một lần, có thể những lời mà nàng nói trong cả đời này nó cũng sẽ không tin nữa, cho nên vẫn phải làm những gì mà nàng đã hứa.

Cho nên, người làm cha mẹ thì “việc không tốt, chớ dễ nhận; nếu dễ nhận, tiến lui sai.

Con người lúc cao hứng thường đều thuận miệng mà hứa hẹn, cách làm này rất không thoả đáng. Hoặc là rất nhiều người lớn lúc đang còn chơi mạt chược, bất luận con trẻ có yêu cầu gì, đều là “Được, cho con, cầm lấy đi“, sau đó con cái biết rõ là khi cha mẹ đang chơi mạt chược là thời điểm tốt nhất để đòi thứ gì đó. Nhất định phải chú ý những điều này, nếu không con cái học được không phải là thật thà mà là dò lời nói để xét sắc mặt. Bạn có phát giác được năng lực quan sát ánh mắt của trẻ nhỏ hiện nay đặc biệt mạnh không? Điều này không tốt, bởi vì nếu không thật thà thì cuộc đời sẽ có rất nhiều vấn đề xảy ra.

Bản thân chúng ta đã giữ chữ tín hay chưa?

Chúng ta phải suy nghĩ lại xem chúng ta lớn như thế này rồi, những việc mà cha mẹ sai bảo, cha mẹ giao phó cho chúng ta, đã “chớ làm biếngchưa? Đối với với những việc chúng ta đã hứa với người thân, đối với ai thì dễ dàng bỏ qua nhất? Là đối với cha mẹ, đối với chồng, với vợ, là những người gần nhất với chúng ta. Những người quan trọng nhất, có ân đức nhất đối với cuộc đời của chúng ta, kết quả là ngược lại chúng ta rất dễ không giữ được chữ tín đối với họ, nguyên nhân là gì? Bởi vì đối với khách hàng mà không giữ chữ tín thì không có tiền, còn đối với cha mẹ không giữ chữ tín thì còn có thể tìm cớ để thoái thác, cho nên con người phải nên suy xét lại. Chúng ta đối với cha mẹ càng phải giữ chữ tín thì mới là thái đội chính xác; đương nhiên giữ chữ tín với cha mẹ thì cũng phải giữ chữ tín với tất cả mọi người.

Từ đầu ta đã hứa trong tâm, há thấy chết rồi lại trái với tâm ta ư? [13]

Đệ Tử Quy dạy “Phàm nói ra, tín trước tiên, chúng ta đã nói là phải giữ chữ tín, đối với lời nói của chính mình nói ra thì tuyệt đối phải để trong lòng mà đi làm. Người thời xưa vô cùng giữ chữ tín đối với lời hứa. Thời đại Xuân Thu có một người tên là Quý Trát, ông đại diện cho nước Ngô đi sứ đến nước Lỗ, trong quá trình ông đi sứ có đi qua nước Từ, vua nước Từ mời ông dùng cơm. Lúc ăn cơm, vua nước Từ cứ nhìn chăm chú vào thanh bảo kiếm mà Quý Trát đeo trên người, Quý Trát nhìn thấy ánh mắt của nhà vua, thì biết được ông rất yêu thích thanh bảo kiếm này. Nhưng y theo lễ nghi mà nói, sứ giả đại diện cho một đất nước đều nhất định phải đeo bảo kiếm, cho nên Quý Trát đã nghĩ ở trong tâm rằng, đợi sau khi hoàn thành nhiệm vụ rồi thì sẽ lại tặng thanh bảo kiếm này cho vua nước Từ.

Sau khi Quý Trát đi sứ ở nước Lỗ lại trở về qua nước Từ thì ông muốn tặng thanh bảo kiếm cho vua nước Từ, thế nhưng vua đã qua đời rồi. Quý Trát liền đến trước mộ của ngài để hành lễ, hành lễ xong, ông treo thanh bảo kiếm của ông lên cây bên cạnh ngôi mộ. Người hầu của ông vừa nhìn thấy đã nói với ông:

– Thưa chủ nhân, Ngài làm như vậy hơi quá rồi, Ngài cũng không hề hứa phải đưa kiếm cho đức vua, dù Ngài có hứa phải cho đức vua nhưng đức vua cũng đã qua đời rồi, căn bản không nhất định phải treo kiếm ở đó.

Quý Trát liền nói:

Từ đầu ta đã hứa trong lòng, há thấy chết rồi lại làm trái tâm ta ư?

Tâm ta đã khởi niệm muốn tặng cho ngài ấy, làm sao có thể vì ngài ấy chết rồi mà phản bội lại lời hứa trong tâm ta? Chữ tín của người thời xưa là được xây dựng từ trong khởi tâm động niệm. Chúng tôi nghe thấy câu chuyện như vậy, bản thân cảm thấy rất xấu hổ, thỉnh thoảng thất tín thì ý niệm đầu tiên còn nghĩ làm thế nào để giải thích, so với người xưa, đúng là cảm nhận được có khoảng cách nhất định. Có khoảng cách mới có tiến bộ, chúng ta lúc nào cũng cảm nhận được sự tồn tâm và chừng mực làm người của bậc Thánh Hiền thì tự nhiên sẽ có thể “đức tiến dần, lỗi ngày giảm”.

Người đọc sách mà lời nói và hành vi không nhất quán là căn nguyên huỷ hoại văn hoá

Chúng ta hồi tưởng một chút, lúc ban đầu văn ngôn văn bị phế trừ, nguyên nhân có phải là ở chỗ không có người đọc văn ngôn văn không? Không phải. Ngược lại, chính là người đọc văn ngôn văn đã dẫn đầu phế trừ chúng, cho nên đọc sách nhiều rồi cũng không có tác dụng. “Đệ Tử Quy” nói “không gắng làm, chỉ học văn; chỉ bề ngoài, thành người nào”. Những vị thạc sĩ Trung văn, tiến sĩ Trung văn này là dùng chúng để tăng trưởng vẻ bề ngoài, dùng để thu được danh văn lợi dưỡng của bản thân. Khi họ không nỗ lực làm, họ đối với những lý giải về đạo chính là không, là hư vậy. Khi họ đi dạy văn hoá truyền thống, trong tâm người tiếp nhận giáo dục sẽ cảm nhận như thế nào? Nói một đằng làm một nẻo, đây không phải là hoằng dương văn hoá mà là huỷ báng văn hoá.

Đúng là văn ngôn văn đã gặp phải kiếp nạn lớn như vậy, vấn đề không ở chỗ những người phế trừ văn ngôn văn. Những người phế trừ văn ngôn văn đó chỉ là ngòi nổ mà thôi, nguyên nhân thật sự là ở đâu? Là do lời nói và hành vi của người đọc sách không nhất quán. Nếu người đọc sách có thể đem “Đại Học“, “Trung Dung“, “Đệ Tử Quy” biểu diễn ra được thì người tiếp xúc với họ liệu có huỷ chúng không? Không thể nào! Thậm chí còn đứng lên học theo. Chúng ta xem thấy mấy nghìn năm nay, những người phụng hành giáo huấn của Thánh Hiền này đều có được sự hỗ trợ của vạn dân.

Hải Khẩu đã sinh ra một vị danh thần, đó là Hải Thụy ở triều nhà Minh, chúng ta đều nghe qua câu chuyện “Hải Thụy từ quan“. Tôi đi đến một nơi nào thì hay có thói quen đi tìm hiểu về những người được lưu danh sử sách ở khu vực đó. Bởi vì họ dùng tấm lòng của mình để chép lại lịch sử, họ dùng tâm chân thành đối với đất nước và xã hội mà làm ra những phụng hiến. Chúng ta có thể “thấy người, tốt nên sửa mình”, cũng có thể hiểu rõ họ ở đó đã tạo ra sức ảnh hưởng một cách âm thầm lặng lẽ. Tôi vừa bước vào mộ của Hải Thụy nhìn thấy hai hàng chữ thì vô cùng chấn động. Hải Thụy nói rằng: “Thân nát xương tan cũng chẳng màng, chỉ lưu thanh bạch tại nhân gian[14], từ hai câu nói này của ông, chúng ta có thể cảm nhận được đức hạnh của ông vô cùng thanh liêm.

Tôi nhìn thấy khí tiết như vậy của Hải Thụy, lại nhìn thấy sự tích cuộc đời của ông thì rất cảm động. Hải Thụy đến làm quan ở vùng đất nào, khi ông còn chưa đến thì các tham quan ô lại và cường hào ác bá đó đều nhanh chóng trốn đi, bởi vì họ biết được Hải Thụy là người ngay thẳng không a dua. Chỉ cần nơi nào có Hải Thụy đến, khắp cả nhân dân đều vui mừng chào đón ông. Một người thật sự đem giáo huấn của Thánh Hiền làm ra được thì liệu có bị người khác phản đối không? Không thể nào. Sau cùng, khi Hải Thụy nhậm chức ở Nam Kinh thì qua đời. Người xưa vô cùng nhấn mạnh lá rụng về cội, người nhà chuyển Hải Thụy từ Nam Kinh về Hải Nam. Khi linh cữu của ông di chuyển qua thành Nam Kinh thì tất cả nhân dân đều tự động mặc vào Hiếu phục, khóc thương ông giống như khóc thương cha mẹ qua đời vậy. Chúng ta từ đây mà xem thấy, người đắc đạo nhiều người giúp, người thật sự nỗ lực thực hành chánh đạo nhất định sẽ thu phục được lòng dân.

Tạo sao Văn hoá truyền thống và văn ngôn văn bị phế trừ? Không nên trách người khác mà trách tất cả những người đọc sách Thánh Hiền như chúng ta không đem nó mà biểu diễn ra cho thật tốt. Cho nên, chỉ cần bây giờ chúng ta học một câu làm một câu, tin rằng nhất định có thể xoay chuyển được sự hiểu lầm của người đời đối với văn hoá truyền thống, hơn nữa cũng tiến thêm một bước mà bắt đầu thực tiễn học tập noi gương. Chúng ta sinh khởi được tâm vì gia đình, vì xã hội, vì Tổ tiên mà cống hiến thì lúc nào chúng ta cũng phải giữ chữ tín với lời hứa của chính mình.

Giữ chữ tín thì nhất định không được lừa già dối trẻ

Giữ chữ Tín thì nhất định không được lừa già dối trẻ, không được kén chọn đối tượng. Không phải là làm ăn thì mới không lừa già dối trẻ, phải nên là đối xử với tất cả người, chỉ cần lời nói ra thì phải làm, nếu không thì bạn sẽ phải suy nghĩ thật kỹ trước rồi mới hứa hẹn. Đó gọi là “việc không tốt, chớ dễ nhận; nếu dễ nhận, tiến lui sai”, chỉ cần bạn hứa rồi thì sau không được hối hận.

Thời nhà Hán có một vị quan Thái Thú tên là Quách Cấp, trên đường ông đi qua khu vực mà ông quản lý có mười mấy bạn nhỏ đều vây lấy ông để thăm hỏi, bọn trẻ rất ngây thơ mà hỏi Quách Cấp rằng:

– Ngài Thái Thú, lần tới khi nào Ngài lại đến vậy ạ?

Quách Cấp cũng rất cung kính với bọn trẻ, nói chuyện với bọn trẻ không hề khinh mạn, trong tâm ông bắt đầu tính toán thời gian lần tới lại quay về đây để tuần tra, sau đó đã nói với các bạn nhỏ về ngày đó.  

Đến ngày ông và các bạn nhỏ giao hẹn, ông sắp xếp đến đó trước một ngày, tuỳ tùng của ông cho rằng đại nhân phải vào thành nên cứ đi thẳng vào trong thành, Quách Cấp nói:

– Không đi nữa, ta đã có giao hẹn trước với bọn trẻ cho nên hôm nay chúng ta sẽ dựng lều ở bên ngoài thành một đêm, đợi thời gian đã ước hẹn đến thì chúng ta mới vào thành.

Ngày hôm sau, khi Quách Cấp vừa đánh xe đi đến địa điểm giao hạn với bọn trẻ, quả nhiên những đứa trẻ này cũng đang đứng đợi ông ở đó. Sau khi Hán Quang Vũ Đế biết việc này, vô cùng tôn kính Quách Cấp, còn khen ngợi ông là: “Hiền lương Thái Thú tín chi chí[15], chữ Tín của ông đã đạt đến cùng cực, không có khiếm khuyết. Sau cùng Quách Cấp sống đến 86 tuổi, không bệnh tật mà ra đi. Cho nên, chúng ta đối với lời hứa trong chữ tín thì không được phân biệt tuổi tác, giàu nghèo, nghề nghiệp mà đi thực hiện thì cuộc đời chúng ta sẽ đứng vững không vấp ngã.

Thành tín có thể tiêu tai miễn nạn, gặp hung hoá cát

“Phàm nói ra, tín trước tiên; lời dối trá, sao nói được”, nếu không giữ chữ tín mà còn muốn tìm một số lời dối trá để che đậy sự thất tín của chính mình, thế thì sẽ tạo thành “nếu che dấu, lỗi chồng thêm”, đến sau cùng người khác biết rõ là bạn không sẵn sàng thừa nhận sự thất tín của chính mình thì thanh danh của bạn sẽ càng dần càng mất đi. Nếu đúng là bạn muốn giữ chữ tín, nhưng đúng lúc trên đường đời của bạn xuất hiện khó khăn rất lớn khiến cho bạn không có cách gì thực hiện được lời hứa, lúc này thì phải làm sao? Việc trên thế gian có một từ có thể giải quyết được, chính là chữ “Thành“. Thái độ của chúng ta đối với người, với việc, có thể dùng tấm lòng chân thành thực sự. Khi đối phương thực sự hiểu rõ tình trạng của bạn, lại hiểu rõ thành ý của bạn thì đối phương cũng sẽ lùi một bước, đây là tâm chân thành của bạn giúp cho chính mình. Nhưng nếu bạn tiếp tục che đậy thì đối phương sẽ càng dần càng phẫn nộ, đến lúc đó sẽ khó mà chấp nhận được.

Tôi có một người bạn, người thân của anh ấy đang phải gánh rất nhiều nợ nần, anh nghĩ bản thân mình phải có trách nhiệm đi trả nợ cho người thân, nhưng anh rất lo lắng, chỉ sợ thái độ của đối phương đối với anh ấy không tốt. Bạn bè của anh ấy mới khuyên anh nên chân thành đến nói chuyện với những chủ nợ rằng:

– Các vị hiện nay đòi nợ ráo riết thì các vị cũng không được gì, tôi cũng không được gì, bây giờ tôi vô cùng thành khẩn muốn trả tiền, một tháng tôi có thể trả cho các vị bấy nhiêu thôi.

Anh ấy làm theo lời khuyên của người bạn, những chủ nợ của anh ấy rất thông cảm, kết quả là những chủ nợ đồng ý tiếp nhận lòng thành của anh ấy, sự việc được giải quyết một cách thuận lợi. Cho nên, phương pháp đối nhân xử thế, không cần phải nghĩ quá phức tạp mà phải nên dùng thành tín để mà đối xử.

Tín là tín nghĩa, cẩn thận giữ đạo nghĩa, ân nghĩa, tình nghĩa

Làm người làm việc không những phải nói đến Tín dụng, mà còn phải có Tín nghĩa. Tín dụng chính là giữ chữ tín trong lời nói, Tín nghĩa chính là làm người làm việc phải có đạo nghĩa, ân nghĩa, tình nghĩa. Mặc dù cha mẹ không hề nói với chúng ta là “con phải hiếu thuận với cha mẹ” nhưng trong lòng chúng ta lúc nào cũng suy nghĩ phải hiếu thuận với cha mẹ. Giống mối quan hệ vua – tôi là mối quan hệ giữa lãnh đạo và người bị lãnh đạo, mặc dù người lãnh đạo không có nói với bạn là “Anh phải trung thành với tôi“, thế nhưng trong tâm chúng ta lúc nào cũng suy nghĩ phải trung thành với chức trách mà mình nắm giữ. Những điều này đều là bổn phận và đạo nghĩa làm người, mặc dù không nói ra bằng lời, nhưng không lúc nào dám quên. Giống như giữa bạn bè với nhau, trong quá trình chung sống, có thể họ đã tiễn chúng ta đi một chặng đường rất dài, sau khi xuống xe rồi thì chúng ta cũng rất cảm kích mà nói:

– Cảm ơn bạn! Cảm ơn bạn!

Người bạn sẽ nói:

– Không cần phải cảm ơn đâu, chúng ta là bạn bè tốt mà, không cần phải khách sáo như thế.

Thứ đạo nghĩa của bạn bè như thế này là lúc nào cũng đặt ở trong tâm, không cần phải hứa hẹn bằng lời nói.

Chu Thọ Xương từ quan tìm mẹ

Thời xưa, trong lòng người con hiếu thảo lúc nào cũng nhớ ân nghĩa, tình nghĩa làm người. Thời nhà Tống có một người đọc sách tên là Chu Thọ Xương, mẹ của ông không phải là vợ cả, mà vợ cả của cha ông rất hay bài xích mẹ ông nên đã vẽ ra một số cách để ép mẹ ông cải giá. Cho nên khi ông lên 7 tuổi thì mẹ ông đã rời xa ông rồi. Đến khi ông trưởng thành thì niệm niệm suy nghĩ phải đón mẹ về để phụng dưỡng nhưng vẫn chưa có thể như ý nguyện, trải qua tìm kiếm suốt 50 năm cũng không tìm thấy mẹ. Lúc đó ông cũng có chức quan rất tốt nhưng trong lòng ông vẫn một mực suy nghĩ đến việc bản thân mình trong một đời này không thể phụng dưỡng mẹ mà thấy muộn phiền. Do đó, ông đã hạ quyết tâm để từ bỏ chức quan, ông nói với người nhà rằng:

– Lần này ta đi tìm mẹ, nếu không tìm thấy mẹ thì ta sẽ không trở về.

Khi Chu Thọ Xương đang đi trên đường thì đột nhiên trời đổ mưa nên ông đã dừng lại bên đường để tránh mưa, vừa đúng lúc gặp được rất nhiều người. Chu Thọ Xương lễ phép hỏi thăm mọi người xem có nhìn thấy người giống mẹ của mình hay không, trùng hợp là mẹ của ông cũng đang ở đó. Đây là hiếu cảm động trời đất, do tâm hiếu này mà cảm được trời cao đổ mưa xuống, thành tựu cho các tâm hiếu này của ông. Bởi vì mẹ ông đã cải giá, lại có rất nhiều em trai em gái nên ông đã đón mẹ cùng với các em về nhà phụng duỡng, cùng nhau hưởng niềm vui của tình yêu gia đình (thiên luân chi lạc).

Thi Kinh” cũng đề cập đến sự tưởng nhớ đối với cha mẹ, tình nghĩa đối với cha mẹ thế này. “Thi Kinh – Lục Nga” nói: “cỏ nga đã lớn, chẳng phải cỏ nga cũng là cỏ hao, thương ôi cha mẹ, sinh ta nhọc nhằn” [16]. Mặc dù bài văn này nói về thực vật, nói rằng có một số loài thực vật thì cây con và cây mẹ đều nối liền với nhau không thể chia lìa, mà người con hiếu nhìn thấy một số hiện tượng này của thực vật thì mới tư duy suy nghĩ đến việc phải bầu bạn cùng cha mẹ. Từ trong một số từ trong bài thơ, chúng ta cũng có thể học tập được sự tồn tâm của người xưa đối với cha mẹ.

Hoàng Đình Kiên đổ bô cho mẹ

Thời nhà Tống có một người đọc sách tên là Hoàng Đình Kiên, mặc dù ông làm quan rất lớn nhưng mỗi ngày về nhà thì nhất định phải đích thân giúp mẹ cọ rửa bô đựng phân tiểu. Mặc dù người giúp việc rất nhiều, nhưng việc này ông cũng không muốn để người khác đi làm. Hoàng Đình Kiên ngày ngày đích thân rửa bô đựng phân tiểu cho mẹ, chính là luôn nghĩ đến ân nghĩa, tình nghĩa của cha mẹ, đây cũng là đạo nghĩa của người làm con, cho nên mỗi ngày nếu ông không làm việc đó thì trong lòng không thấy vững chãi, không thấy dễ chịu. Thật ra người làm con có thể làm được phụng dưỡng cha mẹ thì nội tâm sẽ rất vững chãi, phụng dưỡng cha mẹ là phước điền lớn nhất.

Nếu tôi có một cốc nước uống thì nhất định mẹ tôi có một bát cơm ăn

Có một lần tôi xem truyền hình, xem thấy một đoạn đàm thoại của nghệ nhân Hứa Hiệu Thuấn. Một ngày trước khi xảy ra trận động đất ngày 21 tháng 9 năm 1999 ở Đài Loan, Hứa Hiệu Thuấn đến Tập Tập để chụp hình ngoại cảnh loài sóc bay. Người dân địa phương dẫn họ lên núi, đến đỉnh núi thì thấy vốn dĩ ở đó có rất nhiều sóc bay, vậy mà bây giờ một con sóc bay cũng không có. Việc này khiến cho người dân ở đó vô cùng cảnh giác, cảm thấy điều này rất lạ lùng nên nhanh chóng xuống núi. Khi tai nạn lớn sắp đến, động vật đều có thể cảnh giác và nhanh chóng chạy trốn. Sau khi trải qua lần tai nạn này, nhân viên nghiên cứu đi quan sát, không có một con vật nào bị thương. Bởi vì dục vọng của động vật rất thấp nên mỗi ngày chỉ cần ăn đủ no là được, không hề nghĩ đến phải làm hại người khác, cho nên trong đầu rất trong sáng. Vì vậy chúng nhạy cảm hơn đối với những loại dao động giữa trời đất thế này. Tất cả động vật đều biết, chỉ có con người là loài động vật duy nhất không biết. Nhưng mới đi được nửa đường thì xảy ra cơn đại địa chấn ở Tập Tập, những người bạn đi theo ông đều bị thiệt mạng nhưng Hứa Hiệu Thuấn lại an nhiên không bị gì. Trong lần phỏng vấn đó, Hứa Hiệu Thuấn có một câu nói khiến cho tôi ấn tượng sâu sắc, ông nói:

– Nếu như tôi có một ly nước uống thì nhất định mẹ tôi phải có một bát cơm ăn.

Khi tôi nghe thấy câu nói này, thì tôi đã hiểu rõ vì sao ông có thể tránh khỏi được kiếp nạn lần đó, là bởi vì tâm hiếu của ông.

Điền Thế Quốc hiến thận cứu mẹ

Trung Quốc Đại Lục chọn ra mười thanh niên đại kiệt xuất, trong đó có một người con hiếu thảo tên là Điền Thế Quốc. Anh ấy mới hơn 30 tuổi, bởi vì mẹ của anh bị bệnh tiểu đường, nhất định phải thay thận thì mới có thể kéo dài mạng sống. Khi mẹ của anh bị bệnh, sợ liên luỵ đến người nhà nên tự nhốt mình trong phòng không chịu đi bệnh viện. Điền Thế Quốc đã dùng phương tiện khéo léo, không để mẹ mình biết là anh muốn hiến thận cho mẹ. Sau đó mẹ anh tiếp nhận phẫu thuật cấy ghép thận, sức khoẻ được khôi phục rất thuận lợi, nhưng đến nay mẹ anh vẫn không biết đó là do con trai hiến cho. Hành động này của anh khiến cho rất nhiều bạn bè thân thích đều lấy làm cảm động, khi gặp anh đều nói với anh:

– Năm nay bất luận là bận rộn thế nào thì nhất định tôi cũng phải về nhà thăm hỏi cha mẹ già.

Khi anh được lựa chọn vào mười thanh niên tiêu biểu, anh nói người khác đều rất có cống hiến đối với đất nước, tôi chỉ làm việc mà bản thân một người con người em phải nên làm. Chỉ làm có một việc nhỏ chút xíu thế này, không bằng một phần vạn ân đức của mẹ tôi đã cho chúng tôi. Bản thân anh cảm thấy rất lấy làm hổ thẹn. Thật ra hành vi của một người con hiếu thảo có thể dẫn dắt phong khí lương thiện của toàn bộ xã hội, thức tỉnh tâm hiếu của nhiều người hơn, thái độ tri ân báo ân của nhiều người hơn.

Hiếu tử thời xưa và thời nay đã biểu diễn ra những vở tuồng hay như thế, chúng ta cũng phải không ngừng diễn những vở tuồng này ở trong gia đình, xã hội thời nay, tin rằng “Thuấn là người như thế nào, ta lại là người như thế nào, chỉ cần chăm chỉ không biếng trễ mà làm, cũng có thể giống như Thuấn, được sự ủng hộ và kính ái của nhân dân trong thiên hạ[17].

[1] Nhất nặc thiên kim 一諾千金

[2] Nhất ngôn cửu đỉnh 一言九鼎

[3] Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy 、「一言既出,駟馬難追」,

[4] Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? 「與朋友交而不信乎?」

[5] Kính sự nhi tín 「敬事而信」

[6] Cẩn nhi tín 「謹而信」

[7] Ngôn tất tín 「言必信」

[8] Dân vô tín bất lập 「民無信不立」

[9] Nhân chi sở trợ giả, tín dã 「人之所助者,信也

[10] Tín vi đạo nguyên công đức mẫu, trưởng dưỡng nhất thiết chư thiện căn信為道元功德母,長養一切諸善根

[11] Nhân vô tín bất lập :「人無信不立」

[12] Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã 「人而無信,不知其可也」

[13] Thuỷ ngô dĩ tâm hứa chi, khởi dĩ tử bối ngô tâm tai 「始吾已心許之,豈以死背吾心哉?」

[14] Phấn thân toái cốt toàn bất cổ, chỉ lưu thanh bạch tại nhân gian 「粉身碎骨全不顧,只留清白在人間」

[15] Giữ chữ tín đến cùng cực như Hiền lương Thái Thú

[16] Lục lục giả nga, phỉ nga y hao; ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao 寥寥者莪,匪莪伊蒿;哀哀父母,生我劬勞

[17] Thuấn hà nhân dã, dữ hà nhân dã, hữu vi giả diệc nhược thị「舜何人也,予何人也,有為者亦若是」


MỤC LỤC TOÀN SÁCH

CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ