CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ

4. THẾ NÀO LÀ GIÁO?

 Giáo là trên làm, dưới noi theo [1]

Thật sự làm tốt công tác giáo dục, làm tốt gia giáo thì con trẻ mới có nhân cách hoàn thiện. Thế nào gọi là giáo dục? Người làm cha mẹ và trưởng bối, mỗi ngày đều dạy dỗ con trẻ, nếu không hiểu rõ về giáo dục thì không biết là mỗi ngày đã gieo xuống những hạt giống gì nữa. Do đó, trước hết phải hiểu rõ ý nghĩa thực sự của giáo dục.

Cuốn sách “Thuyết Văn Giải Tự” của Hứa Thận thời nhà Hán có nói: “Giáo giả, thượng sở thi, hạ sở hiệu” (Giáo là: trên làm, dưới noi theo). Hiện nay các bậc cha mẹ hầu như đang cho rằng giáo dục là công việc của Thầy cô giáo, nên sao nhãng đi việc “trên làm dưới noi theo“, là từ lúc nào bắt đầu? Lúc mang thai đã học tập rồi. “Thân giáo sẽ thuận theo, ngôn giáo sẽ tranh cãi[2], thực sự làm được lấy thân diễn giáo thì con cái sẽ tự nhiên bắt chước làm theo. Nếu giáo dục con trẻ là chỉ dùng lời nói nhưng chính mình cũng chưa làm được, nói một đàng làm một nẻo, thì nhất định gia đình sẽ xuất hiện tranh tụng. Nhẹ thì khởi lên tranh cãi bằng lời nói, nghiêm trọng thì cha con anh em kiện nhau ra tòa.

Con cái phản nghịch là kết quả, nguyên nhân ở đâu?

Rất nhiều phụ huynh có một loại quan niệm, đó là nhất định con cái sẽ có hiện tượng phản nghịch, sẽ có thời kỳ nổi loạn. Lời nói này đúng không? Hiện nay là thời đại tri thức bùng nổ, lượng tri thức trong mấy năm đã tăng lên gấp bội, có quá nhiều quan niệm sai lầm hỗn tạp ở trong đó, cái sai tích luỹ lâu ngày thành đúng. Có một trường trung học khi họp phụ huynh thì thầy cô giáo nói với phụ huynh: “Con cái của anh chị hiện đang ở độ tuổi mười hai, mười ba, đúng vào thời kỳ nổi loạn, cho nên con trẻ nhất định sẽ làm trái“. Vốn dĩ cha mẹ còn chưa lo lắng, nhưng sau khi nghe rồi thì mỗi ngày ở đó quan sát xem con có làm trái hay không? Đột nhiên có một ngày sẽ tâm tưởng sự thành. Chúng ta nghĩ lại xem trong mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc ta có hiện tượng phản nghịch hay không? Trong sách sử cũng không hề ghi chép lại. Vì sao suốt mấy nghìn năm đều không xảy ra, mà mới mấy chục năm nay lại xảy ra vậy? Nguyên nhân sâu xa là ở chỗ giáo dục trong mấy nghìn năm qua đều có sự dẫn dắt của Hiếu Đễ, không chỉ ở trong nhà dạy Hiếu, hàng xóm xung quanh cũng có phong khí hiếu thuận. Con trẻ trong một nhà nào nói chuyện không cung kính với cha mẹ thì không chỉ cha mẹ dạy dỗ chúng, mà hàng xóm láng giềng cũng sẽ dạy dỗ chúng. Cho nên, phong khí của toàn bộ xã hội là có sự truyền thừa của Hiếu đạo.

Mấy chục năm gần đây, văn hoá truyền thống xuất hiện sự đứt đoạn, không ai dạy Hiếu đạo nữa. Nếu con trẻ không thể tăng trưởng được Hiếu đạo thì sẽ tăng trưởng điều gì? Tăng trưởng tự tư tự lợi. Cho nên không có tâm cung kính với cha mẹ. Chúng ta phải suy xét một chút, lời nói và hành vi của phụ huynh hiện nay có nhất quán không? Nếu như lời nói và hành vi của cha mẹ bất nhất thì con cái sẽ không có tâm cung kính với cha mẹ. Khi chúng ta nói với chúng rằng: con nói chuyện với người lớn phải có lễ phép, kết quả là người lớn chúng ta nói chuyện rất lớn tiếng với cha mẹ, điều này sẽ khiến cho nhận thức của con trẻ xuất hiện mâu thuẫn, không những con trẻ không sinh khởi tâm cung kính mà còn không đồng tình với cha mẹ. Sự bất đồng này cứ tích luỹ dần dần, đến một ngày khi thân của chúng cao lớn như thân của bạn, nắm tay của chúng lớn hơn nắm tay của bạn, chúng còn nghe lời bạn nữa không? Không! Cho nên hiện tượng phản nghịch là do lời nói và hành vi của người lớn không nhất quán, con trẻ không có tâm kính sợ trưởng bối, lại thêm cả xã hội không dạy Hiếu Đễ, vì thế mấy chục năm nay mới xuất hiện hiện tượng phản nghịch ở những thanh niên này.

Lời nói và hành vi của cha mẹ có ảnh hưởng rất sâu đến con cái

Tôi từng suy nghĩ xem chính mình có hiện tượng phản nghịch không, sau đó tôi đi hỏi mẹ:

– Mẹ ơi, con có hiện tượng phản nghịch không ạ?

Mẹ tôi nghĩ một lúc rồi nói:

– Không có!

 Trong tâm trí tôi, cha mẹ là bậc tôn kính nhất, cha mẹ đã biểu diễn cho tôi xem hiếu đạo và cách làm người như thế nào, cho nên trên làm dưới noi theo chính là giáo dục. Mà sự dạy dỗ này đúng là ở mọi lúc mọi nơi, lời nói và hành vi của chúng ta đều có ảnh hưởng âm thầm lặng lẽ đến con cái. Trong mấy năm làm giáo dục, càng ngày tôi càng thể hội mạnh mẽ rằng một lời nói một hành vi của cha mẹ đúng là có sự ảnh hưởng rất sâu đến con cái.

Tôi nhớ hồi nhỏ có một lần đến nhà Bà ngoại, bánh xe của chiếc taxi chở chúng tôi bị lọt vào bên mương nước, sàn bê tông va chạm vào ống xả đang hoạt động, cho nên cả đoạn đường sau đó, chiếc xe không ngừng kêu lên khực khực khực. Đến nhà Bà ngoại, vừa xuống xe thì mẹ tôi lấy tiền trả cho tài xế, ngoài ra còn đưa thêm 500 đồng cho bác tài xế. Hành động của mẹ rất chân thành nên đã lưu lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí tôi. Lúc đó tôi nghĩ rằng: “Mẹ mình nhìn thấy người lao động kiếm tiền không dễ, thực ra 500 đồng không quá nhiều với chúng tôi, nhưng đối với họ mà nói, có thể sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến đời sống trong một tháng. Khi khả năng của chúng ta có dư dả, nên giúp đỡ người khác nhiều hơn“. Do đó, hạt giống tâm nhân từ này đã được gieo vào tâm linh của trẻ nhỏ. Cả ba chị em nhà chúng tôi đều không cãi nhau với người khác, bởi vì từ trước tới nay, cha mẹ cũng chưa từng phê bình lỗi của ai ở trước mặt chúng tôi cả. Việc trên làm dưới noi theo thế này đúng là ở mọi lúc mọi nơi, cứ âm thầm lặng lẽ nuôi dưỡng nên hạt giống thiện lương.

Ngay bây giờ hãy nhanh chóng gieo xuống hạt giống tốt

Việc mà các bậc cha mẹ đang làm mỗi ngày chính là việc gì? Là giáo dục con cái. Có người làm được bảy, tám năm, thậm chí là mấy chục năm.  Khi có người hỏi họ: “Thế nào là giáo dục?”. Việc mà họ đang làm mỗi ngày mà họ cũng chẳng nói ra được. Trong mấy năm này, mẫu ruộng tâm của con cái rốt cục đã bị gieo xuống loại hạt giống nào? Những hạt giống này là tốt đẹp hay là không tốt? Những hạt giống này đã bắt đầu nảy mầm chưa? Có kết quả hay không? Mặc dù chúng ta không biết đã gieo xuống là tốt hay là xấu, thế nhưng nhất định sẽ nảy mầm, ra quả. Cho nên tôi nhìn thấy rất nhiều phụ huynh, mặc dù con cái của họ đã mười mấy tuổi rồi nhưng trên mặt họ đều hiện lên ai oán, ưu sầu. Nguyên nhân là hành vi của con cái đã rất khó kiểm soát, uốn nắn, gọi là “Sớm biết trước ngày này, hà tất làm ban đầu!”[3]. Do đó, bây giờ chúng ta nhất định phải học tập thật tốt thế nào là giáo dục, làm sao mới có thể giáo dục con cái cho tốt”, nhanh chóng gieo xuống những hạt giống tốt quan trọng nhất với cả đời cho con trẻ thì mới có thể thành tựu cho chúng thái độ làm người và xử thế chính xác.

Nuông chiều con là hại con

Cha mẹ hiện nay giáo dục con trẻ xuất hiện vấn đề vô cùng nghiêm trọng, chính là hai chữ “nuông chiều“. Tờ báo “Tin tức Đặc khu Thâm Quyến” đưa tin, có một cặp vợ chồng đích thân đến tìm toà soạn, muốn đem hành vi không hiếu kính của con cái họ để cho tờ báo đăng tin. Tại sao phải đăng tin? Muốn cho tất cả các bậc cha mẹ cảnh giác. Họ lớn tuổi mới có con, cho nên đối với con là muốn gì được nấy, các Thầy cô giáo ở trường mẫu giáo và tiểu học đã sớm phản ánh về hành vi vừa sai lệch vừa vô lễ của đứa bé, thế nhưng họ còn đi kiếm cớ cho đứa bé, nói rằng sau này nó sẽ tốt thôi mà. Rất nhiều bậc cha mẹ đều nghĩ rằng con cái sau này đều sẽ thay đổi tốt lên, thậm chí là còn nghe bói toán nói là đứa bé này đến 15 tuổi sẽ có thay đổi tốt. Chẳng lẽ trước 15 tuổi đều không tốt mà sau 15 tuổi sẽ tốt được ư? Không thể nào! Đâu có chuyện đột nhiên tỉnh ngộ ra được, từ chỗ không hiểu chuyện, nháy mắt một cái đã biến thành hiểu chuyện, việc này chỉ có thể xảy ra trong mộng mà thôi. Hiện nay con của họ muốn cưới vợ, nên muốn đuổi vợ chồng họ ra khỏi nhà. Cho nên, nuông chiều con cái thì con cái nhất định sẽ bất hiếu.

Dạy con phải thận trọng ngay từ đầu

Giáo dục con trẻ phải thận trọng ngay từ ban đầu, nhất định phải dạy dỗ chính xác ngay từ nhỏ. Tất cả mọi việc bạn đều một tay làm thay hết cho con, làm lâu rồi thì trong tâm con trẻ sẽ nghĩ rằng cha mẹ làm việc cho mình là việc đương nhiên. Mua nhà cho mình, lấy vợ cho mình, đều là lẽ đương nhiên, làm việc vì con vì cái mệt muốn chết mà kết quả chẳng có chút công lao gì. Hiện nay rất nhiều trẻ nhỏ mới bảy, tám tuổi mà đã thường nghe thấy chúng nói: “Những của cải đó của bố mình đều là của mình“. Chúng tôi nghe thấy những lời nói này thì trong lòng cảm thấy vô cùng bất an.

Rèn luyện cho con cái là tôi luyện năng lực cả đời cho chúng.

Tôi có một vị trưởng bối mà tôi gọi là Chú Lư, chú ấy nói với con của chú là: “Tất cả tiền của cha là lấy từ xã hội, sau này cha cũng phải sử dụng cho xã hội để đền đáp rộng khắp cho quần chúng nhân dân. Cha muốn thành lập một Quỹ Phúc Lợi Công Cộng [4], cha sẽ không để lại cho con đồng nào, nhưng chỉ cần con nỗ lực đi học và học tập nghiêm túc thì con muốn học đến học vị cao bao nhiêu, cha cũng sẽ hỗ trợ cho con“, khiến cho con trẻ từ nhỏ cảm nhận được tấm lòng vô cùng vô tư rộng lượng của cha mẹ, cho nên con cái bội phục cha mẹ tận đáy lòng.

Mặc dù kinh tế của chú Lư rất tốt nhưng khi con trai của chú đi du học ở Mỹ thì chú rất chặt chẽ việc chu cấp chi phí cho con, bởi vì chú biết người xưa có câu nói “giàu không quá ba đời“, mà hiện nay là một đời cũng không chống đỡ nổi. Trước đây còn có cái gốc của Thánh Hiền, gia đình và xã hội còn làm ra tấm gương về đức tính tiết kiệm tốt đẹp cho con cái; trẻ nhỏ bây giờ từ bé lớn lên mở mắt nhìn thấy đều là sự xa hoa phung phí, từ nhỏ đã rất biết tiêu tiền. Cho nên, trước khi con trai của chú xuất ngoại du học thì chú nói với con rằng: 

– Tiền cha cho con đều đã tính toán kỹ rồi, nếu con tiêu pha phung phí thì phải tự mình giải quyết. Nếu con mang về một người da đen hoặc mang về một người da trắng thì ta với con đoạn tuyệt quan hệ cha con.

Lời khó nghe đã nói trước rồi. Từ nhỏ, con trai chú lớn lên bên cạnh cha mẹ, biết tính cha đã nói là làm nên không dám làm bậy.

Học xong trước khi chuẩn bị về nước, cậu gọi điện thoại cho mẹ nói rằng:

– Con không đủ tiền rồi, con không thể đi máy bay về.

Mẹ cậu vừa nghe, sáng sớm hôm sau vội vàng định đi chuyển khoản. Chú Lư lập tức nói với vợ:

– Chờ một chút! Con trai mới có chút vấn đề, mẹ cũng không xem đúng sai mà tâm đã nóng vội rồi.

Chú nói:

– Ba tính cho mẹ nó xem, chúng ta đã chu cấp tiền cho con vừa đủ có thể mua vé máy bay về nước. Vì sao con trai lại đòi tiền mẹ? Bởi vì con biết sau khi về nước thì nhất định ba sẽ không cho tiền nữa, cuộc sống của con sẽ vô cùng khó khăn, cho nên muốn giữ một chút làm tiền phòng thân để còn có chút không gian xoay xở.

Cho nên, chú đã nói với vợ không được chuyển tiền. Kết quả cậu con trai gọi hai ba cuộc điện thoại đều không được tiếp tế tiền, sau đó đành phải tự đi máy bay về. Con trai về đến nhà, chú Lư lập tức nói với con:

– Con đã trưởng thành rồi, con không thể ở lại nhà này nữa, con phải rời khỏi nhà để tự lực cánh sinh.

Nếu quý vị là người làm cha, quý vị có thể làm được như vậy không? Đây có phải là từ ái không? Bởi vì từ nhỏ con trai chú đã được cha mẹ rèn luyện cho như thế, cho nên cậu cũng rất vui vẻ ra đi tìm việc làm. Công ty mà cậu đến phỏng vấn là một chuỗi các tổ chức giáo dục, sẽ do đích thân chủ tịch phỏng vấn. Vốn dĩ buổi chiều có năm, sáu người được phỏng vấn, nhưng khi phỏng vấn đến cậu ấy thì những người phỏng vấn sau không có cơ hội được phỏng vấn nữa, bởi vì chủ tịch nói chuyện với cậu suốt hai, ba tiếng đồng hồ. Trong quá trình nói chuyện, chủ tịch nói với cậu ấy:

Đây không thể là phương án kế hoạch mà người 25, 26 tuổi viết ra được.

Từ nội dung bản kế hoạch, vị chủ tịch đã lần lượt phỏng vấn cậu ấy, cậu đối đáp rất lưu loát. Sau đó vị chủ tịch nói một câu với cậu:

– Cậu muốn lương bao nhiêu, cậu hãy tự mình đưa ra nhé.

Bạn có mong con cái của bạn sau này đi làm mà ông chủ nói: “Muốn lương bao nhiêu, hãy tự mình nói ra” hay không? Cho nên, khi con cái có đức hạnh và năng lực như thế thì coi như đã đứng vững vàng trên đường đời rồi.

Về vấn đề kinh tế, chú Lư không phải chu cấp cho cậu ấy nữa, nhưng chú cũng dặn dò những trưởng bối ở bên cạnh con rằng:

– Nếu con trai tôi không sống nổi phải mượn tiền các vị, các vị có thể cho nó mượn, nhưng không được vượt quá hai ngàn đồng.

Chú Lư đều dự đoán đúng, kết quả tháng đầu tiên, con trai của chú đúng là không sống nổi, bởi vì tiền thuê nhà rất đắt, nên đã mượn hai vị trưởng bối, mỗi vị 2.000 đồng. Nhưng chú Lư dặn dò:

Nó hẹn đến ngày nào trả cho các vị thì các vị nhất định phải gọi điện đòi nó.

Sau đó đến ngày đã hẹn, con trai của chú đã trả tiền đúng hẹn cho hai vị này, từ đó cũng không thấy mượn tiền của người nào nữa. Cậu ta vẫn sống qua được, năng lực cũng được rèn luyện ra rồi.

Nuông chiều con cái thì sẽ tạo thành bất hiếu, nếu bạn biết rèn luyện cho chúng thì đây là tôi luyện nên bản lĩnh cả đời cho chúng. Từ ái thực sự là gì, phải tỉ mỉ mà suy xét. Có lúc tưởng là yêu con, ngờ đâu chính là hại con, mà yêu thương là phải dùng lý trí chứ không phải tình cảm, tình cảm thì sẽ biến thành chiều chuộng, nuông chiều.

Thân giáo ắt noi theo

Có một thầy giáo sau khi đọc xong “Đệ Tử Quy” thì rất vui sướng, trong lòng thầy nghĩ: mình có thể lấy cuốn sách này để dạy học trò của mình cho tốt. Ngày hôm sau thì bắt đầu dạy học sinh, mỗi ngày thầy đều trừng mắt thật lớn, giống như là chú cảnh sát đứng ở đồn, nhìn thấy học sinh làm sai chỗ nào thì lập tức lôi ra phê bình. Sau khi làm được hơn một tháng, thầy ấy cảm thấy rất khổ sở. Có một cơ duyên thầy ăn cơm cùng với chúng tôi, thầy nói:

– Đệ Tử Quy tốt như thế, nhưng sao tôi đi thúc đẩy mà mệt quá vậy ?

Tôi nói với thầy:

– Việc quan trọng nhất của người thầy không phải là ra lệnh cho học sinh đi làm, mà là bản thân phải làm được trước, lấy thân làm gương.

Tâm niệm này của thầy vừa chuyển thì cách làm đã thay đổi ngay. Có một ngày Thầy dọn dẹp bàn ghế, đột nhiên vừa ngẩng đầu lên thì thấy hai, ba bạn nhỏ đang lau bàn cùng thầy, những bạn nhỏ khác vừa nhìn thấy người khác ở đó làm cũng đi làm theo, kết quả là cả lớp đều cùng đi lau bàn. Thầy nói, lúc đó trong lòng rất cảm động, sức mạnh của việc lấy thân làm gương thật sự rất lớn.

Tuần đó Thầy đi công viên để làm kiểm tra giảng dạy, trong công viên thầy rất tự nhiên mà ngồi xuống nhặt các mẩu giấy vụn lên, nhặt được khoảng hai, ba mẩu, thầy ngoái đầu lại vừa nhìn thì phát hiện có mấy chục học sinh cũng đang ở đó nhặt rác. Thầy nói, lúc đó nhìn thấy mà nước mắt chực muốn rơi xuống. Thầy phát hiện ra một chân lý: người làm cha mẹ, người làm thầy cô giáo, người làm lãnh đạo, quan trọng nhất là lấy thân làm gương, sức mạnh của giáo dục, sức mạnh của giáo hoá, sức mạnh cảm hoá người khác là đặc biệt lớn. Sau cùng, học sinh còn lấy túi rác trên tay thầy đi rồi nói:

– Thưa thầy, thầy là trưởng bối, việc này hãy để cho chúng em làm là được rồi.

Dựng nước quản dân, dạy học làm đầu [5]

Việc đại sự quan trọng nhất của gia đình chính là giáo dục tốt con cái; việc quan trọng nhất của một quốc gia cũng là giáo dục tốt người dân trong nước, bởi vì người lãnh đạo luôn không muốn đất nước hay triều đại truyền đến đời họ thì bị đoạn tuyệt mất. Nếu truyền đến họ bị đoạn mất thì họ có lỗi với liệt tổ liệt tông, có lỗi với con cháu đời sau. Hoàng Đế vừa mới lên ngôi, trước tiên là phải làm việc gì? Lập Thái tử. Có thể thấy một quốc gia hay một triều đại, đối với việc có người kế vị, luôn được sắp xếp ở vị trí đầu tiên. Cho nên Hoàng Đế thời xưa mời người có học vấn tốt nhất trên toàn quốc đến để dạy cho thế hệ sau của họ. Nhưng bạn không nên ngưỡng mộ các hoàng tử, hoàng tôn, cho rằng nhất định họ sẽ có cuộc sống rất sung túc, rất hưởng thụ; thật ra không phải vậy, lúc trời còn chưa sáng thì họ đã phải dậy đọc sách rồi, bởi vì họ phải truyền thừa cả một triều đại, cần phải có kiến thức phong phú. Một quốc gia xem trọng việc giáo dục con cháu thế hệ sau như vậy thì một gia đình đương nhiên cũng phải xem trọng giáo dục.

Giáo dục con trẻ phải xếp ở vị trí đầu tiên

Một người ở tuổi xế chiều có được vận mệnh tốt thật sự hay không, then chốt là ở chỗ có dạy dỗ con cái tốt hay không. Nếu như cả hai vợ chồng đều có địa vị xã hội rất cao, cuộc sống gia đình rất đầy đủ, nhưng bởi do con cái thiếu đi sự dạy dỗ, ở ngoài chơi bời lêu lổng, thậm chí cha mẹ cũng không biết hôm nay con cái lại sẽ làm ra sự việc gì nữa. Cha mẹ như thế thì đến tuổi xế chiều liệu có thể trải qua ngày tháng tốt đẹp được hay không? Không thể nào. Rất nhiều người đến tuổi trung niên mới phát hiện ra tầm quan trọng của quản lý gia đình, thứ tự ưu tiên nặng – nhẹ, nhanh – chậm bị sai mất rồi, không đặt việc giáo dục con cái vào vị trí số một thì sau đó hối hận cũng đã muộn rồi. Thời nay rất nhiều cha mẹ đều xếp mục đích giáo dục con cái ở phía sau việc truy cầu danh lợi, đây là hiện thực rất đáng buồn. Thật ra đối với gia đình thì việc truy cầu danh lợi chính là huỷ hoại tiền đồ của con cái.

[1]  Giáo giả thượng sở thi hạ sở hiệu 「教者,上所施,下所效。」

[2]  Thân giáo giả tùng, ngôn giáo giả tụng 「身教者從,言教者訟」

[3]  Tảo tri kim nhật, hà tất đương sơ! 「早知今日,何必當初!」

[4]  Công Ích Cơ Kim Hội

[5]  Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên 建國君民, 教學為先


MỤC LỤC TOÀN SÁCH

CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ