11. CON TRẺ NÓI CHUYỆN KHÔNG RÕ RÀNG THÌ PHẢI LÀM SAO?
Nói chuyện cũng phải học, nói nhiều sẽ thành thục
Phương thức giao tiếp và tương tác giữa người với người quan trọng nhất là ngôn ngữ, cho nên học để nói chuyện rõ ràng tương đối quan trọng, thế nhưng học tập nói chuyện phải huấn luyện từ nhỏ. Tôi không được huấn luyện nói chuyện từ nhỏ, bởi vì từ nhỏ đã kém tài, chưa từng tham gia cuộc thi diễn giảng hay cuộc thi đọc thuộc nào, điều này đối với tôi mà nói cũng là kém duyên. Khi học Đại học, tâm cảnh học tập của tôi đã khai mở, lúc đó tôi yêu thích học tập một số kiến thức về sức khoẻ, sau khi học tập thì cảm thấy sức khoẻ rất quan trọng đối với con người, muốn đem kiến thức về sức khoẻ để nói cho bạn học nghe, sau đó tôi đến một quán trà bên cạnh trường học, kiếm hai, ba đứa em cùng trường, tôi nói:
– Các em có sẵn sàng nghe anh giảng nói về chủ đề liên quan đến sức khoẻ không?
Tôi đã nói hẹn với các em cùng trường ở quán trà như vậy, bắt đầu giảng giải cho họ về các chủ đề “Tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khoẻ con người”, “Tầm quan trọng của quan hệ nhân tế đối với con người”, từ đó tôi mới bắt đầu luyện tập nói chuyện.
Sau này tôi đến Hải Khẩu, cô Dương đã nói với tôi, chỉ cần một khi có cơ hội giảng bài, thậm chí chỉ có vài ba người nghe cũng phải đi giảng. Tôi cẩn thận tuân theo lệnh của cô giáo, trải qua hơn một trăm buổi đã giảng như vậy, sau này lại đến Thâm Quyến, nửa năm đã giảng được hai, ba trăm buổi, ngay sau đó đã bắt đầu làm các cuộc diễn giảng mang tính toàn quốc, đã một mạch rèn luyện như vậy. Cho nên, nói chuyện cũng phải “không sợ khó”, nói nhiều sẽ thành thục.
Nói chuyện muốn lưu loát thì phải nương vào rèn luyện
Nói chuyện cũng phải xem tồn tâm của chúng ta, nếu là lời nói lợi ích cho người khác thì đương nhiên phải nói; còn nếu là lời nói tự tư tự lợi thì phải nên “nói nhiều lời, không bằng ít”. Chúng tôi mở lớp học ở các nơi, các thầy giáo của trung tâm cũng thường hay để trẻ nhỏ có cơ hội lên đài nói chuyện. Như vậy không chỉ huấn luyện năng lực nói chuyện cho bọn trẻ, mà còn huấn luyện oai nghi nói chuyện cho bọn trẻ. Thầy cô giáo yêu cầu chúng khi lên giảng đài thì trước hết phải cúi chào một cái, đây là huấn luyện cho chúng phải làm được “đi thong thả, đứng ngay thẳng, chào cúi sâu, lạy cung kính”, lại tự mình giới thiệu: “Tôi là họ gì tên gì đó, năm nay mấy tuổi“, còn phải nói trong tuần này bản thân ở nhà làm được những việc gì hiếu thuận với cha mẹ. Khi trẻ nhỏ nói ra những việc hiếu thuận với cha mẹ mà mình đã làm, thì có thể “thấy người tốt, nên sửa mình”. Cho nên, “Đệ tử quy” là ở đâu? Là ở trong đời sống, từng giờ từng phút đều dùng được. Lúc bọn trẻ ở trên sân khấu nói chuyện thì có thể nhìn thấy tay của chúng không nghe theo sự sai bảo, động tới động lui, có lúc chúng nói chuyện không rõ ràng. Chúng tôi sẽ để cho chúng nói lại một lần nữa, từng lần từng lần để cho chúng rèn luyện, như thế sự lưu loát của nói chuyện đã được huấn luyện ra rồi.
Huấn luyện giới hạn thanh điệu khi nói chuyện
“Chớ nói nhanh, chớ mơ hồ”, thanh điệu nói chuyện của một người phải bình ổn chứ không nên hấp tấp, lúc nói chuyện phải có sự du dương trầm bổng, khi nói đến trọng điểm thì âm thanh phải có trọng lượng một chút. Nếu chúng ta trò chuyện chỉ toàn là dùng một dạng âm điệu thì có thể đối phương nghe rồi cũng buồn ngủ, cho nên nói chuyện còn phải “nói trọng điểm”. “Đệ Tử Quy” cũng đề cập đến thái độ và phương pháp nói chuyện, ví dụ như “trước người lớn, phải nói nhỏ; nhỏ không nghe, không đúng phép”, đây cũng là dạy dỗ chúng ta lúc nói chuyện thì dùng âm thanh vừa phải, không được quá lớn, cũng không được quá nhỏ tiếng. “Khi hỏi đáp, mắt nhìn thẳng”, khi chúng ta đang nói chuyện với người khác thì ánh mắt phải hướng về đối phương để biểu thị sự tôn trọng. Một số tình tiết nhỏ nhặt này, phải bỏ công phu mà huấn luyện con trẻ, sau khi trải qua ba, bốn tuần, tự nhiên sẽ tuân theo quy củ.
Có một bé gái rất hướng nội, chúng tôi cho em cơ hội rèn luyện nói chuyện. Trải qua mấy tháng, bé gái này đi tham gia cuộc thi diễn giảng đạt được giải thưởng, mẹ của em rất hoan hỉ. Nếu con cái của quý vị hiện nay không dám nói chuyện trước đám đông, quý vị cũng có thể huấn luyện chúng ở nhà. Người cha làm mẫu trước, rồi sau đó để cho con cái cùng rèn luyện với quý vị, chúng nhất định sẽ làm rất hoan hỉ, bởi vì trẻ nhỏ nhìn thấy bạn làm trước thì chúng sẽ làm cùng bạn, hơn nữa cũng sẽ làm rất nhiệt tình.
Tốc độ, nhịp độ nói chuyện nên vừa phải
Người hiện nay nói chuyện nói rất nhanh, hình như gặp được người khác thì giống như gặp được cố nhân tri kỷ, nói không ngừng được. Một người muốn thay đổi cá tính hấp tấp của mình thì phải từ nói chuyện mà bắt đầu, đây là phương pháp đơn giản nhất. Các vị nhìn thấy thân hình của tôi thì biết được tôi cũng là người rất vội vàng, rất hấp tấp, tính cách của tôi có thể chậm rãi trở lại, chính là lúc nghe Sư Trưởng giảng kinh thì không nhanh không chậm, tính cách hấp tấp đã từ trong bầu không khí thanh tịnh này mà dần dần bị hàng phục. Chúng ta nghe Sư trưởng giảng bài lâu ngày, càng dần càng quen thuộc tốc độ của âm thanh này thì vô hình trung sẽ làm chậm lại tốc độ nói chuyện. Khi tốc độ nói chuyện của bạn chậm lại rồi, thói quen này lại sẽ dần dần thay đổi cảm xúc và tính cánh của bạn.
Ngay trong việc rèn luyện cho con trẻ trò chuyện với người khác, lúc nào cũng phải có thể quán chiếu tốc độ nói chuyện của trẻ nhỏ, nếu quá nhanh thì người khác nghe sẽ vất vả. Rất nhiều người cũng nói: “Tôi nói vậy cũng đã đủ chậm rồi mà“, như vậy có được không? Không được dùng tiêu chuẩn của chính mình mà phải dùng tiêu chuẩn có thể tiếp nhận của người khác. Mục đích nói chuyện là ở đâu? Đương nhiên là phải để cho người khác nghe hiểu. Nếu chúng ta gọi điện thoại cho ông chủ, ông chủ nói chuyện quá nhanh, bạn không nghe rõ ràng, lại phải xử lý việc mà ông ấy giao, lúc này thì phải làm sao? Nói lại cho ông nghe một lần những nội dung mà ông ấy đã nói, nếu như bạn nghe sai thì ông ấy sẽ lập tức nói lại với bạn một lần. Nếu không bạn nghe nhầm ý của ông chủ thì lúc bạn xử lý vấn đề thì sẽ có sai lệch, chắc chắn ông ấy không cảm thấy ông ấy nói quá nhanh, nhất định là nói bạn làm việc không được chu đáo. Chúng ta phải có một thói quen, bất luận là ai giao việc cho mình, trước khi gác điện thoại đều phải nhắc lại một lần cho họ nghe thì mới chắc chắn không sai sót. Thường thì sai một câu sẽ làm cho toàn bộ sự việc phải làm lại từ đầu.
Chỉ nói lời trí huệ, chỉ nói lời an ủi nhẹ nhàng, chỉ nói lời lợi ích cho người khác
Nếu chúng ta có tâm muốn ra ngoài giảng nói “Đệ Tử Quy”, cơ hội luyện tập nói chuyện tốt nhất không phải là ở trên bục giảng, mà là từng giờ từng phút phải nắm bắt cơ hội giới thiệu học vấn Thánh hiền cho người khác, đây chính là cơ hội tốt để luyện tập nói chuyện. Khi chúng ta lúc nào cũng nói ngôn ngữ của Bậc Thánh Hiền thì sẽ không nói lời thừa nữa, những gì nói ra đều là chánh tri chánh kiến. Chúng ta ngay trong quá trình trò chuyện với người, chỉ nói lời trí huệ, chỉ nói lời an ủi nhẹ nhàng, chỉ nói lời lợi ích cho người khác. Bình thường có thể tích luỹ được như vậy, khi có cơ hội lên bục giảng, bản thân mới nắm chắc được sự bình tĩnh ứng đối.