CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ

4. CON TRẺ NÓI DỐI THÌ PHẢI LÀM THẾ NÀO?

Một ngày nói dối chẳng sống nổi

Trước đây tôi dẫn dắt một lớp, trong đó có một em, cha mẹ em đã ly hôn, người cha lại lấy mẹ kế, tình trạng chung sống của cậu bé với mẹ kế cũng không tốt. Đúng lúc đó tôi tiếp nhận lớp này, rất quan tâm đến tình hình của các em, mà em học sinh này đã hai tháng rồi không nộp tiền ăn trưa, tôi đã tìm cậu bé để tìm hiểu tình hình. Kết quả cậu bé nói về tình trạng trong nhà cậu không tốt, bởi vì em trai của cậu không ăn cơm nên cậu đã lấy tiền ăn bữa trưa để mua bánh mì, mua thịt bò cho em ăn. Tôi nghe lời tự thuật của em thì nước mắt cũng rơi xuống, muốn lập tức mua một vài thứ gì đó tặng cho nhà em. Tôi nói:

– Hôm nay thầy sẽ về nhà cùng em.

Đứa bé này lập tức rất hoảng hốt nói:

– Thầy ơi, không được đâu ạ!

Miệng của đứa bé này mới thực là rất dẻo, nhưng sau khi tôi nghe rồi cảm thấy có chút vấn đề nên gọi điện thoại về cho mẹ kế của cậu bé, mẹ kế của cậu bé nói về cậu bé không được tốt cho lắm. Cách nói của hai bên khác nhau quá xa, tôi không thể nghe lời phiến diện được.

Một ngày nọ tôi lái xe về nhà, đột nhiên dừng lại ở quán internet, quán internet này là quán lớn nhất, tôi cũng muốn bước vào để xem thử thế nào. Tôi bước đến một góc tối nhất của quán internet, kết quả nhìn thấy em học sinh này. Em vừa nhìn thấy tôi thì mặt mũi tái mét, hoá ra là em dùng tiền đóng tiền ăn trưa để tiêu vào quán internet. Điều mà tôi giận nhất là người ta lừa dối tôi, em ấy cũng rất cảnh giác, tôi liền đưa em ra ngoài. Mà có phẫn nộ cũng chẳng giải quyết được vấn đề, tôi nhanh chóng khiến tâm tình bình tĩnh xuống rồi mới xử lý sự việc cho tốt. Tôi nói với em:

 Em lừa dối thầy như vậy là không được!

Tôi lập tức đưa em về nhà, cũng xin lỗi mẹ kế của cậu bé, nhưng trong quá trình xin lỗi, tôi cũng cảm thấy đúng là mẹ kế đối với cậu bé không tốt, không tốt bằng đối với con ruột của mình. Trẻ nhỏ cũng rất nhạy cảm, bạn không thật thân thiết với chúng thì khoảng cách sẽ càng dần càng xa. Đến khi em lên lớp 6, chúng tôi vẫn phải hướng dẫn cho em tự phản tỉnh bản thân, tự mình sửa đổi.

Đứa bé này dần dần càng ngày càng quen với tôi, tôi cũng giao cho em một số công việc để em làm, ví dụ để cho em quản lý sách vở của lớp, các bạn học đến thư viện mượn sách đều phải đăng ký với em. Đứa bé này có việc hay không có việc cũng đều chạy đến trước bàn sách của tôi mà nói với tôi:

– Thưa Thầy, hôm nay có việc gì muốn em làm không ạ?

Sau này tôi hỏi em:

– Khoảng thời gian đó em đều nói dối, em cảm thấy có dễ chịu không?

Em nói rất khó chịu, mỗi ngày đều thấy Thầy giáo giống như là cảnh sát, em ấy giống như là kẻ trộm, cuộc sống như thế giống như là nhẫn chịu đau khổ vậy. Tôi cũng tiến thêm một bước nữa là hướng dẫn em tuyệt đối không được lừa dối người khác, như thế rất là khổ sở. Em ấy cũng cảm thấy người thầy này rất giống thám tử Sherlock Holmes, cũng biết phá án.

Con cái nói dối là kết quả, nguyên nhân nằm ở đâu?

Nói dối là thói quen xấu, nó đã được dưỡng thành từ lúc nào? Hơn nữa, đâu là một số tình huống sẽ khiến trẻ nhỏ nói dối? Chúng ta phải khéo từ căn bản, từ trên nguyên nhân mà quan sát cẩn thận, giúp chúng sửa lỗi.

 1. Cảm thấy thú vị

Hiện nay rất nhiều phụ huynh cũng cảm thấy, con cái tuổi đang còn rất nhỏ đã thông minh như vậy thì rất tốt! Mỗi lần tôi nghe thấy lời nói này đều lông tóc dựng đứng. Trẻ nhỏ thông minh có tốt không? Thật thà trung hậu mới tốt. Tôi nhớ lúc còn nhỏ có đọc qua một câu chuyện, gọi là “Cậu bé chăn cừu“. Có một ngày, lúc cậu bé này đang chăn cừu, cảm thấy vui vui liền kêu lớn: “Sói đến rồi! Sói đến rồi!” Những người nông dân đều rất thuần phác, vừa nghe thấy nó gặp nguy hiểm, đều cầm lấy bất cứ thứ vũ khí nào họ đang cày cấy để chạy đến giúp nó. Kết quả vừa nhìn, sói thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy bản thân cậu bé ở một bên cười ha ha. Ngày hôm sau nó lại kêu lớn: “Sói đến rồi! Sói đến rồi!” Chỉ có một nửa số người đến giúp nó, những người khác cảm thấy không biết nó có lừa người hay không! Kết quả lại là giả, những người nông dân đành bất lực mà ra về. Lần thứ ba, chó sói đến thật rồi, nó ở đó kêu suốt hồi lâu mà không thấy ai đến, kết quả con sói này ăn bầy cừu xong rồi, cũng ăn luôn cả đứa bé chăn cừu. Cho nên, trẻ nhỏ không được vì để vui vẻ mà nói dối, điều này chúng ta đáng phải cẩn thận.

2. Khoe tài

Trẻ nhỏ hiện nay tâm ganh đua rất nặng, có khi bạn học nói ở nhà có cái gì, chúng lập tức liền nói: nhà mình cũng có, nhà mình còn có nhiều hơn. Ở đó so tới so lui, ngôn từ cũng càng lúc càng khoa trương, điều này phải cẩn thận.

Thời nhà Tống có một vị danh thần tên là Tư Mã Quang, lúc còn nhỏ, có một lần cậu cùng với chị gái bóc vỏ quả hạch đào (óc chó). Trong quá trình bóc hạch đào, đúng lúc chị của cậu rời đi một chút, người đầy tớ trong nhà họ đã nói với cậu rằng, cậu chỉ cần dùng nước nóng chần một chút thì có thể bóc được. Sau đó chị của cậu quay lại, nhìn thấy cậu bóc được đặc biệt nhanh, cũng bóc được rất nhiều, nên đã hỏi cậu:

– Em làm sao mà bóc được nhanh như vậy? Làm sao em biết phải dùng nước nóng chần một lúc?

Tư Mã Quang lập tức nói:

– Em tự biết đấy!

Cha của họ nghe thấy rồi rất cảnh giác, lập tức nói với Tư Mã Quang:

– Chính mình vốn có bao nhiêu thì nói bấy nhiêu, không được lừa dối người khác để khoe tài.

Người cha biết “thận trọng ngay từ đầu, lần đầu tiên cậu vì khoe tài mà nói dối thì đã chỉnh đốn cho cậu ngay, cho nên mới thành tựu được đức hạnh của Tư Mã Quang. Tư Mã Quang từng nói: “Việc mà cả đời này ta làm, không có gì là không thể nói với người ” [1], công lao này của ai? Là công lao gia giáo của cha ông. Cho nên, khi trẻ nhỏ lần đầu vì khoe tài mà nói dối thì cha mẹ nhất định phải kịp thời chỉnh đốn cho con trẻ, vì khoe tài mà nói dối là hành vi không tốt. Người lớn nói chuyện trước mặt trẻ nhỏ cũng phải khiêm cung, không được nói lời dối trá, nếu không trẻ nhỏ cũng học theo để nói.

3. Ham muốn chiếm lấy lợi ích

Trung Quốc đại lục có một quan chức giáo dục có đề cập đến việc có một người bạn nói với ông, nói rằng con trai của mình rất thông minh, tại sao rất thông minh? Có một ngày đến nói với ông:

– Ba ơi, ba cho con hai đồng tiền nhé.

Ba của nó lấy ra một tờ tiền giấy hai đồng đưa cho nó, con trai ông lại tiếp tục nói:

–  Ba ơi, ba cho con hai tờ một đồng đi.

Cũng là hai đồng mà, vì sao lại muốn hai tờ một đồng?

Ba nó đã hỏi nó như vậy. Nó tiếp tục nói với người cha:

– Bởi vì ba cho con hai tờ một đồng, con có thể đến phòng đào tạo hai lần, nói là con nhặt được, đưa một đồng sẽ tính mười điểm, đưa hai lần tính là hai mươi điểm.

Có thông minh không? Ba của nó nghe rồi ở đó cười lớn ha ha, còn nói với người khác rằng con trai của mình rất thông minh. Vị quan chức giáo dục này cảm thấy thật bất lực, ý thức giáo dục con cái của vị phụ huynh này quá thấp rồi, ngang nhiên mà hướng dẫn con cái nói dối, cũng vì ham muốn công lao, ham muốn được khen ngợi trên trường, điều này cũng phải cẩn thận.

 

4. Che đậy lỗi lầm

Ánh mắt của cha mẹ và người lớn phải sắc sảo, khi con trẻ lần đầu nói dối để che đậy lỗi lầm thì tuyệt đối có thể từ trên nét mặt của chúng mà nhìn ra được. Có đứa bé làm gãy cái giá treo quần áo, thật ra giá treo quần áo bị hỏng có thể sửa lại rất đơn giản, nhưng trẻ nhỏ làm hỏng cái gì cũng cảm thấy rất lo sợ, nên nhanh chóng dấu đi mà không nói. Kết quả bị bạn học khác nhìn thấy được, báo cáo với thầy giáo. Thầy giáo nhìn thấy tình huống này đã nói với học trò:

– Em đã phạm hai lỗi, lỗi thứ nhất là phá hoại đồ đạc, lỗi thứ hai là không thừa nhận; lỗi thứ nhất gọi là “lỗi vô ý, gọi là sai”, lỗi thứ hai là “lỗi cố ý, gọi là tội”, lỗi thứ hai nghiêm trọng hơn lỗi thứ nhất rất nhiều. Nếu em lừa dối thầy giáo một lần, sau này có thể sẽ không có cách gì có được sự tín nhiệm của Thầy giáo, “biết sửa lỗi, không còn lỗi, nếu che dấu, lỗi chồng thêm”, cho nên sau này chỉ cần phạm lỗi, phải dũng cảm thừa nhận, không được trốn tránh.

 5. Người lớn đi đầu trong việc nói dối

Có một bộ phim tên là “Điện thoại di động“, trong bộ phim này có một con số thống kê, nói rằng một người trưởng thành trong một ngày nói chuyện điện thoại thì nói dối hơn 25 lần. Người lớn còn ngang nhiên nói dối thì đương nhiên trẻ nhỏ sẽ học theo. Những đứa trẻ này đang chơi đùa ở trong phòng, người mẹ nhấc điện thoại lên, có thể là người gọi điện muốn tìm người cha, họ nói: “Xin hỏi chồng của cô có ở đó không ạ?“, “Chồng tôi không có ở đây!” Cha nó vẫn ngồi ở đó, sao lại không có ở nhà? Đứa bé nghe rồi chẳng hiểu mô tê gì cả. Như vậy có được không? Không được, đây là sai lầm. Tuyệt đối không được dùng cách nói dối để từ chối người khác, khi bạn dùng cách nói dối, sau này con cái sẽ xuất hiện tình trạng nói dối. Lời dối trá, sao nói được, tuyệt đối không được dối trá, không được nói vọng ngữ.

Dùng đức hạnh chân thành để cảm hoá

Có một người thanh niên, anh ấy lái xe đưa cha đến công viên để nghỉ ngơi, sau đó hẹn với cha bốn giờ chiều gặp nhau ở đó, anh đã lái xe đến một trạm xăng để đổ xăng. Đổ xăng xong, anh cảm thấy thời gian còn những mấy giờ đồng hồ nên anh đã đến rạp chiếu phim để xem phim. Kết quả vừa xem thì quên luôn thời gian, đã làm trễ mất một giờ. Anh vội vàng chạy đến trạm xăng, lấy xe lái đến nơi hẹn với cha.

Trong tâm của anh nghĩ rằng cha mình nhất định sẽ mắng anh, vì thế đã nghĩ ra một lý do, nói với cha rằng bởi vì xe bị hỏng phải sửa. Chúng ta không nên trách anh ấy, bởi vì anh ấy chưa học qua câu nếu che dấu, lỗi chồng thêm”, “lỗi vô ý, gọi là sai ở trong “Đệ Tử Quy”. Bản thân anh ấy vốn tự cho rằng mình rất thông minh, nhìn thấy cha liền nói:

– Thưa ba, vì xe bị hỏng cho nên con đã đến muộn ạ.

Cha của anh nói:

– Tại sao con phải nói dối ba?

Anh ấy vẫn không bỏ cuộc, tiếp tục nói:

– Thưa ba, con nói thật mà.

Cha của anh tiếp tục nói:

– Ba đã gọi điện đến trạm xăng, họ đã nói với ba rằng xe của con vẫn đang để ở đó.

Lời nói dối của anh ta lập tức bị vạch trần rồi, trong tâm rất xấu hổ!

Cha của anh lại nói tiếp:

– Ba rất giận, không phải là giận con, mà là giận bản thân ba. Ba dạy con trai mười sáu năm rồi, vậy mà vẫn để con vì sợ ba mà nói dối ba, đây là do ba dạy con không đến nơi đến chốn, cho nên ba phải tự kiểm điểm bản thân, đoạn đường này ba sẽ tự đi bộ về nhà.

Từ đây về đến nhà họ khoảng 18 dặm Anh, một giờ đi bộ được khoảng bốn, năm dặm Anh. Cha của anh đúng là đi bộ từng bước từng bước về nhà, con trai lái xe theo phía sau cha mình. Anh con trai nói đây là đoạn đường khổ sở nhất mà anh đã đi qua trong cuộc đời, nhưng cũng là một khoá học tốt nhất mà anh được học trong đời này. Anh nói từ lúc đó đến nay đã không lặp lại việc nói dối nữa. Người cha này đã dùng đức hạnh của ông, dùng tâm xấu hổ của ông mà thức tỉnh được tâm xấu hổ của con trai.

[1] Bình sinh sở vi chi sự, vô hữu bất khả ngữ nhân giả .「平生所為之事,無有不可語人者」


MỤC LỤC TOÀN SÁCH

CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ