2. THẾ NÀO LÀ ĐỨC?
Thuận theo phép tắc làm người của Ngũ Luân chính là Đức
Giữa người với người, bất luận là giàu nghèo sang hèn, đều sẽ tự nhiên sinh ra năm mối quan hệ, gọi là “Cha con có tình thân, Vua tôi có đạo nghĩa, Vợ chồng có khác biệt, Lớn nhỏ có thứ tự, Bạn bè có Tín nghĩa” [1]. Khi chúng ta thuận theo chánh đạo của Ngũ Luân mà đi, tự nhiên sẽ có đức hạnh lưu lộ ra ngoài. Cha con có tình thân, tình thân là đức; Vua tôi có đạo nghĩa, đạo nghĩa là đức. Vợ chồng có khác biệt, khác biệt là đức; Lớn nhỏ có thứ tự, thứ tự là đức; Bạn bè có tín nghĩa, tín nghĩa là đức. Thật ra tất cả vấn đề trong thế gian này, chỉ cần người với người đối xử tốt với nhau thì phần lớn vấn đề đều được hoá giải. Khi người biết tôn trọng người thì nội tâm của họ có cung kính, có nhân từ, họ sẽ biết yêu tiếc vạn vật. Cho nên, mặc dù thế giới này có loạn, nhưng muốn giải quyết vấn đề cũng không có gì phức tạp, chỉ cần làm tốt Ngũ Luân, làm người cho tốt thì vấn đề sẽ được giải quyết.
Từ là đức của cha, Hiếu là đức của con.
Mối quan hệ giữa cha và con có phải là do một người nào đó quy định không? Không phải, nó là một loại trật tự trong tự nhiên. Khi đứa trẻ ra đời, có ai quy định rằng người làm cha phải thật từ ái với con cái không? Không có. Khi họ nhìn thấy đứa con vừa mới chào đời, chẳng ai bảo cũng sinh khởi lòng từ ái và sự quan tâm vô hạn, chỉ muốn làm sao để con cái có thể khoẻ mạnh trưởng thành. Từ nhỏ, con trẻ đối với cha mẹ cũng vô cùng quấn quýt, loại tình yêu đó là thiên tính. Rất nhiều trẻ nhỏ một, hai tuổi, khi cha mẹ xử phạt chúng, càng đánh chúng thì chúng càng chạy đến sà vào lòng cha mẹ. Đánh càng mạnh thì chúng càng ôm chặt. Con trẻ lúc nhỏ vừa mở miệng ra đều là bố mình nói thế này, mẹ mình nói thế này. Cho nên, cha từ ái – con hiếu thảo, loại tình thân này giữa cha con, mẹ con đều là tự nhiên.
Học làm cha
Mối quan hệ giữa cha và con hiện nay có phải là “Phụ tử hữu thân” không? Tại sao trật tự của tự nhiên bị bẻ cong rồi? Cần phải tìm ra được nguyên nhân. Cha từ ái, như thế nào là từ ái với con cái? Điều này rất quan trọng, nếu từ ái với con cái mà dùng sai phương pháp thì sẽ biến thành nuông chiều. Chính mình còn cảm thấy là đó là tốt cho con, thật ra là đang làm hại con. Người làm cha mẹ có cần phải học tập giáo huấn của Thánh Hiền hay không? Phải học! Làm nguời không phải chỉ là học vi nhân sư (học để làm thầy), mà còn phải học vi nhân phụ (học để làm cha), học vi nhân mẫu (học để làm mẹ). “Tam Tự Kinh” nói “Nuôi không dạy, lỗi ở cha”[2], phương pháp giáo dục con sai cũng là do lỗi của người làm cha mẹ. Rất nhiều người mẹ nói là “Lỗi ở cha“, không liên quan gì đến tôi, thực tế thì câu “Lỗi ở cha” cũng đã bao gồm cả người mẹ ở trong đó.
[1] Ngũ Luân: Phụ tử hữu thân, Quân thần hữu nghĩa, Phu phụ hữu biệt, Trưởng ấu hữu tự, Bằng hữu hữu tín. 五倫: 「父子有親、君臣有義、夫婦有別、長幼有序、朋友有信」
Cha con có tình thân, Vua tôi có đạo nghĩa, vợ chồng có khác biệt, lớn nhỏ có thứ tự, bạn bè có tín nghĩa
[2] Dưỡng bất giáo, phụ chi quá 「養不教, 父之過」