CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ

7. CON TRẺ CÃI LỜI CHA MẸ THÌ PHẢI LÀM SAO?

“Nói một lời cãi chín lời” [1] là kết quả, nguyên nhân ở đâu?

“Cha mẹ dạy, phải kính nghe”, khi cha mẹ dạy dỗ chúng ta, chúng ta phải cung cung kính kính mà tiếp nhận. Quân tử thời xưa là “nhất ngôn cửu đỉnh” (một lời nói ra nặng như chín cái đỉnh), nhưng trẻ nhỏ hiện nay đều là “nhất ngôn cửu đính” (nói một lời cãi chín lời), chữ đính này là đính của đính tràng (khua môi múa mép), chính là không có tâm cung kính với cha mẹ. Vì sao con trẻ lại nhất ngôn cửu đính? Bởi vì chúng ta đối với cha mẹ nói chuyện cũng không có tâm cung kính, chúng ta cũng thường khua môi mua mép với cha mẹ, trên làm dưới bắt chước, vô hình trung đã cho con cái tạo thành ảnh hưởng không tốt, loại gương xấu này làm cho con cái học được rồi. Cho nên làm cha mẹ thì khi ở trước mặt trưởng bối không thể không thận trọng lời ăn tiếng nói.

Khua môi múa mép tranh biện không thể giải quyết vấn đề

Rất nhiều bạn nói, những lỗi mà cha mẹ nói về tôi, rất nhiều cái đều không phải là sự thật cho nên tôi phải giải thích một chút. Khi cha mẹ giáo huấn chúng ta, cảm xúc có lúc cũng tăng mạnh hơn, nhưng nếu bạn lại cãi lại biện bác thì chỉ làm cho tình hình càng dần càng xấu đi, có thể giữa cha con lại sinh tranh cãi, cho nên lúc đó phải nên lặng yên lắng nghe.

Con người hiện nay thích biện bác giải thích, cũng không quay lại để xem chỗ làm sai của bản thân. Thậm chí cha mẹ thật sự có trách lầm bạn thì bạn cũng phải nhẫn nại, đợi cho cảm xúc của cha mẹ ổn định rồi thì họ sẽ cảm thấy mình đã làm hơi quá, có thể còn sẽ chủ động gọt trái cây cho bạn ăn, chủ động qua nói với bạn đôi câu, ý nghĩa chính là không có việc gì cả.

Cha mẹ dạy phải kính nghe” cũng phải nương vào trí huệ

Cha mẹ trách cứ bạn mà bạn không cãi lại, đối với hiểu lầm về bạn mà bạn cũng có thể bình tâm tĩnh khí mà tiếp nhận, ở đâu bạn cũng có thể nhẫn thì cha mẹ sẽ càng dần càng bội phục bạn. Nếu bạn có được sự tôn trọng và bội phục của cha mẹ, sau này bạn nói gì với cha mẹ thì họ có thể chịu lắng nghe, cho nên phải lắng được tính nóng nảy xuống! Đây chính là làm được “cha mẹ dạy, phải kính nghe“.

Thế nhưng “cha mẹ dạy, phải kính nghe” cũng phải là theo tình hình mà định. Ví dụ như, cha mẹ của bạn đang có bệnh tim, họ nhìn thấy bạn thì mắng rất kịch liệt, vậy thì bạn phải nên nhanh chóng tránh đi, không được để cha nổi giận thêm mà khiến cho bệnh tim của ông phát tác, nếu không chính là đại bất hiếu. Cho nên cầu học vấn phải học thật linh hoạt, niệm niệm phải vì cha mẹ mà suy nghĩ thì bạn biết được lúc đó phải nên tiến thoái như thế nào mới là chính xác.

Tăng Tử chịu đòn là bất hiếu

“Cha mẹ trách, phải thừa nhận, cha mẹ trách phạt thậm chí là đánh đòn, người làm con cái chúng ta phải nên vui vẻ tiếp nhận. Chính mình phải nghĩ xem tại sao cha mẹ lại nổi giận như thế, lỗi lầm của chúng ta ở đâu?

Có một lần Tăng Tử phạm lỗi, cha của Tăng Tử rất tức giận, đã cầm lấy một khúc gỗ lớn để đánh ông. Tăng Tử tuân theo câu giáo huấn “cha mẹ trách, phải thừa nhận”, cho nên khi cha đánh thì Tăng Tử không hề động đậy gì mà cứ để yên cho cha đánh, kết quả ra lực quá mạnh đánh cho ông bất tỉnh. Sự việc này truyền đến tai Khổng Tử, Khổng Tử đã nói với học trò rằng, Tăng Tử làm như vậy là bất hiếu. Bởi vì lúc cha mẹ tức giận, cảm xúc không dễ gì khống chế, nếu lỡ tay đánh một gậy khiến tử vong, con trai chết rồi thì ai là người thương tâm nhất? Cha mẹ. Cho nên, Khổng Tử nói “roi nhỏ chịu nhận, gậy lớn chạy mau[2], chính là cầm cây gậy nhỏ mà đánh thì ngoan ngoãn tiếp nhận xử phạt, khi dùng gậy lớn đánh thì phải chạy đi, nếu không chạy chính là khiến cha mẹ rơi vào chỗ bất nghĩa. Học tập học vấn của Thánh Hiền phải có thể vận dụng linh hoạt!

Giúp con trẻ hiểu rõ việc dụng tâm khi cha mẹ trách phạt

Tôi từng hỏi các bạn nhỏ: nếu bị cha mẹ xử phạt thì trong tâm các con suy nghĩ thế nào? Hoặc là sau khi con bị xử phạt rồi thì có suy nghĩ gì? Đáp án nhiều nhất của trẻ nhỏ là “Xui xẻo quá! Bị cha mẹ mắng, lần sau làm việc sai không để bị nhìn thấy thì sẽ không bị mắng nữa“. Như vậy có được không? Chúng ta phải nhạy cảm để quan sát tâm lý của con trẻ thì mới có thể hướng dẫn chúng có thái độ chính xác. Làm thầy cô giáo thì phải nói đỡ lời giúp cha mẹ để cho con cái thể hội được sự giáo dục của cha mẹ là tấm lòng yêu thương đối với con cái. Tôi hỏi học trò:

– Một người khi nổi cơn giận thì liệu tinh thần có còn thoải mái dễ chịu nữa hay không?

Chưa từng thấy! Sau khi nổi cơn giận rồi thì thân thể đều cảm thấy mỏi mệt, bởi vì vừa nổi cơn giận, cơ thể sẽ sinh ra lượng lớn độc tố, phải ba ngày mới có thể khôi phục, cho nên nổi giận có sự tổn thương rất lớn đối với cơ thể.

Tại sao cha mẹ biết việc nổi giận thì không tốt cho cơ thể của chính mình mà vẫn phải kỷ luật bạn? Bởi vì sợ bạn không học tốt, sợ cuộc đời bạn không xây dựng được nhân cách và thái độ chính xác, vì để cho bạn tốt nên cho dù làm tổn thương thân thể của mình cũng phải giáo dục bạn. Cho nên, bạn phải đem thân mình để xem xét sự dụng tâm của cha mẹ, phải không có lỗi với sự giáo huấn của cha mẹ, sau này tuyệt đối không được tái phạm. Phải học tập đức hạnh của Nhan Uyên, làm được không phạm lỗi lần thứ hai” [3], lần sau không được tái phạm. Chúng ta phải nên ôm ấp tâm thái bị đánh mắng chính là sẽ được tiến bộ, mỗi lần sau khi bị giáo huấn rồi thì nghĩ rằng mình nhất định có thể sẽ tiến bộ, phải nhanh chóng sửa chữa lại lỗi lầm. Khi con trẻ được giáo huấn, nếu có tâm thái như vậy thì có thể trân quý cơ hội nâng cao bản thân, không bị cảm xúc hoá, và có thể dùng lý trí để đối diện với sự việc.

[1] Nhất ngôn cửu đính 一言九頂 : chữ “đính” ở đây nghĩa là “cãi lại” – chữ này có âm đọc gần giống chữ “đỉnh”

[2] Tiểu trượng tắc thụ, đại trượng tắc tẩu 小杖則受,大杖則走

[3] Bất nhị quá不貳過


MỤC LỤC TOÀN SÁCH

CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ