6. CON TRẺ KHÔNG CÓ LỄ PHÉP THÌ PHẢI LÀM SAO?
Thầy cô và phụ huynh phối hợp dạy dỗ
Rất nhiều phụ huynh nói với tôi:
– Đứa con này của tôi bẩm sinh đã không lễ phép, bẩm sinh đã không biết chào hỏi người lớn.
Lời nói này có đạo lý không? Người ta chỉ một câu nói mà đã thoái thác sạch sẽ trách nhiệm của mình .
Có đứa bé mới hơn hai tuổi, mẹ của bé gửi bé đến Trung tâm để học tập, mẹ của bé nói với tôi:
– Con của tôi cũng không chào hỏi Thầy thì phải làm sao?
Tôi nói với cô ấy:
– Nếu chị cảm thấy đứa bé từ nhỏ có lễ phép rất quan trọng, thì hôm nay chúng ta hai người cùng phối hợp một chút, trước hết chị đi ra ngoài đi, tôi trao đổi với con của chị một chút.
Tôi đã nói với đứa bé:
– Nếu hôm nay con không chào Thầy giáo thì không được về nhà.
Kết quả nó bắt đầu rưng rưng nước mắt, tôi yêu cầu mẹ của nó rời khỏi tầm mắt của nó thì nó khóc to lên. Tôi đóng cửa lại rồi nói:
– Nếu hôm nay con không chào Thầy thì nhất định không được về nhà.
Nó thấy tôi kiên định như thế, ngược lại càng khóc to hơn, lúc này tôi tìm một cái ghế rồi ngồi xuống:
– Nào! Con khóc hết sức rồi, không có người nào cứu con đâu.
Nó bắt đầu không chỉ khóc, mà hai chân còn đạp xuống nền đất, còn chạy tới chạy lui, đây là khảo nghiệm tính nhẫn nại của chúng ta, tiếng khóc của nó là để dò la giới hạn của chúng ta. Đột nhiên, từ trong miệng đứa bé buột ra câu nói: “Thầy Thái, con chào Thầy ạ!“, tôi lúc đó thật sự là muốn bật cười ra tiếng, nhưng không được cười, còn phải rất nghiêm túc nói với nó:
– Con xem, làm một người con biết nghe lời không hề thiệt thòi chút nào, học được điều gì thì phải lập tức làm được, phải chào hỏi người lớn, đây mới là một người con ngoan.
Tiếp đó tôi dẫn đứa bé đi ra, để nó cùng mẹ về nhà.
Lần sau khi đứa bé này lại đến trung tâm chúng tôi, nó vừa nhìn thấy tôi thì chào hỏi, sau đó bất luận là nó đi đến đâu, ánh mắt đều quan sát thái độ của tôi. Cho nên, dạy dỗ trẻ nhỏ phải đồng thời có cả ân huệ và uy nghiêm, nhất định phải có uy nghiêm thì trẻ nhỏ mới không liều lĩnh, không dám khinh người nữa.
Lễ phép rất quan trọng đối với cả đời con trẻ
Có những đứa bé trong trường mẫu giáo, mặc dù học thuộc đọc kinh rất tốt nhưng trước nay vẫn không chịu chào hỏi trưởng bối. Trong lúc giảng bài, tôi từng nói với phụ huynh học sinh rằng:
– Trẻ nhỏ cả đời này có thể gặp được quý nhân hay không thì bây giờ đã nhìn được ra.
Phụ huynh vừa nghe được thì ánh mắt lập tức mở thật to, đôi tai cũng dựng lên. Trẻ nhỏ có thể gặp được quý nhân hay không, tuyệt đối không phải là lúc chúng sắp sửa tốt nghiệp đại học thì bạn mới chạy đến trước mặt Bồ Tát mà nói:
– Bồ Tát, con trai con sắp sửa tốt nghiệp Đại học rồi, Ngài nhất định phải giúp nó tìm được một công việc tốt, giúp nó tìm được một công ty tốt.
Bạn mỗi ngày đi cầu xin thì có tác dụng gì không? Nếu cầu được như vậy thì Bồ Tát có phải là bị bạn hối lộ rồi không?
Mấu chốt của việc cả đời này của con trẻ có gặp được quý nhân hay không,là ở chỗ con trẻ lễ phép và cung kính đối với trưởng bối. Khi chúng có thái độ lễ phép và cung kính với trưởng bối thì những trưởng bối có trí huệ và kinh nghiệm này sẽ sẵn lòng nâng đỡ chúng. Lễ phép là điểm mấu chốt để cả đời con trẻ có thể gặp được Thầy tốt, gặp được quý nhân. Bản thân tôi là được lợi ích của “có lễ phép” nên mới gặp được Thầy giỏi, mới gặp được quý nhân.
Hành vi không lễ phép của con trẻ cũng không phải là vấn đề của chúng, mà là vấn đề của ai? Là cha mẹ có xem trọng giáo dục lễ phép hay không. Thật ra con trẻ lúc nhỏ rất dễ dạy bảo, chỉ cần người làm cha mẹ lúc nào cũng lấy lễ phép xử sự đối người tiếp vật thì con trẻ tự nhiên sẽ dưỡng thành thói quen lễ phép. Có rất nhiều phụ huynh đều nói: con cái của tôi từ nhỏ đã không biết chào hỏi, mà Mạnh Tử nói: “làm mà không được, phản cầu chính mình” [1], làm cha mẹ thì không thể trách con cái không có lễ phép mà là phải phản cầu chính mình đi thực hiện đức hạnh lễ phép, như vậy nhất định có thể trưởng dưỡng được đức hạnh lễ phép của con cái.
[1] Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỉ 「行有不得,反求諸己」