CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ

15. TẠI SAO HỌC SINH RẤT KHÓ DẠY?

Khó dạy là kết quả, nguyên nhân là ở đâu?

Sau khi tôi từ Úc Châu trở về Đài Loan thì sống ở trong nhà cô Dương, một đồng học ở trường Sư Phạm biết tôi trở về thì gọi điện thoại cho tôi, anh ấy nói:

– Có một lớp rất khó dạy, là lớp bất hảo nhất toàn trường, anh có muốn dạy thay một chút không?

Anh ấy mà không nói khó dạy nhất thì tôi cũng không thấy có hứng thú, anh vừa nói khó dạy nhất thì tôi rất có hứng thú, “không vào hàng cọp, sao bắt được cọp con“. Hơn nữa quan trọng là khi kinh nghiệm của chúng ta tích luỹ càng lúc càng nhanh thì học sinh sau này có lợi ích càng lớn, cho nên tôi phải nắm lấy cơ hội rèn luyện này mà học tập. Hoá ra lớp này là do Thầy Trần, người đã dạy học được 40 năm rồi, còn có nửa học kỳ nữa thì Thầy về hưu. Thầy ấy dạy đang là học kỳ cuối của lớp 6 [1], thầy cảm thấy dạy học sinh năm cuối cấp tiểu học quá gò bó, do đó thầy không muốn dạy nữa nên mới phải đi tìm một thầy giáo dạy thay.

Khi tôi tiếp nhận lớp này, tôi từng gọi điện cho một phụ huynh, anh ấy nói:

– Thưa Thầy, ngày nào tôi cũng bận đi kiếm tiền quá nên không đến được, buổi sáng tôi ra khỏi nhà sớm hơn con trai tôi, tôi cũng không biết nó đang làm gì.

Con của ông thường hay lên mạng, đã học được rất nhiều thứ ô nhiễm nhưng cha mẹ hoàn toàn không biết. Rốt cục cha mẹ nỗ lực kiếm tiền như thế là vì điều gì? Là vì điều gì? Không phải là vì để có một gia đình ngày càng tốt hơn, thế hệ sau ngày càng tốt hơn hay sao? Kiếm tiền kiếm đến sau cùng, mục đích thật sự cũng quên mất rồi. Chúng tôi nghe phụ huynh đó nói như vậy thì cũng cảm thấy rất đau lòng, hoá ra nguyên nhân học sinh khó dạy có quan hệ rất lớn đối với việc thiếu sót trong giáo dục gia đình.

Học sinh phạm lỗi chính là cơ hội giáo dục

Thầy Trần đưa danh sách học sinh ra cho tôi, đồng thời cũng giới thiệu từng em từng em một cho tôi, thầy ấy nói: em này bà nội nuôi, rất nghịch ngợm, em này là cha mẹ ly hôn, đã nói cho tôi rất nhiều tình huống gia đình. Sau khi tôi nghe rồi thì thật sự lo lắng thay cho các em nhỏ, gần một phần ba gia đình đều không toàn vẹn. Thầy Trần nói với tôi:

Cả lớp này chỉ có bốn, năm em là hơi ngoan, số khác thì đều không ngoan.

Tôi nghe Thầy nói như vậy, trong lòng cũng không thấy lo sợ, ngược lại có một câu nói đã đề khởi lên: “Học sinh phạm lỗi chính là cơ hội giáo dục học sinh của chúng ta“.

Chú ý cảm nhận trạng thái nội tâm của trẻ nhỏ, phải hướng dẫn kịp thời

Sau khi tôi nhận dạy lớp đó rồi thì mới biết trong lớp có “Tứ đại Thiên Vương“, chính là bốn em học sinh thường hay phải đến Phòng đào tạo để đứng phạt. Nhưng sau khi tôi thật sự hiểu rõ được các em rồi thì tôi phát hiện ra các em này đều rất thiện lương, chỉ là hơi thiếu quy củ mà thôi. Tôi nghĩ chỉ cần thầy cô giáo có thể dạy dỗ thật tốt thì các em có thể cảm nhận được thầy cô giáo rất có nghĩa khí, các em sẽ sẵn lòng thay đổi tốt lên để hồi đáp cho sự yêu thương che chở của Thầy cô đối với các em.

Trong đó có một em học sinh, khuôn mặt em ấy biểu lộ ra không được tốt lắm, cái thứ cảm giác đó giống như là chúng tôi thiếu nợ tiền của em mà không trả vậy. Tôi gọi em học sinh này đến, tôi nói:

Này bạn nhỏ, Thầy giáo có đắc tội gì với em à?

Em nói không có. Tôi tiếp tục hỏi em:

– Thế sao khuôn mặt của em nhìn sao mà khó coi như vậy? Từ khi nào em bắt đầu như vậy?

Em học sinh này nói:

– Từ học kỳ một năm lớp 5 ạ.

Ngay từ lúc nào thì sắc mặt của em biến thành như vậy, em đều rõ ràng thấu suốt, chứng tỏ cậu bé này không hề khờ khạo. Tôi tiếp tục nói với em:

– Biểu lộ của em như vậy sẽ làm cho mọi người hiểu lầm em đấy, giống như em nhìn mọi người đều không thuận mắt, sau này biểu lộ khuôn mặt của em nên dãn ra, phải nở nụ cười nhiều.

Sau khi tôi nói xong, em cũng không hề nở nụ cười, lúc này phải làm sao? Quý vị cũng không được nói với cậu bé là: “Em sao không chịu nghe lời vậy?”, như vậy chính là nóng vội khống chế. Xây dựng tín nhiệm phải từng chút từng chút, nếu không thì đây không phải là yêu thương che chở chúng mà là khống chế, “Em phải ngoan ngoãn cho thầy”, cái này là “vừa vừa thôi kẻo kết quả ngược” [2].

Tâm kiên trì + Phương tiện khéo léo

Vì để thay đổi thái độ của học sinh này nên tôi cố ý sắp xếp một số công việc cho em làm, bởi vì tôi nghe thấy các bạn trong lớp nói đến một sự việc của em, chính là em đã từng đi chợ giúp mẹ bán quần áo. Một đứa bé lớp 6 rất ưa thể diện, mà em đã giúp mẹ đi chợ bán quần áo thì chứng tỏ rằng đứa trẻ này rất hiếu thuận, một đứa trẻ chỉ cần có tâm hiếu thì rất dễ dạy dỗ, rất dễ bồi dưỡng. Cho nên trong khoảng thời gian đó, tôi thường hay ngồi ở trong lớp chữa bài tập về nhà mà không về văn phòng. Chữa bài tập không phải là mục đích thật sự, “ý của ông say chẳng ở rượu”, vậy ở đâu? Mục đích là ở đó nghe ngóng, thu thập thông tin tình báo của học sinh, tiện thể tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi để hiểu rõ học sinh.

Tôi sắp xếp cho em làm đội viên đội kiểm soát ở trường, em đứng ở chân cầu thang, khi gặp những bạn nhỏ nào ở lớp dưới mà chạy lung tung thì phải nhanh chóng ngăn cản các bạn ấy:

– Không được chạy lung tung, đi ở hành lang không được chạy nhanh, anh phải ghi tên em vào cho nhớ, lần sau không được tái phạm.

Bản thân em làm đội viên đội kiểm soát, có cần phải tuân thủ phép tắc không? Em đi trong khuôn viên trường, một số em nhỏ học lớp Một cũng nhìn thấy em, cho nên hành vi của em dần dần được chỉnh đốn lại. Tôi phát hiện ra em rất có lòng chính nghĩa, một ngày nọ tôi nói với em:

– Thầy để em làm lớp trưởng có được hay không?

 Em hoảng sợ muốn chết, không được, không thể được! Bởi vì tôi từ Thầy giáo tiểu học của tôi mà học được một phương pháp hay, chính là để cho em ấy làm lớp trưởng. Tôi đã một mực như vậy khuyên bảo em, nếu không thì làm một tuần thôi cũng được, em đành miễn cưỡng tiếp nhận. Sau khi làm được một tuần, cũng không từ chối trách nhiệm nên một mạch làm luôn đến cuối học kỳ.

Ngoài phương diện năng lực làm việc ra, chúng ta lúc nào cũng phải cho các em cơ hội và sự khẳng định. Trong quá trình học tập của các em, ví dụ như giờ học toán, các em rất tập trung, tư duy rất nhanh nhẹn, trả lời rất tốt, chúng ta lập tức nói: “Bạn này đã có thể từ góc độ này mà suy xét, bạn ấy rất thông minh, chỉ cần dụng công thì không biết chừng sau này thế nào. “

Từng chút từng chút một khơi gợi ra lòng tự tin của các em. Kết quả tháng thứ hai kiểm tra, em ấy làm bài kiểm tra đứng thứ 5 cả lớp, tiến bộ rất lớn. Sau này tôi gọi các em có cống hiến nhiều trên lớp, cũng có cả em lớp trưởng này, cùng nhau đi ăn cơm. Chúng tôi hẹn nhau ở cổng trường, mẹ của em chở em qua bằng xe máy, vừa nhìn thấy tôi lập tức nói một đôi câu, không biết là kìm nén bao lâu rồi! Câu đầu tiên của cô ấy đã nói là:

– Thầy Thái, con trai tôi đi học học được hơn 5 năm rồi, từ trước tới nay không có Thầy giáo nào nhìn thấy được ưu điểm của nó.

Con cái đều là tim gan của cha mẹ, câu nói này là từ miệng của một người mẹ nói ra, ngày tháng trôi qua của người mẹ này có được tốt không? Không tốt được! Cho nên, sự cống hiến từng li từng tí một của thầy cô giáo chúng ta cũng là sự an ủi tương đối lớn dành cho cha mẹ.

Tôi nói:

– Con của chị rất có tiềm lực, từ khi em bắt đầu làm lớp trưởng, giao cho em việc gì em đều xử lý rất tốt, có năng lực lãnh đạo, có năng lực làm việc. phương diện học toán học thì em ấy tư duy cũng rất nhanh nhạy, chỉ cần tiếp tục duy trì thì sau này lên cấp 2, thành tích sẽ càng ngày càng tốt.

Khen ngợi học sinh thì phải cụ thể, như vậy phụ huynh nghe rồi trong lòng sẽ rất vui. Mặc dù tôi đang nói cho người mẹ nghe, nhưng trên sự thật là đang nói cho ai nghe? Em học sinh này đứng ngay ở đó, nghe thầy nói được mấy phút, những lời nói này sẽ lưu lại được bao lâu ở trong tâm em ấy? Lời chân thành sẽ cảm động được cả đời người.

Không có học sinh nào là không thể dạy, quan tâm yêu thương chí thành sẽ cảm được lòng biết ơn chí thành

 Tại lễ tốt nghiệp của học sinh, sau khi trao thưởng xong vẫn dư một phần thưởng, tôi cảm thấy đã sự sắp xếp một cách âm thầm để cho chúng tôi có thể tìm ra được một chút cơ hội. Tôi nói với các em học sinh trong lớp:

– Phần thưởng cuối cùng này, lớp chúng ta sẽ trao cho một bạn có sự tiến bộ trong học tập nhanh nhất, làm việc nhiều nhất trong học kỳ vừa qua, các em hãy đề cử một cái tên.

Đương nhiên mọi người đề cử tên của bạn học này. Em lên nhận quà tặng rồi về chỗ. Nam sinh này vừa ngồi xuống thì bắt đầu rơi nước mắt. Lúc này trong lòng tôi nghĩ, nếu đợi một lúc mà em ấy vẫn tiếp tục khóc thì tôi sẽ đi an ủi em ấy một chút. Học sinh tốt nghiệp phải xếp hàng ngay ngắn để đi ra cổng trường, tôi nhìn thấy em ấy vẫn còn khóc rất thương tâm, tôi liền đi đến bên cạnh em, nắm lấy tay em, đúng lúc chuẩn bị nói với em đừng khóc nữa, cậu bé này đột nhiên nắm lấy tay tôi nói:

– Em cảm ơn Thầy, em cảm ơn Thầy!

Cứ như vậy mà nói lớn. Tại thời khắc đó, tôi bị dòng điện của em phóng tới, tôi chực rơi nước mắt. Nhưng tôi tự nhủ không được mất kiểm soát, phải dẫn hàng đi ra. Tôi liền bắt đầu hít thở thật sâu, sau đó lại đi đến trước hàng, dẫn các em ra khỏi cổng trường. Sau khi đưa các em đi rồi thì tôi về sân trường, đột nhiên có một cảm nhận rất sâu sắc, không phải là tôi dạy được em học sinh này mà là em đã giúp tôi có được một bài học sâu sắc nhất, chính là nói với tôi: Không có đứa trẻ nào không thể dạy dỗ, quả thực là xem tâm chân thành của chúng ta có đủ hay không mà thôi!

[1] Ở Đài Loan, cấp tiểu học là từ lớp 1 đến lớp 6.

[2] Thích đắc kỳ phản 適得其反


MỤC LỤC TOÀN SÁCH

CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ