3. DẠY CON TRẺ KHIÊM CUNG LỄ KÍNH
Vì sao không được để tâm ngạo mạn lớn lên?
“Không được để tâm ngạo mạn lớn lên” [1], nếu con người kiêu ngạo thì không chỉ học vấn của chính mình không tăng trưởng, mà vô hình trung cũng đoạn đi nhân duyên gặp quý nhân của chính mình. Một người có đạo đức, có học vấn thì sẽ thích kết bạn với những người như thế nào? Là người khiêm tốn! Chỉ cần quý vị ngạo mạn thì những người này sẽ tự động bỏ quý vị mà đi.
Hồi học cấp 2 tôi rất may mắn. Có một ngày, Thầy dạy môn Lý Hoá (Vật lý & hoá học) của tôi viết lên bảng đen một hàng chữ “Làm người không được có ngạo khí, nhưng không thể không có khí phách“, kể từ hôm đó tôi chưa bao giờ dám quên. Thầy viết xong câu nói này, phảng phất có một ánh đạo quang chiếu vào trong tâm điền của tôi, bởi vì dưới chủ nghĩa học vị, rất ít khi có thể nghe thấy lời giáo huấn làm người, thật sự là như thế. Từ đó về sau, câu giáo huấn “Làm người không được có ngạo khí, nhưng không thể không có khí phách”, đã từ trong sâu thẳm khắc ghi vào trong tâm khảm của tôi rồi, đồng thời lúc nào cũng thúc giục bản thân tôi làm người không được ngạo mạn.
Một lần lễ kính chí thành mà đã thể kết giao được với một vị trưởng bối khiến cho cả đời có được lợi ích.
Khi tôi học ở Úc Châu đã gặp được rất nhiều trưởng bối, tôi gặp được các trưởng bối này thì trong lòng đột nhiên thể hội được rằng đã học câu “Việc chú bác, như việc cha; việc anh họ, như anh ruột”, đã học được rồi thì phải làm. Bởi vì mỗi một vị đều là cha mẹ của người ta, không chỉ có cống hiến với con cái mình, mà họ mỗi ngày cũng đang cống hiến cho xã hội. Có được ý niệm “việc chú bác, như việc cha; việc anh họ như anh ruột” rồi, tôi về đến phòng nghỉ thì bắt đầu tìm những vị trưởng bối này, hỏi các vị ấy sinh năm nào? Chỉ cần lớn hơn tuổi của cha tôi, thì tôi đứng một bên cung kính cúi chào một cái rồi nói:
– Cháu chào bác ạ!
Thưa các bạn, khi cái cúi chào cung kính này hạ xuống rồi thì có xảy ra phản ứng hoá học nào không? Vị trưởng bối này cười không ngớt, bác ấy nói bay mấy ngàn dặm cũng kiếm được một đứa cháu, bác ấy rất sung sướng. Tôi lại tiếp tục hỏi, hỏi đến một vị tiên sinh họ Trần, ít tuổi hơn cha tôi, tôi nói:
– Chú Trần, cháu chào chú ạ!
Đột nhiên có một vị trưởng bối chạy đến nói:
– Ta cũng muốn!
Vị này chính là chú Lư, người mà sau này có ảnh hưởng sâu sắc đến cả đời tôi.
Vị trưởng bối này thật là vô cùng yêu thương che chở thế hệ trẻ chúng tôi, chú sợ tôi không gọi chú ấy là chú, còn phải tự chạy đến để tạo ra cơ hội cho tôi, cho nên tôi cũng hết sức cung kính mà cúi chào chú:
– Chú Lư, cháu chào chú ạ!
Sau khi cái cúi chào cung kính này hạ xuống rồi thì cuộc đời tôi liền xuất hiện sự biến hoá “xoay trời chuyển đất”. Buổi chiều hôm sau chú Lư gọi tôi đến, chúng tôi ngồi ở trong phòng khách, chú nói với tôi, lúc chú 29 tuổi đã làm tổng giám đốc rồi. Chức Tổng giám đốc này không phải là tự mình phong cho, mà là có các cổ đông ngồi thành hai hàng, từng người một phỏng vấn chú ấy về việc khi doanh nghiệp xuất hiện các vấn đề thì phải nên giải quyết như thế nào, đó đều phải là công phu và kinh nghiệm chân thật, mà chú có thể đối đáp lưu loát. Cho nên, từ 29 tuổi mà đã làm được Tổng giám đốc chuyên nghiệp, chuyên giúp đỡ mọi người giải quyết các nguy cơ của doanh nghiệp. Người có năng lực như thế, chúng ta rất khó gặp được! Kết quả rất may mắn, là bởi do sự lễ phép của tôi mà đã làm cho vị trưởng bối này cảm thấy rất vui, vì vậy vừa ngồi xuống thì chú ấy đã chia sẻ với tôi mấy chục năm kinh nghiệm và trí huệ của chú.
Tôi nghe rồi thì vừa mừng, vừa lo. Lo điều gì? Lo rằng tầm nhìn của mình quá kém cỏi, có mắt mà không thấy núi Lư[2], bởi vì chú Lư đã ngồi ngay bên cạnh mà tôi còn chẳng nhìn ra. Tuy nhiên tôi cũng học được một đạo lý, đó là người có năng lực thật sự là người khiêm tốn! Nói chuyện với chú được hai giờ đồng hồ, trong lòng tôi rất cảm kích, thật sự thể hội sâu sắc được vì sao người xưa lại xem trọng sư đạo như thế. Bởi vì thân làm một người thầy thì đúng là vô tư, chỉ hi vọng dùng trí huệ của họ để thành tựu cho cuộc đời của bạn, hoàn toàn không cầu báo đáp. Ngay lúc đó tôi chỉ muốn làm một động tác, đó là động tác gì? Định quỳ xuống cung kính lạy chú Lư. Hồi trẻ chú Lư đã học qua nhu đạo nên động tác rất nhanh nhẹn, chú lập tức kéo tôi đứng dậy, chú nói:
– Không thể được!
Vậy là tôi quỳ không thành công.
Từ hôm đó trở đi, mỗi lần chúng tôi học xong, chú Lư đều nói:
– Nào, chúng ta cùng đi tản bộ.
Vừa đi ở bên cạnh chú vừa hỏi tôi, hôm nay cháu nghe “Đệ Tử Quy”, nghe thấy thế nào? Nghe “những câu chuyện giáo dục đức hạnh” nghe được thế nào? Tôi nói với chú tâm đắc của mình, chú nói:
– Cháu nhìn chưa đủ sâu, nhìn chưa được rộng.
Chú đã phân tích cho tôi nghe từng chút một. Mặc dù chúng tôi chỉ sống cùng nhau được hơn hai tháng, nhưng đúng là chú Lư đã cho tôi những khải thị về nhân sinh, không chỉ là tính cho hai tháng này thôi đâu, mà thật sự là có sự giúp sức cho cả đời. Sau khi tôi rời khỏi Úc, chỉ cần có cơ hội là tôi đều chủ động gọi điện thoại cho chú Lư, chú ấy cũng vô tư mà cho tôi những lời khuyên và sự mở mang tri thức rất tốt. Do đó, không được để tăng trưởng ngạo mạn, gọi là “Kiêu căng thì chiêu cảm tổn hại, khiêm cung sẽ được lợi ích” [3], nhất định phải nuôi lớn thái độ khiêm cung của con trẻ.
Có thể khiêm cung, có thể cung kính thì bản thân sẽ có lợi ích
Chúng ta đối xử với người khác mà có thái độ lễ kính và cung kính thì có thể có được sự dạy dỗ của thiện tri thức, gọi là “gần người hiền, tốt vô hạn; đức tiến dần, lỗi ngày giảm“. “Lễ kính chư Phật” thì có thể đạt được quả báo “thường tuỳ Phật học“. Chú Lư có một câu nói khiến cho tôi chấn động rất mạnh, chú nói:
– Tu hành thì đối với bản thân phải đuổi cùng diệt tận, đối với người khác phải mở lối ba phần.
Đối với với tập tính của chúng ta thì phải có thái độ đuổi cùng diệt tận, không được có một tơ hào phóng túng; mà đối xử với người khác thì chúng ta phải nơi nơi lấy bản thân mình để xem xét mà khoan thứ cho họ. Tôi nhớ có một lần, tôi từ phòng tắm đi ra, chú Lư sau đó bước vào định rửa ráy, đột nhiên chú chạy ra nói với tôi:
– Nào lại đây lại đây, chúng ta lại xem một chút. Cháu nhìn xem, sau khi cháu bước vào phòng tắm thì trên nền bị ướt như vầy, cháu lại để rơi nhiều tóc, nếu lúc đó có người đi vào, giả như không để ý mà trượt ngã thì làm sao đây? Nếu một người ưa sạch sẽ mà nhìn thấy những sợi tóc này thì trong tâm họ lại sinh phiền não. Chúng ta trì Thập Thiện Nghiệp thì phải “bất sát”, mà “bất sát” quan trọng nhất là không làm phiền lòng chúng sinh. Cho nên ngay trong quá trình chúng ta sống cùng đại chúng thì phải có một thái độ rất quan trọng, chính là tuyệt đối không được làm cho người ở cùng với cháu sinh phiền não.
Tôi nghe những lời dạy dỗ của chú Lư rồi rất cảm động, cũng rất vui mừng, tôi liền nhanh chóng dọn dẹp sạch sẽ. “Biết sửa lỗi, không còn lỗi“.
Tôi nói với chú Lư, tôi là một người có rất nhiều bệnh, lúc nhỏ không nhận được giáo dục, sau này có bất kỳ khuyết điểm nào, mong rằng chú Lư có thể giúp tôi kịp thời chỉ ra. Tôi quen chú Lư đến nay là hơn hai năm, chỉ cần có cơ hội là tôi đều gọi điện cho chú để thỉnh giáo. Mà khi tôi sống cùng với chú thì chỉ cần tôi có vấn đề, vị trưởng bối này cũng sẽ thẳng thắn chẳng ngại mà nói cho tôi. Bởi vì tôi có tâm cung kính, tôi biết phải thực hiện “nghe khen sợ, nghe lỗi vui; người hiền lương, dần gần gũi“, bởi vì tôi có thái độ như vậy nên đúng là đã khiến cho cuộc đời của mình có được lợi ích không hề nhỏ.
Lễ phép rất quan trọng
Khi tôi còn nhỏ đã dưỡng thành một thói quen: chỉ cần trường bối đến nhà chúng tôi, tai tôi mà nghe thấy âm thanh của họ, bất luận là tôi đang làm việc gì thì nhất định phải chạy đến trước mặt họ mà nói:
– Cháu chào chú ạ! Cháu chào dì ạ!
Trẻ nhỏ có lễ phép thì tuyệt đối người lớn sẽ rất hoan hỉ, lúc tôi ngẩng đầu lên thì nhìn thấy họ rất hoan hỉ nên tôi cũng rất hài lòng. Khi một người làm ra những việc có đức hạnh thì thật ra niềm vui của họ đã từ trong nội tâm mà lan toả ra rồi. Tôi có thể hội sâu sắc rằng: một người có thể gặp được quý nhân hay không thì phải xem người đó từ nhỏ có thái độ lễ phép với người khác hay không.
Lúc tôi mở buổi toạ đàm với các phụ huynh về việc phối hợp giữa cha mẹ và thầy cô giáo, tôi có nói với họ:
– Con cái của các vị sau này có thể gặp được quý nhân hay không, bây giờ tôi có thể phán đoán ra được.
Sau khi phụ huynh nghe rồi, ánh mắt của họ đều mở rất là to, Bởi vì người hiện nay rất thực tế, vừa đề cập đến con của họ có thể gặp được quý nhân thì họ rất là tập trung. Trẻ nhỏ có lễ phép thì đi đến đâu cũng nhận được sự yêu thương dìu dắt của mọi người đối với chúng; ngược lại, trẻ nhỏ không có lễ phép thì không những không gặp được quý nhân mà chúng còn không có được nhiều sự giúp đỡ, ở ngay trong lời nói, hành vi cũng sẽ hình thành rất nhiều chướng ngại. Chúng sẽ cảm thấy không hiểu nổi vì sao họ đều nhìn mình không vừa mắt? Chính mình cũng không hiểu rõ. Cho nên, lễ phép vô cùng quan trọng.
Lễ phép phải được dạy từ nhỏ
Lễ phép quan trọng như vậy, phải dạy từ khi nào? Tôi thường hỏi các phụ huynh, thi được thêm 2 điểm quan trọng, hay dạy dỗ con cái thái độ lễ phép làm người làm việc là quan trọng hơn? Phụ huynh đều cảm thấy thái độ lễ phép trong làm người làm việc quan trọng, nhưng phụ huynh lại tiêu hao hầu hết thời gian của con cái vào điểm số. Việc quan trọng thì không được để chậm trễ, nếu không khi con cái trưởng thành rồi, thói quen thành tự nhiên thì sẽ rất khó sửa đổi, đây là việc không được trì hoãn. Cho nên, nhất định phải xem trọng việc bồi dưỡng đức hạnh lễ phép của con cái ngay từ nhỏ, như vậy mới có thể giúp cho cuộc đời của con trẻ có được nhiều sự giúp đỡ.
Không học lễ, lấy gì lập thân [4]
Người Trung Quốc có câu: “Chưa lên Vạn Lý Trường Thành thì không phải là hảo hán” [5], tôi và các thầy cô giáo cùng nhau đi tham quan ở Vạn Lý Trường Thành. Ở trên Trường Thành có một cái cổng chỉ có thể cho phép hai người đối diện đi qua cùng lúc, cho nên lúc đi qua cái cổng đó, có nhiều người không giữ quy củ chen chúc lẫn nhau, kết quả xảy ra việc gì? Cả nhóm người đều bị kẹt ở trong cái cổng này. Các thầy cô giáo ở trung tâm chúng tôi ở trong đó chỉ nhìn mà không đi được, những người phía sau không hiểu rõ tình hình ở phía trước nên họ cứ vậy dồn lên phía trước, dòng người đối diện cũng đi dồn về phía trước. Nếu tiếp tục như vậy thì có thể sẽ có những việc ngoài ý muốn xảy ra. Lúc này các thầy cô chúng tôi lập tức đứng ra, bắt đầu chỉ huy dòng người di chuyển đi qua cổng này một cách có trật tự, đồng thời lễ phép nhờ những người đang chen lấn nhanh chóng lùi lại. Họ nhìn chúng tôi, còn tưởng chúng tôi là đội quản lý Trường Thành nữa, và dưới sự nỗ lực rất có lễ phép của chúng tôi, dòng người tắc nghẽn cũng khai thông được. Do đó, thời cơ để học tập và thực hiện lễ phép rất quan trọng, không được bỏ lỡ, nếu không thì mức độ tồi tệ sẽ khiến cho bạn khó mà tưởng tượng nổi, lời nói không có khuôn phép lễ tiết thì con người sẽ tự tư tự lợi, sẽ có thể xảy ra xung đột.
Có lễ phép khiến cho trên đường gặp được vô vàn niềm vui
Khi chúng tôi ngồi xe đi đến Đông Thiên Mục Sơn ở Hàng Châu để giảng bài, phía đối diện có hai chiếc xe, chúng tôi chủ động cho xe dừng sát vào bên đường để nhường cho xe của đối phương đi qua trước. Chiếc xe thứ nhất vừa đi qua, người ngồi trên xe rất hoan hỉ vẫy tay với chúng tôi, chúng tôi cũng vẫy tay lại với họ. Sau khi chiếc xe thứ nhất đi qua rồi, chúng tôi đợi thêm một lúc, chiếc xe thứ hai vẫn chưa đi qua, chúng tôi cảm thấy rất khó hiểu nên cử người xuống xe xem một chút. Kết quả xe đối diện đã dừng ở đó, muốn nhường cho chúng tôi đi qua trước. Đồng thời khi chúng tôi lái xe qua, hai người trên xe nở nụ cười rất tươi. Người với người đều là lễ kính với nhau, cảm giác đó vô cùng dễ chịu, như tắm trong gió xuân vậy! Trước khi chúng tôi còn chưa lên núi thì đã cảm nhận được tình người thuần phác của người dân ở vùng đất Đông Thiên Mục Sơn rồi. Từ ngay trong đời sống, chúng ta lúc nào cũng có thể cảm nhận được rằng biết lễ tiết, khiêm nhượng mới có thể khiến cho con đường nhân sinh thông suốt không trở ngại, mới không đến nỗi phải kẹt xe, không bị xảy ra xung đột.
Một đứa trẻ biết khiêm cung thì cả đời không lo bất lợi
“Kinh dịch” nói: “Quẻ khiêm, sáu hào đều tốt” [6]. “Kinh Thư” nói: “Kiêu căng chiêu cảm tổn hại, khiêm cung nhận được lợi ích” [7]. Trong 64 quẻ của “Kinh Dịch”, mỗi một quẻ đều có cát hung hoạ phước, chỉ có một quẻ mà sáu hào đều tốt, tức là “quẻ khiêm“. Nếu một đứa trẻ biết khiêm cung thì cuộc đời của nó có thể không phải lo điều bất lợi. Cuốn sách “Liễu Phàm Tứ Huấn” là triết học nhân sinh rất quan trọng, trong đó chương thứ tư chính là mô tả lại chỗ lợi ích của việc khiêm hư. Tiên sinh Viên Liễu Phàm tham dự qua mấy kỳ thi Tiến sĩ, mỗi lần trước khi chưa thi, ông đều quan sát các đồng học đến dự thi, phát hiện có một số người đặc biệt khiêm cung, khiêm tốn hoà nhã, đối với người rất cung kính, rất khiêm tốn. Mặc dù những đồng học này tuổi còn rất trẻ nhưng ông cảm thấy những người đó nhất định sẽ thi đậu. Khi kết thúc kỳ thi, quả nhiên không ngoài dự liệu, những người khiêm hư đều thi đậu cả.
Chúng ta mọi lúc cũng phải cảnh tỉnh con trẻ từ nhỏ phải thường giữ sự khiêm hư, dù cho tài năng của chúng ta có cao đi chăng nữa thì phải biết rằng, tài năng này cũng không phải là nhờ vào năng lực của chính mình để hình thành được, mà là chúng ta ở trong quá trình trưởng thành lâu dài, có rất nhiều trưởng bối đã dạy dỗ, chăm sóc, dìu dắt chúng ta thì mới hình thành được, cho nên càng có tài năng càng phải nên biết ơn tất cả các trưởng bối đã vô tư cống hiến cho chúng ta, khi chúng ta có tâm cảnh như vậy thì tự nhiên sẽ không ngạo mạn.
[1] Ngạo bất khả trưởng 傲不可長
[2] Núi Lư (Lư Sơn – 廬山) là ngọn núi nổi tiếng nhất Trung Quốc, chữ Lư trong Lư Sơn gần giống với chữ Lư trong họ của chú Lư (盧叔叔 – Lư thúc thúc).
[3] Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích 「滿招損,謙受益」
[4] Bất học lễ, vô dĩ lập 不學禮無以立
[5] Bất thượng Trường Thành phi hảo hán 不上長城非好漢
[6] Khiêm quái, lục hào giai cát 謙卦, 六爻皆吉
[7] Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích 滿招損, 謙受益