CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ

14. CON TRẺ KHÔNG CÓ TÂM CẢM ÂN THÌ PHẢI LÀM SAO?

Hướng dẫn con trẻ biết ơn, biết ơn mới có thể cảm ơn

Muốn dạy con trẻ hiếu thuận, báo ân, trước hết phải dạy dỗ con trẻ biết ơn, biết ơn mới có thể báo ơn. Trong quá trình chúng ta hướng dẫn con trẻ thì giảng cho chúng nghe một câu chuyện về Đức Phật. Có một lần, Đức Phật cùng các học trò đi trên đường, Đức Phật nhìn thấy trên đường có một đống xương trắng, Đức Phật đã rất cung kính đối trước đống xương này mà lễ lạy, các học trò bèn hỏi Đức Phật:

– Bạch Phật, vì sao Ngài phải lễ lạy đống xương trắng này ?

Đức Phật nói với học trò:

– Những bộ xương trắng này có thể là cha mẹ quá khứ của chúng ta, hoặc là tổ tiên của chúng ta, chúng ta phải nên lễ kính.

Đức Phật đã dạy học trò chia đống xương trắng này thành hai phần, một phần là những bộ xương trắng hơn, một phần là những bộ xương đen hơn. Học trò lại hỏi Đức Phật:

– Vì sao những bộ xương này là có sự sai khác như vậy?

Đức Phật nói với học trò, những bộ xương đen hơn là xương của người nữ, những bộ xương trắng hơn là xương của người nam. Vì sao xương của người nữ lại đen hơn? Bởi vì người mẹ mang thai mười tháng, ở trong mười tháng này, dinh dưỡng của thai nhi đều là do máu huyết bên trong người mẹ cung cấp cho, khi dinh dưỡng trong máu không đủ, thì nhất định phải rút từ trong xương của người mẹ ra để cung cấp cho thai nhi, cho nên làm người con nhất định phải báo đáp ân đức của mẹ.

Để cho con trẻ hiểu được nỗi khổ lúc sinh nở của người mẹ

Sự khó nhọc của người làm mẹ là từ khi mang thai mà bắt đầu, trong toàn bộ quá trình sinh nở, dưỡng dục con cái, từng li từng tí đều là sự khó nhọc của người mẹ. Chúng ta nói với con trẻ, người mẹ trong quá trình mang thai đều nôn oẹ, nhưng lúc mẹ đang nôn oẹ thì vẫn phải miễn cưỡng mà tiếp tục ăn cơm, nếu mẹ không ăn thì cơ thể họ sẽ không có dưỡng chất để cung cấp cho con, vì con mà mẹ dù khó khăn thế nào cũng phải tiếp tục ăn. Cơ thể các con là nhận từ cha mẹ, phải nên bảo vệ thật tốt, không được kén ăn, như thế mới không có lỗi với sự cống hiến của mẹ.

Chúng ta cũng để cho con trẻ thử làm mẹ một ngày, phát một quả trứng gà cho chúng đeo trên người, để cho mỗi em bảo vệ quả trứng trong một ngày. Vừa bắt đầu, các em đều sẽ cẩn thận ôm ấp, thế nhưng sau khi trải qua một, hai tiếng, sẽ nghe thấy âm thanh “Á…”. Một ngày trôi qua, tất cả trứng gà gần như đều bị vỡ hết sạch. Chúng ta nói với học trò, các con bảo vệ trứng trong một ngày cũng bảo vệ không nổi, mẹ các con phải bảo vệ các con trong bao lâu? Trong mười tháng. Nếu mẹ con cũng chạy nhảy như các con thì các con sinh ra sẽ có hình dạng thế nào? Bên này đỏ một cục, bên kia tím một cục. Cho nên, khi mẹ trong mang thai thì từng giờ từng phút đều suy nghĩ đến sự an toàn của các con.

Nhân dịp ngày của mẹ, chúng tôi từng để cho trẻ nhỏ đeo một quả bóng rổ, để cho chúng cảm nhận một chút đi trên đường như vậy sẽ có cảm giác thế nào? Chúng thể hội được rồi, mới sinh được lòng cảm kích. Ngoài việc khó nhọc lúc mang thai ra, người mẹ lúc sinh đẻ cũng vô cùng khó nhọc, sinh đẻ là một lần trải qua cửa ải sống chết. Hơn nữa lúc sinh đẻ, cơn đau đó không có cách gì hình dung được, không phải là đau một lúc rồi kết thúc, mà là phải đau suốt cả tiếng đồng hồ, thậm chí là đau mấy tiếng đồng hồ. Chúng tôi giảng cho học sinh, cơn đau đó giống như là đâm một dao vào cơ thể các con suốt mười lăm phút vậy. Học trò sau khi nghe rồi đều nhíu mày mà nói: “Thế thì nhất định rất đau!”

Ở trên giường sinh có hai cột thép vô cùng lớn, kết quả hai cột thép này cũng bị uốn cong. Chúng tôi hỏi học trò, sức mạnh như thế nào mới có thể làm cho cột thép bị uốn cong? Các em nói rằng là do sức mạnh của cơn đau của mẹ lúc sinh đẻ. Bởi vì khi sinh thì rất đau, cho nên người mẹ phải bám vào cột thép, hai cột thép này đã trải qua tích luỹ từng ngày bị kéo như vậy mà dần bị uốn cong.

Khi con được sinh ra rồi, câu nói đầu tiên, ý niệm đầu tiên của người mẹ là gì? Con có khoẻ mạnh không? Người mẹ yêu thương con cái như vậy mà có thể quên cả sự đau đớn trong lòng. Người mẹ có thể mọi nơi vì con cái mà suy nghĩ, rõ ràng là tấm lòng chân thật, chúng ta là người làm con thì không có cách gì báo đáp, vĩnh viễn không có ngày báo đáp hết được.

Hướng dẫn con trẻ hiểu được ân đức nuôi dưỡng và dạy dỗ của cha mẹ

Cha mẹ nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái lại càng khổ hơn. Có một người bạn nói, lúc còn chưa sinh con thì thường hay nghĩ nhanh chóng sinh nó ra; sau khi sinh ra rồi thì mới cảm thấy khi nuôi dưỡng còn khó nhọc hơn cả lúc sinh! Bởi vì bao nhiêu ngày đêm đều phải tiêu hao ở bên con cái, nếu buổi tối chúng không chịu ngủ thì người trong nhà nhất định luân phiên ra trận mà tiếp sức cho nhau. Tôi cũng có kinh nghiệm trải qua như vậy, cháu ngoại không chịu ngủ, tôi cũng luân phiên bế nó, nhưng tôi tiếp đòn không quá hai mươi phút thì không chịu nổi nữa, tay cũng nhanh chóng muốn rã rời. Bế đứa cháu ngoại này, tôi đã nói với nó:

– Sau này con mà bất hiếu với mẹ thì cậu sẽ là người đầu tiên trách phạt con đấy.

Bởi vì bao nhiêu đêm không ngủ đều là sự khó nhọc của người mẹ để cho nó an nhiên vào giấc ngủ, ở bên cạnh nó chịu đựng trải qua đêm khuya; bao nhiêu lần nó sinh bệnh, đều là người mẹ nửa đêm canh ba đưa con đi gặp bác sĩ; bao nhiêu ngày đã lo lắng xem con cái bữa sau ăn uống sẽ phải làm như thế nào. Những áp lực trong cuộc sống và trọng trách giáo dục lúc nào cũng đè nặng lên vai cha mẹ, vướng víu trên thân cha mẹ, người làm con như chúng ta làm sao có thể quên ân dưỡng dục của cha mẹ được chứ?

Con lớn mẹ đã già, đến già càng lo cho con

Thời xưa có một người con hiếu thảo tên là Hàn Bá Du, khi ông phạm lỗi thì mẹ của ông thường hay dạy dỗ ông, đánh đòn ông. Sau này ông lớn lên trưởng thành rồi, khi tái phạm lỗi thì mẹ ông vẫn còn giáo huấn ông. Có một lần mẹ ông đánh ông, đột nhiên ông khóc lớn tiếng, mẹ ông rất kinh ngạc, bởi vì mấy chục năm nay mẹ ông đánh ông, ông chưa từng khóc, vì sao hôm nay đột nhiên lại khóc? Mẹ ông đã hỏi ông:

– Vì sao con lại phải khóc như vậy?

Ông trả lời rằng:

– Từ nhỏ đến lớn mẹ đánh con, con đều cảm thấy rất đau, cũng có thể cảm nhận được mẹ vì dạy dỗ con nên mới làm như vậy. Thế nhưng hôm nay mẹ đánh con, con cảm thấy không đau nữa, chứng tỏ rằng cơ thể của mẹ đã càng ngày càng yếu đi, thời gian con phụng dưỡng mẹ càng ngày càng ngắn, nghĩ đến chỗ này con không nén được đau buồn từ trong lòng!

Người mẹ đã lấy tuổi thanh xuân của họ mà thành tựu cho sự trưởng thành cho con cái, cũng bởi vì thành tựu cho sự trưởng thành của con cái mà họ cũng đã từng ngày dần dần già yếu, dần dần hao gầy.

Ngày mà chị gái tôi xuất giá, ngay trong lễ nghi rước dâu, lễ nghi sau cùng là bái biệt cha mẹ. khi chồng chị dẫn chị tôi đến quỳ lạy cha mẹ, đột nhiên khoé mắt của cha tôi ngấn lệ. Trong khoảnh khắc đó, cảm nhận của cha tôi giống như là một ánh đạo quang chiếu đến đầu óc tôi, lúc đó tôi hoàn toàn cảm nhận được một loại khó khăn, một loại trách nhiệm mà người làm cha đang phải gánh chịu. Người cha dõi theo con cái rồi nghĩ đến, cuối cùng đã bồi dưỡng nó đến hơn hai mươi tuổi, về mặt học nghiệp, sự nghiệp cũng đã có nền tảng. Bây giờ nó kiếm được một chỗ dựa tốt rồi, trong tâm cũng được an ủi. Thật ra con gái xuất giá rồi, có còn bận tâm nữa không? Cha mẹ quan tâm đến con cái là trọn đời trọn kiếp, “mẹ sống một trăm tuổi, vẫn lo con tám mươi”. Mặc dù người mẹ đã một trăm tuổi, nghĩ đến đứa con tám mươi tuổi của mình, cũng là sự quan tâm cùng cực như vậy. Lúc đó tôi thể hội được thứ tâm cảnh của cha tôi, cũng từ trong nội tâm mà nói với bản thân, ân đức của cha mẹ lớn như vậy, từ nay về sau mình tuyệt đối không được nói một câu nào khiến cho cha mẹ tức giận, khiến cho cha mẹ lo lắng, hay là làm các việc trái với tâm nguyện của cha mẹ, cũng không được phép làm.

Dạy dỗ trẻ nhỏ làm sao để báo đáp ân đức cha mẹ

Đức Phật dạy bảo học trò: ân đức của cha mẹ đối với con cái, người làm con cả đời này cũng không thể báo đáp hết. Người làm con như chúng ta, chỉ có tận tâm tận lực mà hết lòng hiếu thảo đối với cha mẹ thì cả đời này mới là cuộc sống thật sự, mới không oan uống làm kiếp người. Chúng tôi thường nói với học sinh về sự khó nhọc của người làm cha mẹ, trong quá trình giảng bài, có một số em đã cảm động rơi nước mắt. Chúng tôi tiến một bước lại nói với học trò: các em đối với sự khó nhọc của cha mẹ, rất cảm động mà rơi lệ, sau này sẽ phải làm sao? Phải nhanh chóng hiếu thuận với cha mẹ. Khi các con có thể làm đến được một điều trong “Đệ Tử Quy”, chính là tận đến một phần tâm hiếu; khi các con làm được toàn bộ “Đệ Tử Quy” thì Hiếu sẽ làm được viên mãn. Khi trẻ nhỏ sinh khởi được tâm biết ơn thì tiến một bước hướng dẫn chúng phải báo ơn.


MỤC LỤC TOÀN SÁCH

CHƯƠNG 4 - XỬ LÝ VẤN ĐỀ